|
Gói tôm sú bán trong siêu thị trên bao bì ghi rõ trọng lượng là 500 gam, nhưng khi cân còn 200 gam - Ảnh: Như Bình
|
Đó chính là những mặt hàng tiêu dùng rất thông dụng như rượu, bia nước giải khát, nước uống, nông sản, sản phẩm từ nông sản, phân bón, sơn, bột bả tường, bánh, mứt, kẹo, đường…
Hàng hóa đóng gói sẵn, người mua làm sao kiểm?
Có mặt hàng, tỷ lệ vi phạm các tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa… lên tới 25%, tức là cứ bốn sản phẩm được kiểm tra, có một sản phẩm có vi phạm.
Đó là kết quả của cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2015 về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thực hiện tại 62 tỉnh thành trong cả nước.
Bộ đưa ra danh mục 16 nhóm hàng hóa nằm trong diện thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2015. Bao gồm: Sữa và sản phẩm từ sữa; thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; bánh mứt kẹo, đường; bia rượu, nước giải khát và nước uống; dầu ăn, muối, mỳ chính, bột gia vị; nước mắm, nước chấm, nước sốt; xà phòng và chất tẩy rửa, nông sản và sản phẩm từ nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; dầu nhờn, khí đốt hóa lỏng, sơn; xi măng.
Thanh tra Bộ KH&CN cho biết trong ba tháng vừa qua, 62 tỉnh thành trong cả nước (trừ tỉnh Bắc Cạn) đã tiến hành thanh tra 2867 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa đóng gói sẵn.
Có tới 556 cơ sở, chiếm 19,5% số cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa đóng gói sẵn được kiểm tra, có vi phạm và đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt xấp xỉ 1,7 tỷ đồng. Lỗi vi phạm phổ biến nhất là về đo lường và nhãn mác.
Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng…
Các nhóm hàng bị "rút ruột "cao nhất
Các nhóm hàng hóa đóng gói sẵn có tỷ lệ vi phạm cao là: Rượu, bia nước giải khát, nước uống: (25%); Nông sản, sản phẩm từ nông sản: (24%); Phân bón (23%); Sơn, bột bả tường: (21%); Bánh, mứt, kẹo,đường (20 %); Xi măng (20%; ); Khí đốt hóa lỏng LPG: (20%); Thuốc bảo vệ thực vật: (19%)…
Các hành vi vi phạm phổ biến nhất ở hàng hóa đóng gói sẵn vi phạm quy định về đo lường như đóng gói thiếu so với khối lượng công bố trên bao bì, không ghi hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định lượng hàng đóng gói... chiếm tới 51 % số lượt hành vi vi phạm.
Tiếp đến là các vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (chiếm 21%), hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không công bố tiêu chuẩn áp dụng, chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, hành vi vi phạm về Sở hữu công nghiệp hoặc vi phạm về mã số mã vạch, hành vi sử dụng phương tiện đo không kiểm định, hết hạn kiểm định…
Người tiêu dùng cần thay đổi thói quen, nên kiểm tra trọng lượng hàng
Ông Trần Minh Dũng, chánh thanh tra bộ KH&CN đánh giá: Đối với hàng đóng gói sẵn, giữa người tiêu dùng và người sản xuất không có quan hệ mua bán trực tiếp, chỉ dựa trên thông số được nhà sản xuất công bố trên bao bì và người tiêu dùng không được chứng kiến hay thỏa thuận.
Vì thế, trên thực tế đang có rất nhiều vấn đề bất cập nảy sinh đối với hàng đóng gói sẵn, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp… của các nhà sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này.
Theo ông Dũng, qua các đợt thanh tra định kỳ gần đây, nhiều sở KH&CN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hàng hóa đóng gói sẵn.
“Có thể nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ là gian lận nhỏ trên một gói hàng và dễ dàng bỏ qua. Nhưng nếu hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm tương tự thì rất nhiều người tiêu dùng sẽ thiệt thòi và đó là sự gian lận lớn”- Ông Trần Minh Dũng nhìn nhận.
“Với đặc điểm của hàng đóng gói sẵn là không có giao dịch và không được kiểm soát trực tiếp bởi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm thay mặt người tiêu dùng kiểm soát và chống gian lận thương mại. Phần lớn người tiêu dùng cũng chưa thực sự có ý thức, thói quen trong việc kiểm tra khi mua hàng đóng gói sẵn" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, về phía người tiêu dùng cũng nên hình thành thói quen kiểm tra khi mua hàng hóa đóng gói sẵn, thay vì chỉ tập trung kiểm tra hạn sử dụng, lựa chọn thương hiệu…