Thứ Hai, 19/03/2018 15:36

Phong Điền: Người trồng cao su gặp khó sau bão

Bão số 5 đi qua đã tàn phá nhiều ha rừng trồng cao su của người dân. Nhiều hộ gia đình đang gặp khó khi cao su là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính.

Huy động mọi nguồn lực, khắc phục hậu quả cơn bão số 5Huy động toàn lực lượng, phương tiện phong quang đường sáHương Thủy: 10 người nhập viện, gần 100 cây xanh bật gốc do mưa bão

Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền và xã Phong Mỹ kiểm tra tình hình thiệt hại cây cao su do bão số 5 gây ra

Gặp khó...

Gia đình ông Trần Đình Hùng, trú tại thôn Huỳnh Trúc (Phong Mỹ, Phong Điền) trồng 3ha rừng cao su từ năm 2006 ở nhiều khoảnh rừng. Để có được 3ha rừng cao su, gia đình ông phải bán diện tích rừng cũ và vay Hội Nông dân xã 80 triệu đồng. Năm 2017, cây cao su bắt đầu cho mủ. Hàng ngày từ 3ha rừng này cho gia đình ông thu nhập 1 triệu đồng trong vòng 8 tháng/năm. Tồng thu nhập 1 năm của gia đình ông khoảng gần 300 triệu đồng. Với số tiền này, ông có thể nuôi sống cả gia đình, trả nợ ngân hàng và cho con ăn học đàng hoàng. Thế nhưng cơn bão số 5 đã làm gãy đổ phần lớn cây cao su ở các khoảnh rừng của gia đình ông, hiện chỉ còn khoảng 1ha cao su nằm rải rác ở nhiều nơi.

Ông Hùng than thở, gia đình ông chỉ sống dựa vào 3ha rừng cao su này và không có nguồn thu nhập nào khác. Nay, bão số 5 làm gãy, đổ 2ha, còn rải rác khoảng 1ha ở các khoảnh rừng khác nhau. Vì vậy, thời gian tới ông không biết sống dựa vào nguồn thu nhập nào. Ông mong Nhà nước sớm hỗ trợ để gia đình ông trồng lại diện tích cao su; đồng thời khoanh nợ và trả lãi các khoản ông vay ngân hàng...

Ông Nguyễn Chánh Thành, Trưởng thôn Huỳnh Trúc cho biết, toàn thôn có 90 hộ dân sống dựa chủ yếu vào cây cao su với diện tích 91ha (85ha đã cho thu hoạch). Bão số 5 đã tàn phá 60-70% diện tích cao su hiện có, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Theo ông Thành, để có được 1ha cao su cho thu hoạch, người dân phải trồng, chăm sóc từ 7 đến 10 năm. Nay, để khắc phục lại diện tích cây cao su gãy, đổ phải cần 1 thời gian dài. Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện hỗ trợ người dân tận thu gỗ cây cao su để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời có chính sách ưu đãi với người trồng cao su như: khoanh nợ, giải ngân vốn để trồng mới hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác...

Thiệt hại 700ha cao su

Nhiều diện tích cây cao su ở xã Phong Mỹ bị gãy đổ sau bão số 5

Cây cao su được mệnh danh là “Vàng trắng” của vùng gò đồi Phong Mỹ, Phong Sơn. Thời điểm hiện tại, giá 1kg mủ cao su là 13.000 đồng. Nhờ cây cao su, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, toàn xã có 1.310ha. Toàn bộ diện tích cây cao su đều bị thiệt hại sau bão với tỷ lệ từ 40-80%. Hiện, xã đã chỉ đạo bà con nhân dân tận thu những cây gãy, đổ để bán làm gỗ hoặc củi với sự giúp đỡ của các lực lượng của xã như: đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ... Đối với những gia đình khó khăn, không có sức để tận thu, xã sẽ họp các hộ dân và nhờ huyện hỗ trợ lực lượng giúp dân tận thu, nhằm giảm bớt thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Toàn huyện có 1.700ha cây cao su, 32.000ha keo, tràm, 600ha cây ăn quả như: thanh trà, bưởi da xanh, quýt... của người dân trồng. Trong đó, có hơn 1.000ha diện tích cây bị gãy, đổ sau bão số 5, nặng nhất là cây cao su với diện tích thiệt hại lên đến 700ha. Hiện, huyện đang chỉ đạo các xã khắc phục những thiệt hại trước mắt như: sửa chữa lại các cơ sở dạy học, khám chữa bệnh và nhà dân... Sau khi khắc phục xong sẽ yêu cầu các xã, thị trấn thống kê thiệt hại chi tiết về cây trồng, căn cứ chủ trương, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ người dân có cuộc sống ổn định sau bão.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số người trồng cao su đều vay vốn ngân hàng. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều vài trăm triệu. Vì vậy, chính quyền địa phương cần làm việc với các ngân hàng để khoanh nợ, giảm lãi suất cho người trồng cây cao su; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện giúp dân tận thu gỗ cây cao su gãy, đổ, góp phần khắc phục những thiệt hại do bão số 5 gây ra.

Bài, ảnh: Hải Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bất động sản “đóng băng”, doanh nghiệp xây dựng gặp khó
Bất động sản “đóng băng”, doanh nghiệp xây dựng gặp khó

Thời gian qua cứ ngỡ đại dịch COVID-19 lắng xuống sẽ “đánh thức” ngành xây dựng có những tăng tốc so với trước. Thế nhưng thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng”; tín dụng ngân hàng thắt chặt; giá nguyên, vật liệu đầu vào biến động... khiến cho các doanh nghiệp (DN), nhà thầu xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Phòng trừ bệnh cho cao su
Phòng trừ bệnh cho cao su

Hơn 500ha cao su trên địa bàn tỉnh đang bị các loại bệnh nguy hiểm hoành hành, như xì mủ, loét sọc miệng cạo, thán thư, nấm hồng, đốm lá, rụng lá corynespora…