Thứ Ba, 04/12/2012 14:44

Hy vọng về một “cú hích”

Trong hệ thống tài chính ngân hàng, Ngân hàng phát triển là công cụ của Chính phủ nhằm giúp cho các địa phương và một số lĩnh vực có điều kiện nguồn lực để phát triển. Tháng 5/2015, Chi nhánh NHPT khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị (TTH- QT) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 chi nhánh TTH và QT trước đây. Nhiều người kỳ vọng đó không là “phép cộng” đơn thuần mà sẽ là một định chế tài chính mạnh hơn, đủ sức tạo một “cú hích” cho cả vùng đất phát triển. Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Lê Quang Toàn, Giám đốc Chi nhánh NHPT khu vực.

Ông Lê Quang Toàn, Giám đốc Chi nhánh NHPT khu vực TTH-QT

Cơ hội xen lẫn thách thức

* Ông có thể vui lòng cho biết lý do khiến NHPT Thừa Thiên Huế và Quảng Trị sáp nhập để trở thành Chi nhánh khu vực?

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) là ngân hàng chính sách của Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhằm củng cố và phát triển hoạt động của NHPT theo hướng bền vững, hiệu quả, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; Ngày 28/02/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 369/QĐ-TTG phê duyệt chiến lược phát triển NHPTVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó có việc tổ chức lại bộ máy các Chi nhánh và Sở giao dịch phù hợp với định hướng về phạm vi, quy mô hoạt động theo hướng hình thành các Chi nhánh khu vực và đến cuối năm 2015 toàn hệ thống còn khoảng 45 Chi nhánh.

* Sự sáp nhập này mở ra cơ hội cũng như thách thức gì đối với Chi nhánh NHPT Khu vực?

Thừa Thiên Huế (TTH) và Quảng Trị (QT) có địa giới hành chính liền kề nhau và các điều kiện địa kinh tế, tài nguyên, khí hậu, hạ tầng, văn hóa, xã hội… tương đồng nhau, vì vậy, việc tổ chức thành ngân hàng khu vực sẽ thuận lợi trong việc tham mưu và tài trợ các chương trình kinh tế, dự án qui mô lớn, mang tính khu vực, phát huy lợi thế so sánh vùng, miền, lãnh thổ… tạo nền tảng để có thể đột phá trong phát triển KT-XH; tránh việc đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, nặng tính địa phương, ít có tác động trong việc phát triển nhanh và bền vững.

TTH và QT cũng là 2 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế Bắc Trung bộ, có nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Chính phủ, các Bộ, Ngành và NHPTVN sẽ tập trung nhiều chương trình ưu đãi đầu tư, kể cả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác… để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực này trong thời gian tới. Vì vậy, sẽ có nhiều dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và các hình thức hỗ trợ khác của Chính phủ. Đây là cơ hội để NHPT KV TTH-QT triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các địa phương, các doanh nghiệp… Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mở rộng và đa dạng hóa hoạt động tài chính-tín dụng trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng không ít những thách thức đang chờ đợi phía trước:

Môi trường đầu tư không được thuận lợi, tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn, tỷ suất lợi nhuận thấp, ít cơ hội và lợi thế trong đầu tư phát triển.

Số lượng doanh nghiệp (DN) của TTH và QT không nhiều, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong quản lý đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế về năng lực tài chính, ít có khả năng tiếp cận các dự án, chương trình kinh tế có qui mô và tính khả thi… Vì vậy, số lượng các dự án có tính khả thi là không nhiều. Bởi lẽ, điều kiện vay vốn tín dụng đầu tư (TDĐT), tín dụng xuất khẩu (TDXK)… từ NHPT theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ qui định đối tượng và điều kiện vay vốn còn hạn chế; chỉ tập trung một số lĩnh vực, chương trình ưu tiên cần khuyến khích đầu tư. Hồ sơ vay vốn và giải ngân theo qui định của Nhà nước khá chặt chẽ. 

Một vấn đề khác nữa là lãi suất vay vốn hiện nay - so với các ngân hàng thương mại (NHTM), chưa thực sự hấp dẫn cũng đòi hỏi sự tính toán, cân nhắc trong quá trình phân tích tài chính dự án và vay vốn của các nhà đầu tư.   

