Thứ Tư, 13/09/2017 14:33

Ổn định lao động & sản xuất trước đại dịch COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến kế hoạch lao động sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân và hoạt động dạy nghề, ngoại ngữ tại các đơn vị ngoài công lập...

Giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởngDịch Covid-19: “Cú sốc” lớn đối với nền kinh tếDoanh nghiệp tìm cách vượt khó

DN du lịch chịu ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, nhiều cơ sở áp dụng giảm giờ làm cho người lao động

Thay đổi kế hoạch hoạt động

 Theo kế hoạch, sau Tết Nguyên đán 2020, Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam (chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em) sẽ tuyển thêm 500 lao động. Nhưng từ ra tết đến nay, công ty chỉ mới tuyển thêm 30 lao động. Ông Bùi Hữu Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nhà máy đang tạm dừng công tác tuyển dụng lao động và vẫn duy trì đảm bảo 370 lao động (phổ thông) làm việc ổn định tại nhà máy. Trong đó có 7 lao động là người Hồng Kông, Trung Quốc.

Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp (DN). Từ đầu năm đến nay, các hoạt động thông tin, tuyên truyền về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như các phiên giao dịch việc làm đều phải hoãn lại. Đối với những DN chuyên về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị chậm nhập hoặc chưa thể nhập được, các chuyên gia không thể quay trở lại Việt Nam làm việc. DN du lịch dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do vắng khách du lịch. Vì thế, hiện có tình trạng nhiều cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng lớn, nhỏ trên địa bàn, như Laguna, Vinpearl... áp dụng hình thức giảm giờ làm đối với người lao động.

Tại các đơn vị hoạt động dạy nghề ngoài công lập như các trung tâm ngoại ngữ, tin học, mầm non, trường dạy nghề, trung tâm hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài... cũng phải tạm dừng tiếp nhận học viên đến học để phòng chống dịch COVID-19.

Đại diện một trung tâm đào tạo Anh ngữ trên địa bàn thông tin, gần 3 tháng nay tạm đóng cửa, không có học viên, không thu được học phí, trung tâm buộc phải vay tiền ngân hàng để chi trả cho giáo viên, nhất là những giảng viên “cứng” người nước ngoài như đã hợp đồng với mức lương khá cao. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ rất khó khăn trong việc chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

 Chị Nguyên Tùng, nhân viên làm việc tại Trường mầm non tư thục H.T.T trên địa bàn TP. Huế gần 5 năm trò chuyện, từ khi học sinh mầm non và các cấp học nghỉ học đề phòng dịch COVID-19 đã qua gần 2 tháng cũng là thời gian mình và nhiều nhân viên, giáo viên tạm không có lương. Một số chị em phải xoay xở kinh doanh hàng qua online hoặc nhận trông một vài trẻ tại nhà cho người thân.

Vừa phòng dịch vừa đảm bảo việc làm, sản xuất

Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị, DN tăng cường, siết chặt công tác phòng chống dịch, đảm bảo không gian, nơi làm việc an toàn cho người lao động; đồng thời giám sát, kiểm tra thể trạng, đo thân nhiệt và yêu cầu xịt rửa nước sát khuẩn trước khi vào nhà máy. Một số đơn vị bắt đầu thực hiện cho người lao động chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe nếu có biểu hiện nghi ngờ về tiếp xúc với đối tượng nghi nhiễm dịch COVID-19.

Hoạt động sản xuất và lao động tại nhiều DN sản xuất sợi, dệt may trên địa bàn vẫn ổn định

 Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.560 DN đang hoạt động với khoảng hơn 97.000 lao động tham gia làm việc. Qua số liệu Sở LĐTB&XH nắm từ các DN, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý- 2020 và ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình lao động trong các DN trên địa bàn tương đối ổn định, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, chỉ có 438 lao động nghỉ việc trong giai đoạn này.

 Để đáp ứng nhu cầu lao động cho các DN, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thay đổi cách thức tổ chức phiên giao dịch việc làm từ hình thức trực tiếp sang online, trực tuyến để vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa giúp các DN tuyển được lao động phù hợp, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong và sau dịch COVID-19.

 Qua khảo sát, đa phần các DN sản xuất vẫn đang hoạt động bình thường, nhưng một số DN trong lĩnh vực may mặc thời gian này bắt đầu giảm công suất đối với loại mặt hàng có nguồn nguyên liệu đầu vào khó nhập. Vì thế, tại một vài khu, bộ phận sản xuất, một số DN may mặc áp dụng giảm giờ làm, cho nghỉ thêm ngày thứ 7 kể từ đầu tháng 3.

 Tại Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam, sau một thời gian khó khăn về đầu vào, ngày 2/3, công ty đã nhập được nguồn nguyên liệu. Về đầu ra, nhà máy vẫn đang xuất đi các đơn hàng thuận lợi. Theo ông Bùi Hữu Long, công ty vẫn luôn có nhu cầu tuyển lao động, nên sau dịch sẽ tiếp tục tuyển thêm để tăng sản lượng sản xuất. Trong thời điểm này, để đảm bảo sức khỏe cũng như tâm lý làm việc cho người lao động, đơn vị vẫn duy trì trả lương ổn định, đồng thời tiến hành kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang phòng dịch COVID-19 hằng ngày cho nhân viên, lao động.

Giám đốc Sở LĐTB&XH - ông Đặng Hữu Phúc thông tin, sở đang tiếp tục thu thập báo cáo từ các DN trên địa bàn tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động, tiền lương, tuyển dụng lao động...; qua đó nhằm rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động của DN.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, nguy cơ lây lan cao, Sở LĐTB&XH chủ động làm việc với các DN, đơn vị tạm dừng tiếp nhận lao động là người nước ngoài đến từ các vùng có dịch quay trở lại làm việc. Hằng ngày, sở nắm thông tin lao động người nước ngoài đến, đi và kịp thời cung cấp danh sách lao động người nước ngoài đến các cơ quan liên quan để thực hiện các biện pháp theo dõi, cách ly.

Để đảm bảo phòng chống, ngăn ngừa dịch lây lan, Sở LĐTB&XH chỉ cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài mới đến sau khi người đó đã được theo dõi, kiểm tra và đảm bảo về sức khỏe theo quy định.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.

Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch
Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch

Đại dịch đã cơ bản được khống chế nhưng kí ức về nó vẫn luôn ám ảnh với mọi người. Với những người thiện nguyện lao vào tâm dịch để giúp đỡ đồng bào đó là những giây phút khó quên và nếu được chọn lại họ vẫn chọn đi theo tiếng gọi con tim, lao vào chỗ hiểm nguy để cứu người.