Chủ Nhật, 07/01/2018 09:43

Phòng cháy, chữa cháy rừng: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Hai vụ cháy rừng xảy ra mới đây vào ngày 29 và 30/6 tại phường An Tây (TP. Huế) và xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) đều xác định do người dân đốt nhang, vàng mã, đốt thực bì…

Tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừngThành phố Huế: Triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát cháy rừng

Tập huấn ứng phó PCCCR

Từ ý thức người dân

Ông Hồ Văn Thông ở thị trấn A Lưới luôn ý thức rằng, rừng keo tràm cũng như những cánh rừng tự nhiên là nguồn sống, tài sản quý giá bảo vệ môi trường sinh thái.

Gia đình ông cam kết với ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương chấp hành tốt các biện pháp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Mỗi lần đốt thực bì, ông đều báo với cơ quan chức năng để được kiểm soát, tránh lửa cháy lây lan. Suốt mùa nắng nóng, công tác tuần tra, quản lý, BVR được ông Thông chấp hành tốt.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới, ông Lê Nhân Đức cho rằng, không phải ai cũng ý thức cảnh giác, BVR như ông Thông. Nhiều chuyến tuần tra, lực lượng kiểm lâm bắt gặp tàn thuốc, lửa do người dân nhóm nấu ăn cạnh rừng vẫn còn cháy. Nếu không phát hiện, dập tắt kịp thời thì nguy cơ cháy rừng sẽ xảy ra.

Mới đây, trong chuyến tuần tra cùng với lực lượng kiểm lâm TP. Huế tại khu vực nghĩa trang TP. Huế, chúng tôi tình cờ bắt gặp đám cháy ngùn ngụt cạnh một ngôi mộ. Cán bộ kiểm lâm nhanh chóng thông báo đến cơ quan, huy động lực lượng, người dân sinh sống gần khu vực cháy đến ứng cứu, dập tắt kịp thời đám cháy. Cán bộ kiểm lâm sau đó xác định, nguyên nhân xảy ra cháy là do người dân đốt nhang, vàng mã.

Ông Trương Xàng, Phó Hạt trưởng HKL huyện Quảng Điền thông tin, cuối năm 2019, trên địa bàn huyện xảy ra hai vụ cháy rừng lớn ở vùng rú cát xã Quảng Lợi, Quảng Thái. Sau khi điều tra, xác minh, nguyên nhân cháy là do một nhóm người nấu ăn cạnh rừng, do bất cẩn đã để lửa bốc cháy lây lan nhanh, ngoài tầm kiểm soát dẫn đến cháy lớn trên diện rộng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, trong số 30 vụ cháy rừng năm 2019 và hai vụ cháy rừng mới đây tại Thủy Phù và An Tây đều xác định do người dân chủ quan, bất cẩn trong khi đốt nhang, vàng mã, nấu ăn cạnh rừng, vứt tàn thuốc bừa bãi, đốt thực bì. Diện tích bị cháy đều là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, keo tràm thuộc loại cây dễ cháy.

Phát huy quy chế phối hợp

Cán bộ HKL TP. Huế, ông Hoàng Kim Quy cho rằng, biện pháp được cho tối ưu nhất hiện nay là triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong PCCCR. Điểm mới của HKL TP. Huế năm nay đã tăng cường đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hàng chục biển cảnh báo nguy cơ, bảng cấm, bảng cảnh báo vi phạm với các nội dung răn đe; các biện pháp PCCCR để tuyên truyền nâng cao ý thức người dân BVR thông cảnh quan, đặc dụng.

Trong các đợt tuần tra, BVR, lực lượng kiểm lâm TP. Huế lồng ghép tuyên truyền lưu động đến tận các hộ dân trên địa bàn phường và những người đến viếng mộ tại các nghĩa trang về các biện pháp PCCCR; đồng thời vận động người dân sẵn sàng tham gia ứng cứu khi xảy ra cháy.

Trong tháng 6/2020, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với dự án Trường Sơn Xanh tổ chức 3 lớp tập huấn về “Nâng cao năng lực PCCCR” với các nội dung, chương trình đang được quan tâm như triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới Luật về công tác BVR và PCCCR; phương pháp dự báo cháy rừng; xây dựng phương án PCCCR; khung pháp lý và sự phối hợp trong công tác PCCCR giữa các cấp chính quyền và các lực lượng liên quan; công tác kiểm tra, giám sát trong PCCCR.

Một điểm mới năm nay, các cơ quan, ban ngành siết chặt, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác BVR, PCCCR đã được ký kết ngay từ đầu năm. Quy chế phối hợp này thật sự phát huy hiệu quả qua hai vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 29 và 30/6 mới đây.

Ngay sau khi phát hiện và nhận thông tin xảy ra cháy rừng ở phường An Tây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẩn trương điện báo, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự TP. Huế, Công an tỉnh, huy động hàng trăm chiến sĩ, lực lượng dân quân và quần chúng Nhân dân trên địa bàn phường, các trang thiết bị dập lửa, phun nước kịp thời có mặt tại hiện trường. Chỉ sau hơn một giờ, các lực lượng đã khống chế đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại.

Vụ cháy rừng xảy ra ngày 30/6 trên địa bàn xã Thủy Phù đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng kiểm lâm và hàng trăm người dân địa phương kịp thời dập lửa, không để lây lan gây thiệt hại lớn. Diện tích thiệt hại ước tính khoảng 1,5ha keo tràm 4 năm tuổi và điều quan trọng đã bảo vệ an toàn đường dây điện 500kV...

Ông Mai Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý - BVR thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, ngoài triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp, năm nay, ngành kiểm lâm đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình đường ranh cản lửa, đường lâm sinh, dân sinh tại các vùng “xung yếu”. Đây là một trong những biện pháp phục vụ tốt công tác PCCCR, ngăn chặn có hiệu quả, hạn chế tối đa nguy cơ cháy lây lan diện rộng.

Ngành kiểm lâm phối hợp với các địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc đốt thực bì để trồng rừng trên địa bàn tỉnh để có biện pháp nhắc nhở, xử lý kịp thời; đặc biệt nghiêm cấm tuyệt đối việc đốt thực bì tại các khu vực cảnh quan xung quanh TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy và các khu du lịch nghỉ dưỡng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sóng nhiệt và cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí
Sóng nhiệt và cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí

Theo một cảnh báo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa đưa ra sáng nay (7/9), các đợt sóng nhiệt và cháy rừng ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ làm xấu chất lượng không khí mà chúng ta hít thở, gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.