Thứ Tư, 25/01/2017 06:15

Đưa công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng

Từ 25-27/7, tại TP. Huế sẽ diễn ra chuỗi sự kiện về công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có hội nghị xúc tiến đầu tư CNTT, công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Đưa công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ

Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: Quyết tâm của tỉnh là khai thác lợi thế so sánh, thúc đẩy phát triển CNTT, đưa CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương;  kêu gọi các doanh nghiệp (DN), chuyên gia cùng đồng hành.

Chủ tịch vừa nói đến “lợi thế so sánh khác biệt”, vậy thực chất “sự khác biệt” này là gì?

Sự khác biệt của Thừa Thiên Huế thể hiện ở định hướng phát triển bền vững với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” dựa trên những giá trị đặc thù và những lợi thế so sánh trên các mặt giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch. Những lợi thế này đều có mối quan hệ chặt chẽ với CNTT. Thúc đẩy phát triển các lợi thế so sánh đó cũng chính là tạo điều kiện cho CNTT phát triển và ngược lại.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực CNTT được tỉnh quan tâm như thế nào, thưa ông?

Để chuyển những lợi thế so sánh đó thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển, tỉnh đang có những nỗ lực trong việc thay đổi phương thức giáo dục đào tạo theo hướng gắn đào tạo với thực hành, gắn trường học, chính quyền với DN. Xem thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNTT là yếu tố quan trọng hàng đầu để kêu gọi đầu tư, phát triển CNTT.

Tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh

Việc hỗ trợ DN CNTT hoạt động cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Tỉnh đang gấp rút các thủ tục để đưa Trung tâm CNTT tỉnh gia nhập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung với chính sách hỗ trợ thủ tục một đầu mối. Tỉnh cũng đã thành lập bộ phận hỗ trợ đặc biệt dành cho DN CNTT. Dịp này, tỉnh công bố định hướng phát triển hạ tầng CNTT làm cơ sở cho các DN quan tâm có thể định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Ông kỳ vọng gì về chuỗi sự kiện CNTT sắp diễn ra tại Huế?

CNTT được tỉnh xác định là một thế mạnh, là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội. Đây là cơ hội cho tỉnh trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; đồng thời thông tin và trao đổi kinh nghiệm, học tập các mô hình hiệu quả của các tỉnh, thành và các quốc gia có nhiều kinh nghiệm.

Được biết đến là địa phương luôn đi đầu trong phát triển các ứng dụng CNTT và xây dựng CQĐT, ông có thể cho biết những kết quả bước đầu của tỉnh trên lĩnh vực này?

Thừa Thiên Huế bước đầu đạt được thành công nhất định trong xây dựng CQĐT. Hình thành cơ bản các hệ thống hạ tầng thiết yếu cho hoạt động CQĐT như: Trung tâm tích hợp dữ liệu, các phần mềm dùng chung, các hệ thống thông tin cơ bản phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước…Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được 4 cấp, trong đó có 3 cấp ở địa phương và liên thông với hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỉ lệ 95%...

Kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo, điều hành ứng dụng CNTT và xây dựng CQĐT của tỉnh là gì?

Trước tiên, phải xác định vai trò, trách nhiệm “đầu tàu” của người đứng đầu là khâu đột phá. Người đứng đầu không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa. Nâng cao nhận thức này không phải là sự mới mẻ nhưng vẫn là nội dung có tính thời sự và nguyên tắc đối với một công việc thực tiễn đòi hỏi sự quyết đoán, quyết liệt, đồng bộ và kiên trì.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế luôn nằm trong top dẫn đầu toàn quốc (năm 2017 xếp thứ 1, năm 2018  xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc); ICT Index năm 2018 xếp thứ 5/63. Đặc biệt, dự án Trung tâm Điều hành thông minh được Ban tổ chức Giải thưởng viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019 trao giải Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.

Cùng với đó, hình thành và nâng cao nhận thức tin học hóa gắn liền với CCHC và chuẩn hóa các quy trình giải quyết công việc. Đây chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT vào CCHC. Thực hiện việc triển khai ứng dụng CNTT từ đơn giản đến phức tạp, từ “điểm” đến “diện”, từ vận động, khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc và nhu cầu không thể thiếu đối với cán bộ, công chức...

Trong xây dựng đô thị thông minh, mô hình dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (DOC) của tỉnh đang thu hút được sự quan tâm của Chính phủ và nhiều địa phương?

Đây là sản phẩm đầu tiên của sự quyết tâm “khác biệt", "đột phá” của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT. Đến nay, Trung tâm DOC đã đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ: giám sát đô thị qua cảm biến camera; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công; thẻ điện tử; cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; giám sát quảng cáo điện tử...

Lãnh đạo tỉnh mong muốn thay đổi một cách căn bản tinh thần, thái độ, phong cách quản lý của hệ thống chính quyền và cách thức tương tác giữa chính quyền với người dân. Đồng thời, đưa ra một cam kết mạnh mẽ, rõ ràng, minh bạch về quyết tâm đối mặt với tất cả các vấn đề xã hội để giải quyết nhằm đưa tỉnh phát triển về mọi mặt.

Thái Bình (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Viettel Thừa Thiên Huế kỷ niệm 20 năm thành lập
Viettel Thừa Thiên Huế kỷ niệm 20 năm thành lập

Chiều 9/2, Viettel Thừa Thiên Huế tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (11/2/2003 – 11/2/2023), đánh dấu sự có mặt và hoạt động tại thị trường viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế.

50 năm Hiệp định Paris Nhìn lại bài học lớn rút ra từ mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam
50 năm Hiệp định Paris: Nhìn lại bài học lớn rút ra từ mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam

Sáng 16/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.