Thứ Ba, 09/10/2018 16:56

Khu Bảo tồn Sao La: Ghi nhận nhiều loài quý hiếm

Qúa trình khảo sát, đặt bẫy ảnh ngẫu nhiên, gần đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn (KBT) Sao La ghi nhận 32 loài động vật hoang dã (ĐVHD) hiện diện.

Bảo tồn Trĩ saoGiữ gìn Khu Bảo tồn Sao La

Cán bộ Khu Bảo tồn Sao La thả cá thể rùa về rừng

Ghi nhận nhiều loài quý hiếm

Mỗi lần vào rừng đặt bẫy ảnh, anh Trần Văn Lâm- cán bộ KBT Sao La nuôi hy vọng sự tồn tại của loài sao la quý hiếm được ghi nhận từ hơn 20 năm trước tại khu rừng thuộc xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) và xã Hương Nguyên (A Lưới). Trong nhiều chuyến tuần tra, khảo sát tại nhiều khu rừng, anh Lâm và lực lượng KBT Sao La chưa một lần ghi nhận sự xuất hiện trở lại của lài động vật quý hiếm, nguy cấp này.

KBT Sao La xác định, sự thành lập KBT không chỉ bảo tồn loài sao la mà còn bảo tồn, phát triển nhiều loài ĐVHD khác, trong đó có nhiều loài quý hiếm, nguy cấp, trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Một thời gian dài, việc săn tìm các loài ĐVHD chủ yếu phụ thuộc vào những chuyến tuần tra rừng sâu để ghi nhận sự xuất hiện của chúng. Tùy thuộc vào tập tính, đặc tính của một số loài sinh sống, ăn đêm nên phải tổ chức nhiều chuyến tuần tra đêm.

Hạn chế lớn trong khảo sát các loài là sự gian nan khi phải băng rừng vượt suối ngày đêm. Khi phát hiện các loài động vật từ đằng xa không thể quay phim, chụp ảnh để làm bằng chứng. Từ khi chương trình bẫy ảnh ra đời, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động săn tìm, ghi nhận các loài ĐVHD, nhất là các loài quý hiếm, nguy cấp. Với bẫy ảnh chỉ cần đặt một lần kéo dài vài tuần đến cả tháng mới đến kiểm tra kết quả nên giảm bớt sự gian khóđối với cán bộ, kiểm lâm làm công tác bảo tồn ĐVHD.

Mới đây, KBT Sao La tiến hành tổ chức hai đợt đặt bẫy ảnh với 42 bẫy nhằm ghi nhận sự xuất hiện của sao la và các loài ĐVHD quý hiếm. Anh Lâm phấn khởi, dù không ghi nhận sao la nhưng quá trình bẫy ảnh phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm tồn tại ở những cánh rừng già, rừng sâu A Lưới. Trong đó, phải kể đến sự sinh tồn của các loài khỉ quý hiếm như khỉ mặt đỏ, vọoc chà vá chân nâu..., sơn dương, linh trưởng và trĩ sao tại KBT Sao La.

Từ hoạt động đặt bẫy ảnh kết hợp tuần tra, bảo vệ rừng, các lực lượng đã tháo gỡ 3.100 cái bẫy ĐVHD các loại. Hạt Kiểm lâm KBT Sao La phối hợp với các đơn vị liên quan cứu hộ, thả 2 cá thể rùa hộp trán vàng, một cá thể rùa sa nhân, một cá thể khỉ đuôi dài, một cá thể mèo rừng vào môi trường tự nhiên.

Tồn tại lưu cửu

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Ban Quản lý KBT Sao La đánh giá, nhận thức bảo vệ rừng, ĐVHD của người dân nâng lên rõ rệt. Quan điểm xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm triển khai. Nhưng nhìn chung kết quả BVR, ĐVHD vẫn chưa cao. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép, săn bẫy động vật thường xuyên diễn ra, nhất là tại khu vực rừng A Kỳ thuộc xã Thượng Long và A Roàng giáp ranh với rừng phòng hộ A Lưới. Các trạm kiểm lâm địa bàn còn chậm trong việc nắm bắt thông tin, phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm.

