Chăm sóc rừng bản địa đa loài tại Phong Điền
Sinh trưởng tốt, nhưng chưa đồng đều
Rừng trồng thay thế trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu lim xanh, chò, trâm xanh, bời lời đỏ, giáng hương, gió bầu, chay, trắc, bằng lăng, re rừng, dẻ, sao đen, dầu rái… Đây là các loài cây bản địa có khả năng ứng phó với biến đổi khi hậu (BĐKH) tốt hơn nhiều so với rừng keo tràm. Sinh trưởng về chiều cao và đường kính của lim xanh từ khi trồng đến nay tại các đơn vị tăng dần hằng năm.
Ghi nhận tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Bắc Hải Vân, BQL RPH Sông Bồ, lim xanh có khả năng sinh trưởng vượt trội cả về chiều cao và đường kính so với các đơn vị khác. Ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong thông tin, cây chò được công ty trồng từ năm 2016, khả năng sinh trưởng tốt về chiều cao, đường kính vượt trội. Các loài cây trâm xanh, bời lời đỏ, dẻ, giáng hương được trồng tại đơn vị tăng trưởng cả về chiều cao và đường kính tốt hơn các loài cây bằng lăng, dó bầu, chay, trắc.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn đánh giá, tình hình sinh trưởng của cây trồng không đồng đều giữa các đơn vị chủ rừng, năm trồng, loài cây trồng… Nguyên nhân có thể do có sự khác nhau về điều kiện lập địa, phương thức, loài cây trồng chưa phù hợp, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng giống không đảm bảo và ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài ngay sau khi trồng.
Trong thời gian kiến thiết cơ bản, rừng trồng càng nhiều tuổi sẽ có tốc độ sinh trưởng, phát triển lớn hơn. Trong đó rừng trồng tại Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, BQL RPH Hương Thủy, BQL RPH Bắc Hải Vân và BQL Khu Bảo tồn Sao La phát triển tốt; rừng trồng tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, BQL RPH A Lưới phát triển chậm hơn.
Rừng trồng theo phương thức hỗn giao bản địa xen keo tại BQL RPH Hương Thủy và hỗn giao theo hàng, hỗn giao trong hàng (trồng dưới tán rừng thông tái sinh) tại Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong sinh trưởng, phát triển tốt. Các loài cây phát triển, phù hợp với điều kiện lập địa nơi trồng gồm lim xanh, dầu rái, sao đen, bời lời, chò, dẻ…, trong khi các loài cây kém phát triển gồm bằng lăng, dó bầu, lát hoa…
Đảm bảo diện tích gắn chất lượng rừng
Trở lực lớn trong quá trình TRTT được ông Tuấn lý giải, tác động của BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa bão lớn và liên tục gây sạt lở đất, hệ thống đường giao thông bị chia cắt làm gián đoạn hoạt động trồng rừng, chất lượng rừng trồng bị ảnh hưởng. Địa hình TRTT phức tạp như độ dốc lớn, bị chia cắt bởi khe suối, nằm ở vùng xa, nhiều gia súc thả rông phá hoại khiến hoạt động tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chưa đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ để sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Các đơn vị cung cấp vật liệu, gieo ươm cây con chưa nhiều, đơn loài và đang ở loại hình thấp, nhất là các loài cây đặc hữu trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm. Các đơn vị chủ rừng thường bị động trong hoạt động chuẩn bị giống cây con để TRTT...
Ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, TRTT góp phần thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đảm bảo ổn định diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp việc quản lý và sử dụng bền vững diện tích đất lâm nghiệp, sử dụng có hiệu quả đất chưa có rừng, bảo đảm an ninh phòng hộ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng là biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tiết kiệm tài nguyên của các tổ chức, cá nhân khi xây dựng, triển khai dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng.
Theo quy định, khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải TRTT bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên. Mục tiêu của ngành lâm nghiệp thời gian đến là duy trì, chăm sóc tốt diện tích TRTT đã thực hiện và hoàn thành diện tích còn lại theo hướng trồng cây bản địa, đa loài và nâng cao chất lượng rừng.
Quá trình nghiên cứu, tủy theo điều kiện lập địa, đặc tính sinh vật học của loài cây trồng và tình hình thực bì để xác định số hàng cây bản địa xen với số hàng keo trên băng trồng sao cho thích hợp, đảm bảo phát huy tối đa vai trò che bóng, hỗ trợ cây bản địa phát triển và kìm hãm khả năng phát triển của thực bì, dây leo. Sau thời gian chăm sóc từ 4-5 năm tiến hành chặt bỏ một phần, hoặc toàn bộ cây keo để mở tán, tạo không gian sinh trưởng cho cây bản địa phát triển. Trong băng trồng cần phát dọn thực bì toàn diện, chừa lại cây gỗ và cây tái sinh. Với phương thức hỗn giao theo hàng, trong hàng, theo băng… tùy theo điều kiện lập địa, đặc tính sinh vật học của loài cây trồng và tình hình thực bì để xác định cự ly trồng giữa các hàng, các băng, phân bố các đám trồng thích hợp...
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể diện tích TRTT, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục các loài cây trồng phù hợp với từng điều kiện gây trồng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi diễn biến rừng trồng nhằm có biện pháp quản lý rừng kịp thời, hiệu quả, hạn chế các tác động tiêu cực đến rừng trồng. Các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, tư vấn chuyên sâu, tổ chức đánh giá cụ thể và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất trong TRTT từ khâu làm đất, xử lý thực bì, chọn giống, kỹ thuật trồng, thời vụ trồng… đến các biện pháp lâm sinh khác.
Bài, ảnh: Triều Hùng