Thứ Bảy, 07/09/2019 05:52

Nhìn từ “Chợ quê ngày hội” & Hội chợ thương mại 2022

“Chợ quê ngày hội” và Hội chợ thương mại 2022 do TX. Hương Thủy tổ chức đã mở ra nhiều cơ hội để giúp người dân, doanh nghiệp (DN)… hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới…

Vui nhộn trò chơi dân gian tại chợ quê ngày hộiNhiều tiết mục đặc sắc tại đêm bế mạc "Chợ quê ngày hội"Vui nhộn với đua ghe câu ở “Chợ quê ngày hội”

Khách ngoại tỉnh đến may đo, đặt mua áo dài truyền thống của Công ty TNHH MTV Thương mại SH tại hội chợ

“Chợ quê ngày hội” - thành công từ nhiều phía

“Chợ quê ngày hội - cầu ngói Thanh Toàn 2022” diễn ra từ 21-25/2 tại xã Thủy Thanh. Tuy thời tiết có phần bất lợi, nhưng thống kê sơ bộ, trong 5 ngày lễ hội, đã có gần 20 ngàn lượt người ghé về Thủy Thanh để tham gia cổ vũ đua trải, đua ghe câu, các trò chơi dân gian, trải nghiệm ẩm thực, tham quan, mua sắm…

Theo đánh giá, lượng khách về chợ quê ngày hội ít hơn so với những lần tổ chức trước đây. Tuy nhiên, trong thời điểm COVID-19 vẫn phức tạp, trời lại mưa rét, con số này cũng được xem là thành công. Thành công từ tâm thế của người dân, du khách cùng ý thức tự giác trong thực hiện “5K” khi đến với lễ hội. Đây chính là cơ sở để “Chợ quê ngày hội” sẽ diễn ra theo định kỳ 1 tháng/lần; đồng thời, là một trong những minh chứng cho thấy Thủy Thanh nói riêng, Hương Thủy và Thừa Thiên Huế nói chung đã sẵn sàng kích hoạt lại các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch…

“Qua thực tế và từ những ý kiến đóng góp, ở các kỳ “chợ quê” tiếp theo, Thủy Thanh sẽ mở rộng quy mô, đa dạng hơn nữa các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, ẩm thực, nông sản đặc sản… Mục đích hướng đến là làm sao để khách luôn muốn quay lại chợ quê ở những lần tổ chức tiếp theo, góp phần gìn giữ, phát huy các nét văn hóa truyền thống, tạo động lực để người dân địa phương yên tâm lao động, sản xuất, hồi phục kinh tế và hướng tới phát triển du lịch cộng đồng”, ông Nguyễn Đắc Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh chia sẻ.

Hội chợ thương mại - cơ hội vươn xa

Hội chợ thương mại & triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, làng nghề và OCOP 2022 do Hương Thủy tổ chức tại Trung tâm Văn hóa thông tin & Thể thao thị xã, thu hút gần 30 gian hàng của 40 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tham gia.

Dù chỉ kéo dài trong 3 ngày (23 - 25/2), nhưng các nông sản, sản phẩm làng nghề, OCOP của Thừa Thiên Huế nói chung, Hương Thủy nói riêng đã nhận được quan tâm của nhiều người ngay trong đêm khai mạc hội chợ, như: áo dài truyền thống, các sản phẩm từ tinh dầu, đồ gia dụng, nông sản đặc sản…

“Bên cạnh sự chú ý đối với các nông sản, đặc sản và một số sản phẩm OCOP của A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, TP. Huế…, khách từ Hà Nội, Gia Lai, Phú Yên… đến hội chợ thương mại rất quan tâm và đặt mua nhiều mặt hàng của Hương Thủy, như: áo dài truyền thống, tranh pháp lam, các sản phẩm từ tinh dầu, nghề rèn… Điều này vừa khẳng định chất lượng, vừa cho thấy triển vọng của các sản phẩm không chỉ giới hạn trên địa bàn tỉnh”, ông Trương Nhật Quang, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Thủy thông tin.

Theo ông Trương Nhật Quang, dù phải đối mặt với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đầu ra nhưng nhiều DN vẫn vượt khó, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong, ngoài nước. Sự thay đổi trong tư duy kinh doanh, sản xuất này chính là vấn đề cốt lõi để các DN, cơ sở sản xuất, làng nghề… ngày càng lớn mạnh, khẳng định uy tín, chất lượng và lan tỏa thương hiệu.

“Trong những ngày tham gia hội chợ, nhiều khách ngoại tỉnh đến đặt hàng, may đo áo dài của Công ty SH với số lượng lớn. Một phần là nhờ vào thương hiệu của áo dài truyền thống Huế, một phần là chính tự thân DN luôn có những cải tiến, sáng tạo để đa dạng chất liệu, mẫu mã, phù hợp thị hiếu nhưng vẫn giữ đặc trưng của áo dài Huế”, bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SH (P. Thủy Phương - TX. Hương Thủy) bày tỏ.

Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, làng nghề, hội chợ còn có sự góp mặt của gần 10 sản phẩm OCOP. Ngoài là dịp giới thiệu những thành tựu sau thời gian thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đây cũng là cơ hội để DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn thị xã và toàn tỉnh tìm kiếm đối tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Sau khi có những đơn hàng từ thị trường “khó tính” như Nhật Bản vào cuối năm 2021, hội chợ lần này tiếp tục là dịp để các sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm của công ty chúng tôi có thêm cơ hội xây dựng mạnh hơn nữa mối liên kết thương mại với các nhà đầu tư, từng bước phát triển mạng lưới phân phối trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Phạm Nguyễn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM Liên Minh Xanh bày tỏ.

“Được xem là một trong những nguồn lực quyết định cho sự phát triển kinh tế nông thôn của địa phương, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu, thời gian tới, Hương Thủy tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chuyên môn để hỗ trợ cơ sở, DN, làng nghề… thực hiện các đề án khuyến công; đăng ký phát triển thương hiệu; kết nối, mở rộng thị trường; đổi mới công nghệ, kiến thức quản lý… nhằm có nhiều hơn những cơ hội vươn xa”, ông Ngô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.