Tình hình vi phạm sắn bẫy ĐVHD trong KBT Sao La vẫn còn diễn biến phức tạp. Các lòng hồ thủy điện chính là “trở lực” trong việc ngăn chặn lâm tặc. Mực nước các lòng hồ dâng cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tiếp tế lương thực, vận chuyển gỗ bằng đường sông. Việc mở các tuyến đường dân sinh, đường 74, 71 còn tạo cơ hội cho lâm dân vào rừng săn bẫy ĐVHD...

Một trong những khó khăn lớn hiện nay, địa phận quản lý của KBT Sao La ở vùng xa xôi, hẻo lánh, việc trao đổi thông tin chủ yếu phụ thuộc sóng điện thoại. Nhưng địa điểm đóng chân các trạm, cửa rừng không có sóng điện thoại liên lạc, hoặc có sóng chập chờn, không ổn định. Qua quá trình khảo sát hiện trường trong mùa mưa bão, đơn vị xác định 2 trạm kiểm lâm và văn phòng Hạt Kiểm lâm của KBT nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, chia cắt khi mưa lũ kéo dài.

Trước những khó khăn này, không có cách nào khác ngoài xã hội hóa công tác BVR, ĐVHD. KBT Sao La tiếp tục xây dựng mạng lưới cộng tác viên, người dân địa phương, phối hợp với các ban ngành nhằm trao đổi, nắm bắt thông tin phục vụ cho việc tuần tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm. Ban Quản lý KBT Sao La tranh thủ, huy động các nguồn lực, chương trình, dự án đầu tư mau sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động bảo tồn, phát triển rừng, ĐVHD.

Đơn vị cử lực lượng tiếp tục giám sát các trạm, văn phòng hạt kiểm lâm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão nhằm có biện pháp di dời đến khu vực an toàn.

KBT Sao La tiếp tục sử dụng công nghệ, hệ thống SMART và thử nghiệm hệ thống SMART Mobile và SMART Connect trong việc theo dõi công tác tuần tra và ghi nhận đa dạng dạng sinh học, tiến tới áp dụng rộng rãi trong KBT. Đồng thời sử dụng các phần mềm ENVI, QGIS và phần mềm FMRS Mobile, Locus map tích hợp máy tính bảng trong việc phân tích ảnh viễn thám, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng săn bắt ĐVHD, phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

KBT Sao La rộng hơn 15,5 nghìn ha, có hệ động, thực vật phong phú, chứa đựng nguồn gen đa dạng của hơn 1.200 loài động, thực vật. Khu bảo tồn vẫn giữ được diện tích lớn rừng kín thường xanh nhiệt đới, là nơi sinh sống của nhiều loài chim, thú quý hiếm. Trên những khu rừng rộng lớn có nhiều loài thú lớn, có giá trị bảo tồn toàn cầu mới được phát hiện trên thế giới như: mang lớn, mang Trường Sơn...; đặc biệt là nơi sinh sống của sao la - một trong những loài động vật bí ẩn nhất thế giới.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm
Tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ quý hiếm

Thông tin trên do Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác nhận tối 17/2. Theo đó, vào ngày 16/2, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thuỷ đã tiếp nhận một cá thể khỉ mặt đỏ từ người dân tự nguyện giao nộp.

Sao la gần hơn
Sao la gần hơn

Từ sinh vật đặc hữu được xem là kỳ lân châu Á, sao la ngày càng được cộng đồng quan tâm nhiều hơn. Không chỉ trở thành linh vật trong SEA Games 31, hình ảnh và tên gọi sao la còn trở thành thương hiệu kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Cơ hội tranh giải Vô lăng vàng
Cơ hội tranh giải "Vô lăng vàng"

Đó là thông tin từ Phó Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh-Lê Anh Tuấn chia sẻ sáng 4/12, khi ủy ban ATGT quốc gia vừa ban hành kế hoạch, thể lệ giải thưởng "Vô lăng vàng" lần thứ 10 năm 2022.