Vì vậy, việc thành lập chi nhánh khu vực (CNKV) mở ra nhiều triển vọng; đồng thời cũng yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Tạo “cú hích” cho phát triển nhanh, bền vững

* Ông có thể tiết lộ những mục tiêu và ưu tiên của NHPT trong thời gian tới đối với Thừa Thiên Huế - Quảng Trị?

Trong thời gian tới, Chi nhánh NHPT khu vực TTH-QT sẽ nỗ lực để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ được NHPT Việt Nam giao, đó là: Phối hợp các sở, ban ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo 2 tỉnh các chương trình kinh tế trọng điểm, các dự án có lợi thế so sánh vùng, miền… nhằm phát huy tiềm năng của địa phương, tìm bước đột phá, tạo “cú hích” làm nền tảng để hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội; Tìm kiếm các cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư có tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến hoạt động đầu tư và tài trợ; Đồng thời với việc đạt mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo chất lượng tín dụng.

Giải quyết, xử lý những dự án đang gặp khó khăn để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh; Đa dạng hóa, mở rộng các hoạt động nghiệp vụ trên địa bàn; Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ viên chức, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp...

Trước mắt, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các Sở tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án: “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế bằng nguồn vốn đầu tư ưu đãi của NHPTVN”, với số vốn vay 1.600 tỷ đồng, thời gian vay 15-20 năm. Nhằm phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hóa đồ sộ, góp phần chỉnh trang đô thị, ổn định cuộc sống của gần 1 vạn dân… tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của TTH và vùng miền Trung. Cần nói thêm, do đối tượng không đúng theo NĐ 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ như đã đề cập ở trên, nên đề án này đang xin cơ chế đặc thù của Chính phủ.

Một dự án khác, cũng đang xin cơ chế tương tự là dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Cam Lộ - La Sơn đã được Quốc hội đồng ý triển khai theo hình thức BT, với số vốn vay gần 9.000 tỷ đồng.

Đồng thời để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho CNKV, chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân một số dự án ở ngoại tỉnh: Dự án thủy điện Sông Tranh 3 (Quảng Nam), thủy điện Đakring 2 (Quảng Ngãi), thủy điện Đồng Văn (Nghệ An), thủy điện Đakrong 2 (Quảng Trị); Chương trình Kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn…

Phối hợp Bộ Tài chính để giải ngân hai dự án ODA: Cấp nước TTH (giai đoạn 1: 35,1 triệu USD, giai đoạn 2: 46,3 triệu USD), cấp nước Đông Hà (22 triệu USD)…

*Tại Lễ thành lập Chi nhánh khu vực TTH - QT hôm mồng 6/5, theo Chủ tịch HĐQL của NHPT công khai cho biết, dư nợ của NHPT TTH-QT thật ra không cao, mới chỉ đạt khoản 50% mức dư nợ bình quân chung. Có thể hiểu, như vậy là trong thời gian qua, một lượng vốn rất đáng kể của NHPT đã không tới được với DN, dự án, chương trình,.. trong lúc tất cả đều đang thiếu vốn. Ông có thể giải thích về điều này?

Từ năm 2006-2014, đối với công tác tín dụng đầu tư: NHPT TT.Huế và NHPT Quảng Trị đã tiếp cận, tư vấn và thẩm định hơn 100 dự án; đã giải ngân cùng các nguồn vốn khác trên 10.000 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 4.867 tỷ đồng cho các dự án, chương trình kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế so sánh vùng, miền.

Đối với cho vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, đã hỗ trợ vốn cho các DN xuất khẩu hơn 855 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện cho vay vốn ODA, cho vay ủy thác, bảo lãnh DN vay vốn NHTM, hỗ trợ sau đầu tư giúp DN giảm bớt áp lực vốn vay từ thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh…

Trước khi sáp nhập, dư nợ bình quân của mỗi CBVC tại CN TTH đạt trên 100 tỷ đồng/người, ngang mức bình quân của hệ thống, chưa kể dư nợ nguồn vốn ODA. Sau khi sáp nhập, do dư nợ của CN QT còn thấp nên kéo dư nợ bình quân của cả CN khu vực xuống như nhận định của Chủ tịch HĐQL.

