Thứ Bảy, 09/11/2019 15:04

Hương Trà: Tái diễn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp

Phản ánh của người dân, khoảng 16ha rừng tự nhiên dưới chân đèo Kim Quy (xã Bình Tiến - TX. Hương Trà) bị đốn hạ, đốt trụi. Qua khẳng định của cơ quan chức năng, đây là hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chứ không phải chặt phá rừng tự nhiên.

Phát huy vai trò “giá đỡ”Để người lao động gắn bó với doanh nghiệpHương Thủy: Khẩn trương đấu úng để người dân thu hoạch lúa kịp thời

Khu vực bị chặt phá, lấn chiếm ở chân đèo Kim Quy

Đi qua khỏi đèo Kim Quy (hướng TP. Huế – A Lưới) chừng 200m, nhìn về phía tay phải, phía dưới chân đèo, có thể thấy một khoảng lớn núi đồi có cây cối bị chặt hạ, đốt trụi nham nhở. Ở lần tiếp cận hiện trường chiều 5/5, nhiều người vẫn đang gùi những hom cây giống để trồng ở diện tích bị chặt phá.

“Tình trạng này diễn ra từ khoảng 1 tháng trước. Trong thôn có danh sách những hộ tham gia phá rừng và đã báo lên xã, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa ngăn chặn triệt để”, anh Nguyễn Văn Đ., một người dân địa phương cho hay.

Ông Đinh Công Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Trà cho biết, diện tích này là đất lâm nghiệp, thuộc tiểu khu 141, do UBND xã Bình Tiến quản lý. Đây là hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chứ không phải phá hoại rừng tự nhiên.

“Qua xác minh, có 14 -15 hộ tham gia chặt phá nhằm lấn chiếm, lấy đất trồng keo tràm. Những cây bị chặt hạ trong diện tích nói trên là cây tiên phong, như: bai bai, dẻ trắng, bạng, bộp bộp… nhìn to nhưng là loại gỗ mềm, giá trị kinh tế rất thấp. Sáng 5/5, chính quyền xã và cơ quan chức năng đã mời các hộ lên làm việc, nhưng chỉ có 2 hộ có mặt. Tại buổi làm việc, họ thừa nhận lấn chiếm khoảng hơn 2ha”, ông Bình thông tin.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Bình Tiến (TX. Hương Trà) thừa nhận trên địa bàn xã xảy ra tình trạng trên, do một số hộ dân ở thôn 4 thực hiện. Xã đã ra quyết định đình chỉ, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với một số hộ có hành vi chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đồng thời, xin chủ trương của TX. Hương Trà để xử lý hiện trường.

Hiện trường sau khi bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép

“Trước đây, diện tích này do Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Hương quản lý, sau đó chuyển giao cho xã. Có thời gian, một số lấn chiếm để trồng rừng và xã đã thu hồi. Hiện chúng tôi đang xây dựng phương án giao diện tích đất nói trên cho người dân thuê để trồng rừng kinh tế, trong đó ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi hoàn thành (dự kiến đầu tháng 6), xã sẽ trình lên thị xã và UBND tỉnh để xin chủ trương”, ông Kiên thông tin.

Qua tìm hiểu, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp ở tiểu khu 141 diễn ra vào cuối năm 2021, đã được chính quyền các cấp xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2022, tình trạng này lại tiếp diễn và kéo dài cho đến nay. Qua sự việc này, chính quyền xã Bình Tiến cần nhanh chóng có những động thái quyết liệt hơn để làm việc với những hộ dân còn lại nhằm ngăn chặn triệt để hành vi chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG - HẢI TRIỀU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 80 suất học bổng cho học sinh nghèo ở Hương Trà
Trao 80 suất học bổng cho học sinh nghèo ở Hương Trà

Ngày 15/2, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa thiên Huế, tổ chức Zhishan Foundation tại Huế tổ chức trao học bổng đợt 1/2023 cho trẻ em khó khăn trên địa bàn thị xã.