Thứ Hai, 06/05/2019 07:00

Nâng cấp nông thôn mới

Sau khi 100% thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020, TX. Hương Thủy tiếp tục có những phương án để giữ vững, nâng cao các tiêu chí NTM, đồng thời, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận Hương Thủy đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy (đứng) báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới trước Hội đồng thẩm định Trung ương

Huy động tổng lực nhưng không quá sức dân

TX. Hương Thủy có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 100%, trong đó, 3 xã được công nhận NTM từ năm 2015, gồm: Thủy Thanh, Thủy Tân và Dương Hòa. Qua 10 năm xây dựng NTM, bên cạnh 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và không có nợ đọng xây dựng cơ bản, từ nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nguồn vốn của Nhân dân và của các HTX nông nghiệp đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị xã phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của 7 xã đạt 11,6 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2020, con số này là 46,08 triệu đồng/năm. Điều này góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo từ 9,39% (năm 2011) giảm xuống còn 2,41% vào cuối năm 2020”, ông Trương Nhật Quang, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Thủy thông tin.

Cũng trong quá trình xây dựng NTM, tổng kinh phí để thực hiện là gần 2.500 tỷ đồng. Ngoài ngân sách của Trung ương, tỉnh, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp…, đã có hơn 150 tỷ đồng (chưa bao gồm 15.730m2 đất, 1.409m tường rào, 4.928 cây xanh, 50.830 công lao động) do người dân đóng góp. Mức đóng góp này khá quan trọng, chiếm 6,059% trên tổng mức đầu tư của chương trình nhưng không vượt quá sức dân (10% trở lên).

“Quá trình đóng góp, việc huy động do chính người dân ở thôn, xóm, khu dân cư tự bàn bạc, quyết định, cũng như tự quyết định đầu tư các công trình theo quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ. Việc người dân trực tiếp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các ban phát triển thôn; ban giám sát cộng đồng nên đảm bảo được sự đồng thuận, đáp ứng được yêu cầu tiến độ, chất lượng công trình phúc lợi cấp thôn, xóm”, ông Quang nói.

Những giải pháp hay

Giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh phấn đấu đưa 2 xã: Thủy Thanh và Thủy Phù đạt NTM kiểu mẫu, từ đó phát triển thành phường; các xã: Thủy Tân, Dương Hòa và Phú Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, Hương Thủy đã và đang tập trung đầu tư các chỉ tiêu có tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, khắc phục triệt để một số vấn đề liên quan đến: quy hoạch khu chế biến, sản xuất nông sản ở khu dân cư, bảo vệ môi trường...

“Ngoài Thủy Tân, 2 xã Thủy Thanh và Thủy Phù hiện đang lập quy hoạch đô thị (quy hoạch phân khu) để định hướng trở thành phường trong thời gian tới. Trong quá trình lập quy hoạch, bên cạnh các khu vực dân cư, thị xã sẽ định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị”, ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thông tin.

Theo ông Minh, Hương Thủy sẽ rà soát hiện trạng sử dụng đất để đưa vào đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn giai đoạn 2021-2030 phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã: Phú Sơn, Dương Hòa. Trong đó, lưu ý nội dung quy hoạch sản xuất định hướng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực; dự kiến thành lập thêm các cụm công nghiệp Thủy Phương (70ha) và Phú Bài (4,7ha) để bố trí và phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp có nhu cầu mở rộng, phát triển trên địa bàn…

Do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ nên quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Từ thực tế này, TX. Hương Thủy đã nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị bằng cách định hướng phát triển nông nghiệp nằm trong khu dân cư, chia thành 2 vùng: hình thành “hành lang xanh” bao gồm rau an toàn, hoa cây cảnh, công nghệ cao, làng sinh thái… ở vùng ven đô với các xã, phường có tốc độ đô thị hóa cao như: Thủy Thanh, Thủy Dương, Thủy Phương…

Các địa phương xa đô thị, như: Thủy Tân, Thủy Lương, Phú Sơn, Dương Hòa… sẽ xây dựng làng nông nghiệp đặc thù gắn với phát triển du lịch; các làng sinh thái, vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng chuyên canh cây trồng, cây dược liệu, trang trại kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm...

“Tất cả những mục tiêu trên được Hương Thủy thực hiện trên tinh thần kiên trì cùng phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; không rơi vào khuynh hướng nóng vội cùng tư tưởng trông chờ, ỷ lại và quyết tâm thực hiện đúng lộ trình đề ra”, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án
Nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án

Năm 2022, Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, đúng lộ trình cải cách tư pháp. Các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, bảo đảm đúng người, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.