Mặt khác, dư nợ bình quân toàn ngành như phát biểu của đồng chí Chủ tịch bao gồm cả dư nợ ODA của ngành đang quản lý. Một số CN NHPT hiện đang quản lý vốn ODA các dự án rất lớn như Điện gió Bạc Liêu (xấp xỉ 1 tỷ USD), tổng vốn ODA đang quản lý ở Nghệ An (hơn 20.000 tỷ đồng), Đà Nẵng (hơn 10.000 tỷ đồng)… các dự án đặc thù như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (hơn 40.000 tỷ đồng), các dự án nhóm A của các Tổng công ty…

Trên địa bàn TTH và QT thời gian qua không có nhiều các chương trình, dự án đầu tư thuộc đối tượng vay vốn theo quy định của Chính phủ. Các nhà đầu tư đến TTH, QT cũng ít so với các địa phương khác. Các dự án lớn thường tập trung đầu tư tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện và môi trường đầu tư thuận lợi. Việc tranh thủ các nguồn vốn phi chính phủ cũng còn hạn chế. Vì vậy, phát biểu của Chủ tịch HĐQL muốn nhắc nhở toàn thể CBVC của CN khu vực cần nỗ lực hơn nữa trong tăng trưởng tín dụng và qua đó để thúc đẩy phát triển nền KT-XH ở hai tỉnh; đồng thời cũng kêu gọi tính chủ động, mạnh dạn của các đại biểu và doanh nghiệp trong việc phát huy năng lực, tìm kiếm cơ hội và các nhà đầu tư có năng lực, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ và có hiệu quả hơn, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các Bộ và Chính phủ, quyết liệt hơn trong việc tận dụng các nguồn vốn trong nước và quốc tế…

Công tác đặc thù, truyền thông cũng khác

* Xin lỗi trước nếu chạm tự ái, nhưng dư luận không ít người cho rằng, hoạt động hỗ trợ, cho vay của VDB hơi… “trịch thượng”. Có cảm giác VDB rất ít cần “tiếp thị”. Do “sở hữu” các mức lãi suất có tính cạnh tranh gần như vô đối, cho nên NHPT chỉ cần “ngồi một chỗ, khách hàng cũng phải tự khắc tìm tới”. Có phải vì vậy mà số dư nợ của đơn vị ông không được lãnh đạo NHPT đánh giá cao, và có phải vì vậy mà các thông tin về dịch vụ, sản phẩm của NHPT rất hiếm xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong lúc các NHTM thì cực kỳ quan tâm đến công tác này?

NHPT là một định chế tài chính của Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đối tượng và điều kiện vay vốn theo chỉ định của Chính phủ nên công tác truyền thông không giống như các NHTM với đối tượng phục vụ là đại chúng. Những nội dung vừa trao đổi cũng đã phần nào trả lời câu hỏi này.

 Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhằm giới thiệu chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đến với khách hàng, DN qua các kênh thông tin như: tổ chức hội nghị khách hàng, tham gia các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, hội thảo, in ấn phát tờ rơi, chuyển tải thông tin trên website www.vdb.gov.vn, làm việc với các Sở ban ngành, trực tiếp với các DN để hướng dẫn, tư vấn.

* Còn điều gì ông muốn chia sẻ thêm với bạn đọc và khách hàng?

Nhân dịp thành lập CN khu vực, cho phép tôi thay mặt toàn thể CBVC xin gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo hai tỉnh TTH và QT trong thời gian qua đã chỉ đạo, hỗ trợ CN hoàn thành nhiệm vụ được giao; cám ơn các sở ban ngành, các DN, khách hàng, các đồng nghiệp đã hợp tác tốt trong thời gian qua. Và chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo hai tỉnh và sự hợp tác của các cơ quan ban ngành và DN trong thời gian tới.

Cũng xin cảm ơn nhà báo đã nêu vấn đề để chúng ta có cơ hội trao đổi và thông tin đến độc giả. Tôi nghĩ, một xã hội phát triển cần tôn trọng phản biện.

* Xin trân trọng cảm ơn và chúc CN NHPT khu vực TTH-QT không ngừng phát triển, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong thời gian tới.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng
Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng

Chiều ngày 07/12/2023, Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng.

Xây dựng Quy hoạch Thủ đô xứng tầm, bảo đảm tính khả thi
Xây dựng Quy hoạch Thủ đô xứng tầm, bảo đảm tính khả thi

Sáng ngày 21/11/2023, hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức diễn ra tại Hội trường Thành ủy với sự tham gia của hơn 250 đại biểu.

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Sáng 21/11/2023, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Hội trường Thành uỷ Hà Nội.