Thứ Sáu, 14/12/2018 10:59

Giải ngân vốn đầu tư công: Nguy cơ đình trệ vì giá vật liệu tăng

Chỉ sau một tuần kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đã có hơn 1.000 dự án đầu tư công được các bộ, ngành, địa phương công bố cắt giảm để tập trung vốn cho các công trình thiết yếu. Nhưng tiến độ giải ngân nhìn chung đang rất chậm do khối lượng giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm cơ bản vẫn thấp.

Chủ đầu tư phải cam kết tiến độ giải ngân vốnRốt ráo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịchGiảm lãi suất: Đón dòng vốn mùa cao điểmGiải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong 10 năm gần đây

Ảnh minh họa

Nguy cơ đình trệ vì "bão" giá

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT), mặc dù vốn đầu tư công năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao hết một lần nhưng đến hết tháng 5, vẫn còn hơn 71 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, ngành, địa phương giao chi tiết, bằng 15,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm còn chậm, thấp hơn so cùng kỳ năm 2020, nhất là vốn nước ngoài giải ngân rất thấp.

Nguyên nhân chậm giải ngân cơ bản do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa sâu sắc và đầy đủ, chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai các giải pháp đã đề ra. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành, thi công của một số ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế…

Một khó khăn mới nảy sinh đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư công là giá vật liệu xây dựng tăng đột biến. Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phản ánh: Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đồng loạt tăng 30-40% so cuối năm 2020, đẩy các nhà thầu xây dựng vào tình cảnh đội chi phí rất lớn. Ðơn giá của các Sở Xây dựng để làm căn cứ thanh toán cho nhà thầu đã trở nên lạc hậu vì biến động giá thép.

TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận biến động giá vật liệu xây dựng sẽ là nút thắt lớn trong hoạt động đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo, ảnh hưởng đến vai trò của động lực tăng trưởng. Theo Luật Ðầu tư công, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh. Nhưng tổng mức đầu tư đã được đưa ra trong chủ trương và quyết định đầu tư dự án. Nếu tổng mức đầu tư biến động cao hơn so với mức đã được phê duyệt tại chủ trương đầu tư thì phải xin điều chỉnh lại. Trường hợp dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương, thời gian điều chỉnh có thể tính bằng tháng, nhưng nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc Quốc hội, thời gian chờ đợi có thể kéo dài hằng năm. Do đó, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn này, giải ngân đầu tư công năm 2021 chắc chắn sẽ thấp.

Theo Bộ Tài chính, hiện vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao. Nguyên nhân do các bộ, ngành, địa phương mới giao kế hoạch vốn đợt 1, số vốn còn lại chưa được phân bổ do các dự án chưa đủ điều kiện như: Dự án khởi công mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; dự án quá thời gian thực hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ xử lý; dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định.

Chất lượng từ khâu chuẩn bị dự án

Theo Thứ trưởng Bộ KH và ÐT Nguyễn Quốc Phương, năm 2021, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng trong khi các động lực khác như sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài có khả năng không được như dự kiến do dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không cao, tức là số vốn đổ vào nền kinh tế để tạo động lực cho tăng trưởng sẽ thấp đi, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Bước vào kỳ đầu tư trung hạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg, yêu cầu trong giai đoạn 2021-2025 cắt giảm mạnh các dự án không hiệu quả, tập trung nguồn lực cho khoảng 5.000 dự án cấp thiết, có tính lan tỏa cao. Trong giai đoạn này, vốn đầu tư công tăng khoảng 40% so giai đoạn 2016-2020 nhưng số lượng dự án giảm 50%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chấm dứt tình trạng dàn trải, manh mún trong đầu tư công nhằm tạo khí thế, quyết tâm mới trong đầu tư phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 sẽ tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ KH và ÐT đề xuất thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, tháo gõ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; kiên quyết xử lý những trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu, Bộ KH và ÐT đề nghị lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, tạo động lực và áp lực cho các bộ, ngành và địa phương.

Ðến hết tháng 5-2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch Thủ tướng giao (tỷ lệ này ở cùng kỳ năm 2020 là 25,9%). Trong đó vốn nước ngoài giải ngân chỉ đạt 2,9%. Giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư công ước đạt 28,7% kế hoạch năm. Có bảy bộ và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn 40%, trong đó, tỉnh Thái Bình đã giải ngân được 73%. Ðến nay còn 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1% kế hoạch.

Dự báo giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Ðầu tư.

Theo Nhân dân

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu
Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều điều khoản và quy định theo văn bản pháp luật cần sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.