Thứ Năm, 19/03/2020 07:05

Nỗ lực giảm rác thải nhựa ra môi trường

Với dân số hơn 1,1 triệu người và lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày không dưới 500 tấn nên phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là yêu cầu cấp bách được UBND TP. Huế quan tâm và triển khai thực hiện.

Giảm áp lực trong thu gom, xử lý rác thảiThay đổi nhận thức về rác thải nhựa cho người dân vùng caoChung tay giảm rác thải nhựa

Người dân tham gia phân loại rác tái chế, tái sử dụng để giảm rác nhựa. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nâng cao ý thức người dân

Trước đây, mỗi lần gia đình chị Trần Thị Hồng, tổ 5, phường Đông Ba có tiệc tùng, liên hoan sử dụng nhiều loại đồ uống, như bia, nước ngọt, nước suối hoặc các loại hộp nhựa đựng các loại thức ăn nấu sẵn do con cái ship về từ các quán ăn, sau buổi tiệc cả nhà chung tay dọn dẹp và cho tất cả các loại chai lọ, hộp nhựa, túi ni lông vào thùng rác. Đây cũng là cách làm thường xuyên của gia đình chị sau một ngày sinh hoạt với nhiều túi ni lông đựng rác thải và tất cả đều cho vào thùng rác gần nhà.

Sau khi tham gia vào các buổi sinh hoạt, tập huấn phân loại CTRSH do phường tổ chức, chị Hồng nhận thức được những tác hại về môi trường, tốn kém chi phí thu gom cũng như những lợi ích của việc tái chế rác thải nhựa nên chị đã hướng dẫn các thành viên trong gia đình tự phân loại CTRSH tại nhà trước khi đưa rác tới các thùng lưu chứa, đồng thời tích cực tham gia chương trình “Đổi rác lấy quà” do đoàn phường tổ chức.

Khởi động chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP. Huế, vừa qua, các ban ngành, đoàn thể phường Đông Ba đã tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy quà” nhằm vận động và nâng cao ý thức của người dân thông qua hoạt động phân loại rác. Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ triển khai, kết quả thu gom được gần 70kg giấy, 16kg nhựa, 2kg sắt và hàng trăm vỏ lon các loại, sau đó người dân được quay trúng thưởng và nhận các phần quà ý nghĩa như cây xanh, dầu ăn, hạt nêm…

Theo lãnh đạo UBND phường Đông Ba, hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, tuyên truyền hướng dẫn người dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, hướng dẫn cách thức phân loại - lưu chứa - xả thải CTRSH tại nguồn, điểm đặt thùng thu gom chất thải tái chế, tái sử dụng và nguy hại trên địa bàn thành phố.

Tại các địa phương trên địa bàn TP. Huế, như An Đông, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Thủy Xuân… các thùng lưu chứa rác đã được phân bổ về, những lớp tập huấn hướng dẫn chương trình phân loại CTRSH tại nguồn được tổ chức cho các ban, ngành, đoàn thể, từ đó đưa các nội dung này đến từng tổ dân phố, người dân để triển khai thực. Ngoài ra, các phong trào “5 không 3 sạch”, “Đổi rác lấy quà”, “Thu gom rác thải nhựa tạo quỹ nhân ái”… tiếp tục được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Chương trình “Đổi rác lấy quà” do phường Đông Ba tổ chức tại Công viên Thương Bạc

Chung tay thực hiện

Dự án (DA) “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) khởi động vào năm 2021 với mong muốn giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tự nhiên vào năm 2024. Trên cơ sở đó, DA đã đồng hành với UBND TP. Huế triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên và góp phần làm cho Huế xanh, sạch, sáng hơn.

Hiện, thành phố đã có 468 thùng phân loại CTRSH được lắp đặt tại 156 điểm công cộng tại 23 phường, xã trên địa bàn. Theo mục tiêu đặt ra, 13 phường, xã còn lại của thành phố sẽ được tiếp tục triển khai và hoàn thành trong năm 2023. Theo đó, CTRSH được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm: nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại. Đối với nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng, các hộ gia đình mang đến các điểm lưu chứa CTRSH được phân loại ở 156 vị trí lắp đặt trên địa bàn và bỏ vào các thùng theo quy định. Trong đó, thùng màu cam chứa chất thải nguy hại, thùng màu xám chứa rác thủy tinh và thùng màu trắng chứa rác tái chế, tái sử dụng.

Rác nguy hại được Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế; rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần; đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song cho rằng, thời gian vừa qua, TP. Huế đã triển khai, hoàn tất các công việc để đảm bảo cho việc tổ chức phân loại CTRSH. Trong đó, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn về công tác phân loại CTRSH cho các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, cấp cơ sở với mục đích để nắm bắt cụ thể về trình tự, cách thức phân loại; trên cơ sở đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải theo đúng hướng dẫn.

Để triển khai hiệu quả, thành phố đề nghị các cơ quan, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện công tác phân loại rác thải ngay từ nguồn thải, góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường. Đồng thời, phát huy đề án “Ngày Chủ nhật xanh” để Huế luôn xanh - sạch - sáng - thông minh - thân thiện với môi trường...

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa
Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa

Sáng 23/2, Dự án (DA) Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (được tài trợ bởi Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thông qua WWF-Nauy) và Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh chính thức phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa- Huế 2023” (Cuộc thi) với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) tại TP. Huế.

Doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính
Doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Nhằm hạn chế diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu thì giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu. Việt Nam đã có lộ trình thực hiện giảm phát thải để hướng đến phát triển bền vững.

Nỗ lực từ tập thể và cá nhân
Nỗ lực từ tập thể và cá nhân

Với nhiều nỗ lực và đóng góp trong thời gian qua, tập thể Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân cùng nhiều cá nhân trong đơn vị được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng bằng khen; được đề nghị Bộ Quốc phòng tặng bằng khen và được UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen.