Thứ Năm, 10/11/2016 05:30

Lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp

“Tôi muốn sự cộng tác, phản ánh đầy đủ nhất từ doanh nghiệp (DN). Hy vọng chúng ta có môi trường đầu tư hết sức thông thoáng, với phương châm: Nhanh hơn - Đơn giản hơn – Thân thiện” – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn như thế khi nói về sự đồng hành giữa lãnh đạo tỉnh với DN và ngược lại.

Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp du lịch, ẩm thực, thủ công mỹ nghệChủ động tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trườngChia sẻ khó khăn trong hoạt động xây dựng

Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, một lần nữa Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định vai trò của DN trong sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các cơ chế chính sách đến được với DN cũng như các cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, tôi biết rằng một số chính sách cũng chưa đến được với DN. Vì thế vấn đề quan tâm là làm sao các chính sách đó đến các DN, các tổ chức kinh tế đang đầu tư trên địa bàn tỉnh”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ

Lâu  nay lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng DN. Vậy đã  đánh giá cụ thể nào về hiệu quả chưa, thưa ông?

Lãnh đạo tỉnh đồng hành cùng DN ở đây có hai nghĩa: lãnh đạo tỉnh đồng hành với DN và DN trao đổi với lãnh đạo tỉnh trong quá trình tham gia đầu tư trên địa bàn.

Chúng tôi đã thực hiện một cách đầy đủ 2 tháng/lần thông qua trao đổi trực tuyến trên môi trường mạng, được truyền hình trực tiếp về những vướng mắc trong quá trình đầu tư theo từng chủ đề với tinh thần lắng nghe để giải quyết. Ngoài ra, còn có các kênh thông tin khác đã được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, liên tục thông qua việc tiếp nhận và xử lý của Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Việc gặp mặt theo từng hiệp hội, tổ chức nhỏ do lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao đổi đã tháo gỡ một số khó khăn. Việc triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ cho DN cũng được các ngành tổ chức một cách đồng bộ. Tất cả những vấn đề ấy nói lên sự mong muốn đồng hành của lãnh đạo tỉnh với DN.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn các DN hãy đồng hành cùng tỉnh để đơn giản thủ tục hành chính; có thêm nhiều kiến nghị, hiến kế để phát triển một cách toàn diện, từ đó tạo được môi trường đầu tư thông thoáng.

Nhưng có lẽ chừng đó vẫn chưa đủ?

Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả những buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN, các nhà đầu tư. Thế nhưng để đi vào chiều sâu chúng tôi mong muốn sự phản hồi của DN. Xuất phát của đối thoại là chúng ta phải giải quyết vấn đề gì DN cần, mong muốn. Và đó là một trong những vấn đề tôi đặt cho DN.

Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, chia sẻ chủ đề mà DN muốn, có nghĩa từ thế bị động của DN sang thế chủ động của DN. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua mỗi cuộc đối thoại như thể sẽ cởi mở hơn, trao đổi cụ thể hơn. Tôi nhắc lại, quá trình này phải hiểu theo đúng nghĩa đồng hành.

Sản xuất gạch men tại Công ty TNHH Vitto Phú Lộc ở Khu công nghiệp La Sơn. Ảnh: Thanh Hương

Vẫn còn một số DN phàn nàn “trên thông nhưng dưới vẫn chưa thoáng”, ông nghĩ sao về điều này?

“Trên thông nhưng dưới vẫn chưa thoáng” hay “trên trải thảm dưới rải đinh” là vấn đề tồn tại. Trong quá trình làm việc với DN tôi cũng nghe, điều khiến tôi luôn trăn trở trong quá trình giải quyết vướng mắc. Làm sao trên thông dưới phải thoáng, những rào cản phải được tháo gỡ? Tôi nghĩ, chúng ta phải có những quy định, quy chế trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính một cách minh bạch. Quá trình đó cần phải được kiểm tra, giám sát, cần được ghi nhận, phản ánh.

Theo tôi, yếu tố căn cơ nhưng quan trọng nhất là con người. Những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức phải là những người có năng lực thật sự, có chuyên môn, có tâm và có trách nhiệm cao. Sắp tới tỉnh sẽ có những đoàn thanh tra, kiểm tra tại các trung tâm hành chính công, tại các sở ban ngành để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong quá trình giải quyết, thụ lý thủ tục hành chính.

Năm nay tỉnh xác định là năm kỷ cương kỷ luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, chính trị. Với quan điểm đó, những vướng mắc, trở ngại của các DN phải được xử lý thấu đáo. Tiếng nói của cộng đồng DN phải được lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc, nhưng quan trọng phản ánh đến đâu.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng ít nhận những kiến nghị cụ thể từ các DN, bởi lẽ muốn xử lý vấn đề phải có địa chỉ, công việc, con người cụ thể... Có thế mới truy ra hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, những thái độ vô cảm của một số cán bộ công chức trong quá trình thụ lý hồ sơ DN.

Khác với các tỉnh, thành trên cả nước, Thừa Thiên Huế đang phát triển theo hướng riêng, chú trọng bảo vệ cảnh quan môi trường, văn hóa lịch sử. Ông đánh giá vai trò DN trong việc hưởng ứng theo mục tiêu đó như thế nào?

Chúng tôi định hướng rất rõ, xây dựng đô thị Huế theo hướng đô thị văn hóa, di sản, cảnh quan gắn liền bảo vệ môi trường. Vừa rồi, chúng ta rất vui mừng, khi triển khai hãy hành động để Huế xanh – sạch – sáng, cộng đồng DN đã hưởng ứng, tham gia tích cực.

Sắp tới tỉnh sẽ có đánh giá, và làm sao đó các DN tiếp tục tham gia với hiệu quả tốt hơn nữa. Mỗi DN phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Và tỉnh xác định, bảo vệ môi trường cũng là cách tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, sự phát triển bền vững không chỉ tỉnh nhà mà còn cho các DN trong quá trình đầu tư. Khi nhìn thấy Huế có môi trường xanh sạch sáng, môi trường xã hội bình yên thông qua những hoạt động xã hội thì việc kêu gọi đầu tư cũng thuận lợi hơn.

NHẬT MINH (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.