Thứ Tư, 01/06/2016 06:54

Bán điện dưới giá thành, EVN vẫn công bố lãi hơn 2.792 tỷ đồng trong năm 2017

Tuy nhiên, con số lãi này là tính cả thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như thu từ hoạt động tài chính, cổ tức và lợi nhuận được chia… Nếu chỉ tính doanh thu bán điện thì EVN lỗ hơn 1.323 tỷ đồng.

Chiều 30/11, Bộ Công Thương đã công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo số liệu được công bố, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỷ kWh. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.

EVN đang bán điện dưới giá thành sản xuất

Trong khi đó, doanh thu bán điện năm 2017 chỉ đạt 289.955,78 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đồng/kWh. Như vậy, EVN bị lỗ 1.323,68 tỷ đồng nếu chỉ tính chi phí sản xuất, kinh doanh điện.

Tuy nhiên, EVN thu được 4.115,76 tỷ đồng từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh ngành Điện trong năm 2017. Trong đó, thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng là 726,31 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động tài chính của công ty mẹ EVN là 1.637,04 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia từ lãi tiền gửi là 241,55 tỷ đồng...

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan, EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng trong năm 2017.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) lý giải nguyên nhân tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện là do giá than năm 2017 tăng 5,7%, giá dầu DO, FO bình quân tăng 21,95% và 32,84%. Giá dầu HSFO cũng đã tăng 39,2% dẫn đến giá khí thị trường cao. Thêm vào đó, thuế suất tài nguyên nước tăng, tỷ giá USD tăng cao... cũng làm tăng chi phí sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, có một số khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh năm 2017 là số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia 1.940,29 tỷ đồng và khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện khoảng 3.071,14 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.

"Chênh lệch tỷ giá được phân bổ từ năm 2016 đến năm 2020. Năm 2018 giá điện không tăng, nên khoản chênh lệch tỷ giá vẫn còn. Nếu như trong năm 2019 có phương án tăng giá điện thì các khoản chênh lệch tỷ giá này sẽ được hạch toán vào giá điện mới", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Liên quan đến tình hình thiếu điện có thể xảy ra sau năm 2020, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Cung ứng điện năm 2019 - 2020 có thể vẫn đảm bảo, nhưng tại một số thời điểm căng thẳng thì phải huy động điện dầu. Trong khi các nguồn điện tái tạo phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu, thì giải pháp căn cơ về lâu dài là phải tiết kiệm điện.

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xung quanh việc EVN đề xuất tăng giá điện
Xung quanh việc EVN đề xuất tăng giá điện

Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xem xét đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN dự báo năm 2022 lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.

Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt mới
Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt mới

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 5923/BCT-ĐTĐL gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá biểu giá bán lẻ điện mới. Đối với giá điện sinh hoạt, đề án thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc. Bậc 1 từ 100 kWh còn bậc 5 từ 701 kWh trở lên.