Thứ Ba, 09/01/2018 06:45

“Nín thở” trong mùa khô

Đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng được Hương Trà phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.

Canh rừng mùa nắng nóngTăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng thông ở Hương Hồ

Chủ động

Năm 2019, Hương Trà xảy ra 8 vụ cháy rừng lớn nhỏ, làm thiệt hại hơn 44ha rừng các loại. Theo thống kê, số vụ cháy rừng trong năm qua nhiều hơn 10 năm trước cộng lại. Mùa khô năm nay được dự báo thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, không khí khô hanh là “chất xúc tác” dễ gây ra cháy rừng.

Bên cạnh yếu tố thiên nhiên, 80% các vụ cháy rừng xảy ra do sự bất cẩn của con người. Như vụ cháy rừng thông Hương Hồ (cuối tháng 6/2019) làm thiệt hại hơn 32ha rừng của HTX NN Hương Hồ 1 (trong đó có trên 29ha thông), nguyên nhân được xác định do khách qua đường vô ý vứt tàn thuốc lá gây cháy. Nhiều vụ cháy khác bắt nguồn từ thói quen đốt thực bì của người dân.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) thị xã Hương Trà Ngô Hữu Phước, gần 55% diện tích tự nhiên của Hương Trà là rừng, với hơn 28 ngàn ha. Đa phần các diện tích rừng ở xa khu dân cư, trải dài trên địa bàn rộng; từ xã biển Hải Dương đến xã miền núi Hồng Tiến, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nên việc đi lại khó khăn.

“Năm 2020, dự báo, tình hình thời tiết rất “căng”, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) khó càng khó”, ông Phước nói.

Theo quy định, khi đốt xử lý thực bì phải xin phép chính quyền địa phương, nhưng thực tế, đa số người dân do nhận thức, sợ tốn kém nên thường tự ý đốt dẫn đến cháy lan. Vì vậy, đơn vị yêu cầu kiểm lâm địa bàn kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở việc xử lý phải đúng quy định, được sự cho phép, kiểm tra của chính quyền địa phương trước khi đốt xử lý. Nếu phát hiện việc đốt thực bì không đúng quy trình sẽ lập biên bản xử phạt ngay.

“Chúng tôi đã về làm việc với các địa phương để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, họp dân nhằm nâng cao nhận thức của bà con trong công tác bảo vệ rừng (BVR) - PCCCR. Đồng thời, sửa chữa các dụng cụ, phương tiện trang thiết bị, máy móc, mua sắm thêm dụng cụ; tăng cường pano, băng rôn tuyên truyền, bảng niêm yết”, Hạt trưởng HKL Hương Trà thông tin.

Chủ tịch UBND xã Bình Tiến Nguyễn Trung Kiên cho hay, với địa bàn rộng, xã có diện tích rừng hơn 1.000ha, để chủ động PCCCR, địa phương phối hợp các chủ rừng, lâm trường để khi có sự cố cháy, tất cả cùng chung tay. Thành lập trung đội cơ động (30 người) và 2 tổ thường trực ở 2 địa bàn (Bình Điền - Hồng Tiến), cộng lực lượng tại chỗ (15-20 người/thôn) và người dân. Phương tiện xã đã đầu tư trang bị gồm bình bơm, rựa, máy thổi gió, máy bơm cơ động, vỉ đập… đã sẵn sàng.

"Bất cập là không có ngân sách động viên người dân khi họ tham gia chữa cháy. Trước đây có phí dịch vụ môi trường rừng 5%, nay không có, vì vậy, việc hỗ trợ cho người dân, đầu tư mua sắm trang thiết bị đang còn khó khăn rất lớn, qua đó hạn chế đến hiệu quả trong quá trình đi xử lý PCCCR”, ông Kiên nói.

Khó chồng khó

Toàn thị xã có hơn 1.000ha rừng thông, diện tích rừng trồng trên 18 ngàn ha. Trong đó, khoảng 4.000/18.000 ha rừng do người dân quản lý.

“Diện tích không lớn nhưng BVR thông là một vấn đề. Trong khi các chủ rừng có nguồn kinh phí sẽ chủ động xử lý rác thông, thì các HTX vì thiếu kinh phí nên sẽ để vậy, khi xảy ra cháy rất khó xử lý. Thêm vào đó, nhiều diện tích rừng thông của các HTX tiếp giáp với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, Hạt đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng làm vệ sinh sạch sẽ rác thực bì, từ mép đường vào 50m”, ông Phước nói.

Theo thống kê, các công trình PCCC (như đường ranh cản lửa, phương tiện…) chưa đảm bảo, nhất là rừng của các hộ gia đình. Tại các địa phương, kinh phí phục vụ công tác BVR- PCCCR rất hạn chế, do đó việc mua sắm dụng cụ, trang thiết bị hầu như không có. Các dụng cụ, phương tiện PCCC cũng không đảm bảo cho công tác PCCCR trên địa bàn.

Hạt trưởng HKL Hương Trà thẳng thắn: “Vừa rồi, về các địa phương làm việc, kiểm lâm địa bàn báo cáo không có kinh phí mua sắm dụng cụ trang thiết bị, đề nghị Hạt cho mượn. Nhưng cho một xã mượn thì được chứ 10 xã, đơn vị lấy đâu ra. Trước mắt, trên cơ sở trang thiết bị dụng cụ đơn vị có, sẽ phân bổ về các trạm vùng trọng điểm, như vậy, khi có sự cố xảy ra, anh em sẽ đáp ứng nhanh. Đồng thời, các chủ rừng cần đặc biệt quan tâm công tác vệ sinh rừng cũng như tăng cường lực lượng bảo vệ chuyên trách trong mùa nắng nóng".

Bài, ảnh: LIÊN MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý rừng bằng công nghệ
Quản lý rừng bằng công nghệ

Thông qua công nghệ, ảnh viễn thám, các đơn vị kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR) kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ phá rừng trái phép.