Thứ Sáu, 19/10/2018 16:22

Những “anh nuôi” trong cuộc tìm kiếm ở Thủy điện Rào Trăng 3

Sự vất vả, nỗ lực của lực lượng tìm kiếm công nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền) được người dân ghi nhận, khâm phục. Và đằng sau họ - các “anh nuôi” (Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh) cũng luôn vượt qua khó khăn để đảm bảo từng bữa ăn, giấc ngủ phục vụ cho đội tìm kiếm.

Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng trên bờ và các bãi bồiNỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3

 Hai "anh nuôi" đưa cơm đến tận nơi cho đội tìm kiếm

Trong các đợt tìm kiếm, để chạy đua với thời gian, các lực lượng tìm kiếm tổ chức ăn, nghỉ tại hiện trường. Chính vì thế, công việc của những “anh nuôi” không những bảo đảm đầy đủ cơm chín, nước sôi cho các lực lượng tìm kiếm mà kiêm luôn nhiệm vụ “shipper” khi mỗi ngày vận chuyển cơm, nước từ bếp ăn xuống hiện trường với đoạn đường núi gần 15km.

Đường xa, điều kiện rừng núi hiểm trở, vì vậy, bữa sáng của đội tìm kiếm cũng là cơm trắng, đồ ăn mặn cho chắc bụng. Để có buổi sáng đúng giờ, tờ mờ sáng, hai “anh nuôi” của đoàn đã dậy chuẩn bị cơm cho hơn 50 cán bộ, chiến sĩ kịp ăn để hành quân lên điểm tìm kiếm đúng giờ.

Cứ như thế, mỗi ngày, sau khi đoàn rời đi, cả hai anh mới có thời gian ăn vội bữa sáng của mình để tiếp tục gấp rút chuẩn bị cho bữa ăn trưa.

Trung úy Nguyễn Vinh Quang, nhân viên Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Thực phẩm thì có đội ngũ của Phòng Hậu cần mua và vận chuyển lên. Nhiệm vụ của hai anh em chúng tôi là lên thực đơn, nấu ngày 3 bữa cho đội tìm kiếm. Nấu ăn thì không khó, mà khó là vì điều kiện ở vùng núi nên các cán bộ, chiến sĩ đều phải ăn cơm cả ba bữa, nên để các cán bộ, chiến sĩ ăn no, ngon miệng, chúng tôi phải thay đổi thực đơn từng bữa sao cho thật phong phú. Mặc dù công tác bảo đảm hậu cần ở địa bàn rừng núi, xa dân cư thật không dễ, song chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để có thể đảm bảo từng bữa ăn no, đủ chất dinh dưỡng cho lực lượng tìm kiếm.

Đại úy Nguyễn Thành Điệu, cán bộ tìm kiếm thuộc Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Công việc vất vả, nhưng được các "anh nuôi" tiếp sức bằng những bữa ăn ngon, phong phú nên chúng tôi rất hài lòng. Hai "anh nuôi" phục vụ hơn 50 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm trong điều kiện rừng núi cũng vất vả chẳng kém gì đội ngũ tìm kiếm chúng tôi, nhưng các anh vẫn luôn đảm bảo cơm nóng, canh ngon.

Bếp ăn cách xa điểm tìm kiếm, nên để các lực lượng kịp ăn trưa lúc 11h30, thì việc nấu nướng phải kết thúc trước 10h. Sau đó, thức ăn, cơm nước được chuyển lên xe, đưa vào khu vực tìm kiếm. Do chở thực phẩm, lại đi qua nhiều điểm sạt lở, đường rừng núi hiểm trở nên bắt buộc xe phải đi rất chậm. Đoạn đường 15km nhưng có ngày các anh phải vận chuyển hơn 40 phút mới tới nơi. Hơn nữa, không phải ô tô có thể vào tận hiện trường tìm kiếm, mà các anh nuôi thêm một đợt “tăng bo” qua suối mới đưa đến tận tay lực lượng tìm kiếm. Đường xa, địa hình hiểm trở, nhưng mỗi suất cơm đến tay lực lượng tìm kiếm luôn nóng hổi, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thiếu tá Phạm Ngọc Sơn, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh kể: Giao xong cơm bữa trưa, chúng tôi lại “tức tốc” về bếp tranh thủ nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục chuẩn bị bữa chiều cho lực lượng tìm kiếm. Vất vả bao nhiêu cũng chẳng thành vấn đề, các cán bộ, chiến sĩ ăn no, ngon miệng là chúng tôi vui rồi. Hy vọng những đóng góp nhỏ của chúng tôi sẽ giúp các lực lượng tìm kiếm luôn đảm bảo sức khỏe, “chân cứng đá mềm” để tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm gian nan này.

Thượng tá Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trong các đợt tìm kiếm, Phòng Hậu cần luôn được giao nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tìm kiếm. Để có thể bảo đảm được tốt nhất từng bữa ăn cho các lực lượng tìm kiếm, Phòng Hậu cần cùng đội ngũ làm nhiệm vụ mà trực tiếp là các “anh nuôi” xây dựng những thực đơn hợp lý với tình hình nơi núi rừng, nhưng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đảm bảo sẵn sàng các thực phẩm khô như mì tôm, lương khô và nước uống các loại để phục vụ cho các lực lượng tìm kiếm.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục tìm kiếm mộ liệt sĩ Mai Thế Diềm
Tiếp tục tìm kiếm mộ liệt sĩ Mai Thế Diềm

Chiều 24/02, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành trao đổi thông tin và tìm kiếm mộ liệt sĩ Mai Thế Diềm. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng – Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chủ trì buổi làm việc.

Khúc bi hùng ở Hà Trữ
Khúc bi hùng ở Hà Trữ

LTS: Cách đây 55 năm, đúng vào ngày 28/3/1968 (nhằm ngày 30 tháng hai năm Mậu Thân) tại Hà Trữ (Phú Vang) đã xảy ra một cuộc thảm sát do máy bay Mỹ phối hợp với Tiểu đoàn 21 thuộc Liên đoàn I Biệt động quân của quân đội Sài Gòn thực hiện. Để bạn đọc hiểu sự tàn nhẫn của chiến tranh mới yêu quý và trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay, Báo Thừa Thiên Huế trân trong giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Hữu Thu.

Chìm tàu, một thuyền viên mất tích
Chìm tàu, một thuyền viên mất tích

Sáng 22/2, ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển.

Lan tỏa nếp sống xanh ở Quảng Điền
Lan tỏa nếp sống xanh ở Quảng Điền

Bằng những cách làm sáng tạo, phong trào phụ nữ sống xanh trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả cao.