Thứ Bảy, 12/10/2019 09:21

Kim ngạch xuất, nhập khẩu có thể cán đích 700 tỷ USD

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu tăng gần 15%, xuất siêu 809 triệu USD trong quý IXuất khẩu quý đầu năm tăng trưởng gần 13%11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mạiCơ hội để nông sản Việt khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Vietnam+)

Kết thúc quý 1, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng 2 con số. Do đó, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý 1 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận đạt 176 tỷ USD, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng rất cao, riêng xuất khẩu đạt tăng trưởng 12,9%.

Đặc biệt, các nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao, khoảng 18-19%, trong đó có những mặt hàng đặc biệt như càphê, gạo, thủy sản tăng trưởng từ 38% đến gần 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Nhận định xung quanh việc tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng cơ hội lớn nhất là từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra rằng trong CPTPP, đối với các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., mức tăng trưởng trong xuất khẩu đều đạt từ 25-35%, thể hiện rất rõ cơ hội cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn, tạo thuận lợi rõ ràng hơn và doanh nghiệp cũng có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Đáng lưu ý, trong khối RCEP có các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định RCEP sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn.

Nhấn mạnh những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng trước mắt vẫn là tác động của dịch COVID-19. Mặc dù tại Việt Nam, tác động từ dịch đã giảm bớt và Việt Nam đã thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất nhưng tác động của dịch bệnh ở những thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là hiện nay, dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc.

Với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, khi có các ca bệnh, Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả 1 thành phố hay 1 trung tâm sản xuất. Nếu những khu vực hiện nay đang cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản với số lượng lớn cho Việt Nam bị phong tỏa thì điều này sẽ tác động đến nguồn cung nguyên liệu cho Việt Nam.

Hơn nữa, trong vấn đề vận chuyển, hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt."

Ngoài ra, những bất ổn xung đột Nga-Ukraine cũng là điều đáng lưu tâm. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga cũng như Ukraine chưa phải là lớn song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mỳ, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... Bởi vậy, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động đến giá cả trên thị trường, dẫn đến giá đầu vào của các nguyên liệu nói chung.

Mặt khác, xung đột Nga-Ukraine còn gây tác động đến mặt hàng nhiên liệu dầu thô, xăng dầu, đẩy giá dầu thô lên rất cao do Nga là quốc gia cung cấp dầu thô, khí đốt hàng đầu thế giới. Điều này tác động đối với chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có nhập khẩu nhiên liệu, nhập khẩu dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường này lên, gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, đồng thời gia tăng áp lực cho hoạt động sản xuất của Việt Nam. Tác động đặc biệt rõ ràng đối với những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...

Năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6-8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD; duy trì cán cân thương mại ở mức xuất siêu.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng hiện nay, Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là đã có giai đoạn thử thách, vượt qua được tác động của dịch bệnh. Việt Nam cũng có đà tăng trưởng xuất khẩu tốt duy trì qua nhiều năm.

Thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước.

Để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng một số website để đưa thông tin đến với cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cuối tháng Ba vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Lễ ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR). Đây là nguồn thông tin trực tuyến miễn phí, cung cấp các quy định và thông tin mới nhất về thương mại cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu vào Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn dưới hình thức trực tuyến, trực tiếp và các chương trình đều phát huy tác dụng rất tốt khi lan tỏa đến các doanh nghiệp ở khắp các địa phương, vùng, miền trên cả nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, các thông tin về xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng rất được quan tâm. Do đó, Bộ Công Thương đã biên soạn rất nhiều các cái tài liệu, ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường mới như khu vực Trung Đông, khu vực Mỹ Latinh.

Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có một cẩm nang để hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là một số những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mua van điều áp nhập khẩu giá tốt tại Makgil VietNam
Mua van điều áp nhập khẩu giá tốt tại Makgil VietNam

Van điều áp được biết đến là thiết bị van cơ bản được sử dụng phổ biến trong hệ thống khí nén, thuỷ lực, nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ thông tin và hiểu biết chi tiết về loại van này. Hãy cùng tìm hiểu về van điều áp ngay nhé!

Thổ Nhĩ Kỳ bước vào thế kỷ khí đốt mới
Thổ Nhĩ Kỳ bước vào thế kỷ khí đốt mới

Trữ lượng khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen có thể đáp ứng nhu cầu của đất nước trong nhiều thập kỷ tới - RT dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Fatih Donmez tuyên bố tại diễn đàn "Thế kỷ năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ" hôm 30/1.