Thứ Sáu, 22/05/2020 15:19

Hạ tầng cho đô thị thông minh

Là đô thị trung tâm với địa bàn rộng, dân cư đông, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính nên ngoài việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng và chỉnh trang đô thị, TP. Huế chú trọng đến việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ CBCNV trên địa bàn.

Lộ trình đô thị thông minhKết nối hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai

Giao dịch không dùng tiền mặt tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế

Tiết giảm thời gian, công sức

Trước đây, để hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân ở các xã, phường thuộc địa bàn TP. Huế phải đến Trung tâm Hành chính công khá nhiều lần để thực hiện các giao dịch. “Đi lại nhiều lần vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí xăng xe, song đôi lúc đến nơi lại nghe cán bộ thông báo thủ tục chưa xong phải quay về nên khá vất vả. Giờ đây, sau khi nhận giấy hẹn có mã số, tôi có thể tra cứu trên máy tính để theo dõi thông tin hồ sơ để đến đúng hẹn. Các thủ tục cũng đơn giản, dễ hiểu nên rất thuận tiện”, ông Hoàng Đình Nhân ở phường Hương Thọ chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, việc xây dựng CQĐT, ĐTTM bắt đầu từ những năm 2000 bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai, về hạ tầng đô thị... đã góp phần mang lại nhiều tiện ích cho các ban ngành, người dân. Trong đó, thành phố triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, duy trì hoạt động và phát triển Cổng thông tin điện tử của TP. Huế và các phường phục vụ cho người dân và doanh nghiệp (DN). Đồng thời, triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, từng bước triển khai hoàn thiện hệ thống thông tin dịch vụ công, tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh; hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển CQĐT; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Giao dịch tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế

Về ĐTTM, hiện thành phố đã và đang hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, thường xuyên duy trì hoạt động hệ thống camera giám sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 36 xã, phường trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã lắp đặt hệ thống camera giám sát đô thị tại 15 vị trí với 42 camera, đáp ứng các nhu cầu về tra cứu biển số xe, tra cứu gương mặt phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh tại các vị trí trọng yếu, các tuyến đường trung tâm trên địa bàn. Thành phố đang tiến hành triển khai lắp đặt 7 camera giám sát tại 4 vị trí cửa ngõ ra vào thành phố để phục vụ công tác giám sát, tổ chức điều hành giao thông và đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn. Về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay TP. Huế đã tích hợp hệ thống thanh toán tiền dịch vụ thu gom và vận chuyển rác thải không tiền mặt trên địa bàn qua VNPT Pay; áp dụng các giải pháp hỗ trợ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt thông qua mã quét QR Code tại các ứng dụng ví điện tử và qua hình thức quét thẻ máy POS đặt tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế.

Hiệu quả từ chuyển đổi số

Với nhiều giải pháp trong ứng dụng chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, TP. Huế đã có nhiều thay đổi, hiện thành phố đã hướng dẫn UBND các xã, phường nhập danh sách Tổ công nghệ số cộng đồng lên phần mềm https://sohoa.thuathienhue.gov.vn/tocns; đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn trực tuyến kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng (353 tổ, với 1.544 thành viên). Ngoài ra, tổ chức khảo sát thực trạng và nhu cầu CĐS 5 phường thí điểm theo mô hình “phường thông minh” bao gồm: Phú Nhuận, Thủy Biều, Phú Hội, Thuận Hòa và Tây Lộc; đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến cho lớp 1 và lớp 6 năm học 2022 – 2023 cũng như xây dựng dự thảo Đề án lớp học thông minh cho các cấp học.

 Một trong những ưu điểm của thành phố trong việc phát triển chính quyền số đó là, phối hợp triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh; triển khai phòng họp không giấy tờ; duy trì hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp thành phố, xã, phường; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Cổng thông tin điện tử thành phố; thư điện tử và hệ thống thông tin báo cáo. Trong đó, duy trì có hiệu quả Cổng thông tin điện tử TP. Huế để cung cấp các văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và DN. Theo đó, hạ tầng CNTT hiện tại cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối, kết nối liên thông với UBND tỉnh, các sở, ban ngành trong tỉnh; đảm bảo việc triển khai các phần mềm dùng chung của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành của đơn vị. Đến nay, 100% các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND 36 xã, phường đã áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, hiện thành phố đã triển khai hệ thống thông tin Dịch vụ ĐTTM (Hue-S) cho các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các phường, xã nhằm xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các lĩnh vực, như môi trường, đô thị, hạ tầng viễn thông… Trung bình mỗi năm, thành phố tiếp nhận và xử lý khoảng 4.000 ý kiến phản ánh của người dân qua Hue-S. Về phát triển xã hội số, hệ thống cáp quang, internet, wifi đã được triển khai rộng khắp trên toàn thành phố góp phần đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong thanh toán không dùng tiền mặt. TP. Huế cũng đang phát động CBCNV-LĐ và người dân thực hiện khởi tạo tài khoản ví điện tử trên Hue-S để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa không dùng tiền mặt.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng
Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng

Để vào đại học, thí sinh có khá nhiều phương thức để dự tuyển. Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), xét tuyển bằng học bạ, thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do một số đại học lớn tổ chức.