Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo nền tảng để kinh tế tỉnh nhà bứt phá
Chất lượng lao động còn hạn chế
Trước khi ghi nhận các ý kiến chuyên gia, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, việc phát triển NNL đóng vai trò quan trọng, hướng đi chiến lược giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Tiềm năng về nguồn lao động tại tỉnh rất lớn, đặc biệt, mạng lưới cơ sở đào tạo NNL khá dày hỗ trợ nâng cao chất lượng NNL.
Mặc dù vậy, khi đánh giá về NNL cần xét trong mối tương quan với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế phải thừa nhận, về tổng quan, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn hạn chế, thiếu nhân tố mới tạo đột phá. Trong cơ cấu kinh tế hiện nay, dịch vụ - du lịch chiếm tỉ trọng cao, song các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao phát triển chậm. Việc thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa tạo ra hiệu quả như kỳ vọng. Sản xuất nông nghiệp hạn chế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp. Riêng với công tác phát triển NNL chất lượng cao (CLC) hiện nay cũng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có...
Đánh giá về NNL tại Thừa Thiên Huế, ông Lê Ngự Bình, Phó Viện trưởng Viện Lao động và Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, từ năm 2019, quy mô lực lượng lao động (LLLĐ) tại tỉnh có xu hướng giảm. Mặc dù có tiến bộ trong trình độ học vấn, song LLLĐ cũng có xu hướng già hóa, mức độ đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp ở mức trung bình. Chính những điều ấy tạo ra rào cản trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Về mức độ gắn kết giữa đào tạo với sử dụng NNL thì chất lượng lẫn số lượng của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh còn thiếu hụt. Giai đoạn 2016-2020, lao động qua đào tạo nhập cư và di cư từ tỉnh có xu hướng giảm, tuy nhiên lao động qua đào tạo di cư từ tỉnh đến các tỉnh, thành khác cao hơn lao động nhập cư đến tỉnh. Quy mô và việc làm của NNLCLC của tỉnh chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng LLLĐ. “NNLCLC cho 4 lĩnh vực chủ lực của tỉnh gồm giáo dục, văn hóa - du lịch, y tế, khoa học công nghệ tuy có CLC hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh, song còn nhiều hạn chế”, ông Lê Ngự Bình nhìn nhận.
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến cơ chế, chính sách phát triển NLL giai đoạn 2016-2020 của tỉnh chưa thực sự được triển khai hiệu quả; việc xây dựng, lồng ghép các mục tiêu nhiệm vụ chưa bám sát với thực tiễn; thiếu các phân tích, dự báo cụ thể về nhu cầu nhân lực gắn với xu hướng biến động của thị trường lao động; trình độ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp….
PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế góp ý tại hội thảo
Để nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế
Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, xây dựng NNL càng có ý nghĩa quan trọng. Theo GS.TS Lê Vinh Danh, Cố vấn cấp cao - Trường đại học Văn Lang, phát triển NNL nói chung phải quan tâm đến yếu tố việc làm, cần bổ sung NNLCLC từ khởi nghiệp. Từng lĩnh vực cũng cần có tiêu chí cụ thể trên cơ sở nắm bắt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, phân luồng NNL dựa vào mục tiêu, số lượng theo từng năm.
“Bước đầu xây dựng đề án phát triển NLL của tỉnh khá cụ thể, song cần có hướng dẫn sâu hơn về việc xây dựng kế hoạch. Theo đó, NNL phải dựa trên mục tiêu phát triển của tỉnh; xác định NNL từng khu vực việc làm; dự toán chi tiết nhu cầu từng vị trí; xác định số lượng cho loại hình NNLCLC. Ngoài ra, muốn thu hút NNLCLC cần tạo ra các trung tâm sáng tạo để họ có môi trường làm việc, đặc biệt, quan tâm đến việc đưa người lao động ra nước ngoài để đào và thu hút NNL ngoài nước”, GS Lê Vinh Danh nêu ý kiến.
Ở góc độ nắm bắt xu thế của thời đại 4.0, PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế đề xuất tỉnh lưu ý đến việc tạo ra các mô hình kinh tế mới. Ông Tiến đưa ra dự báo 80% những công việc truyền thống sẽ biến mất nên cần nghiên cứu công việc mới cho người lao động.
“Chúng ta cần chú ý đến các kỹ năng số, việc làm số để hỗ trợ đào tạo những năng lực mới cho người lao động. Theo tôi, TP. Huế phải phát triển công nghệ sinh học và tập trung mở rộng phạm vi các ngành, lĩnh vực công nghệ cao ở vùng ngoại ô. Riêng với NNLCLC cần có tiêu chí cụ thể”, ông Tiến chia sẻ.
Định hình nguồn lao động cho tương lai cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm, PGS.TS Võ Kim Sơn, Giảng viên cao cấp - Học Viện Hành chính Quốc gia đưa ra một con số đáng lưu ý, đó là 80% NNL dễ dàng thay thế trong tương lai; 10-15% NNLCLC khó, thậm chí không có nguồn thay thế. “Theo tôi có 3 hướng tiếp cận NNL, đó là phát triển NNL hiện có, phát triển NNL doanh nghiệp cần và phát triển NNL đáp ứng thị trường lao động”, ông Võ Kim Sơn đề xuất.
Tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, xây dựng đề án phát triển NNL cần có sự phân tích, đánh giá số liệu một cách tổng quát; có dự báo trên cơ sở mục tiêu, căn cứ cụ thể, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Bình cũng đề nghị các đơn vị liên quan làm rõ nguồn lao động phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nguồn lao động CLC khi xây dựng đề án.
Bài ảnh: Lê Thọ