Thứ Năm, 23/04/2020 06:30

Nông sản ở chợ khó “trà trộn” vào siêu thị của Huế

Làm rõ chuyện có hay không việc rau, củ, quả (gọi chung là nông sản) ở chợ “đội lốt” VietGAP đưa vào siêu thị tại Huế, như đã xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có buổi trao đổi với ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thủy sản - Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

"GAP" hay không "GAP" như nhauKêu gọi giải pháp nông sản thực phẩm bền vữngĐưa hàng địa phương vào siêu thị - bài 1: Siêu thị “khắt khe” hay doanh nghiệp chưa “mặn mà”?

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thủy sản

Nông sản trên thị trường tiêu dùng ở Huế chủ yếu nhập từ đâu về, chiếm bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

Huế có 3 nguồn nhập nông sản chính. Từ các tỉnh Tây Nguyên (Đà Lạt, Gia Lai, Đăk Lăk…); từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… Chiếm khoảng 60% tổng số nông sản trên thị trường tỉnh. Khoảng 40% nông sản còn lại sản xuất tại Huế, chủ yếu là các loại rau xà lách, cải, hành lá, rau dền, rau muống…

Có bao nhiêu cơ sở sản xuất nông sản ở Huế được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm (ATTP)… nhập cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn?

Ước tính có khoảng 10 cơ sở, với các sản phẩm chủ yếu, gồm: dưa lưới Vinh Hưng, thanh trà Thủy Biều, rau các loại Quảng Thành, rau má Quảng Thọ, hành lá Hương An, bưởi da xanh Phong Điền, gạo An Lỗ… của các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền.

Đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện hành vi trà trộn nông sản ở chợ dán nhãn VietGAP tuồn vào siêu thị

Các cơ sở này có đủ hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm, như: giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; bản cam kết sản xuất thực phẩm theo hướng hữu cơ… Bên cạnh đó còn có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm và phiếu kiểm nghiệm mẫu đi kèm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên thực hiện lấy mẫu nông sản kiểm nghiệm để có cơ sở đánh giá chất lượng sản phẩm của các cơ sở/vùng trồng trọt, từ đó đưa ra các cảnh báo nguy cơ về ATTP (nếu có) từ kết quả kiểm nghiệm mẫu.

Đó là với các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh. Còn các cơ sở VietGAP ngoại tỉnh, làm sao khẳng định hàng của họ nhập cho siêu thị tại Huế đảm bảo chất lượng?

Với chức năng của mình, Chi cục thực hiện thanh tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đột xuất tại vùng trồng, chợ dân sinh, siêu thị và tại cơ sở nhằm giám sát, đánh giá nguy cơ mất ATTP, qua đó, giúp tăng cường hiệu quả quản lý toàn diện của Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm khi có vụ việc xảy ra.

Ở Huế có khoảng 10 cơ sở VietGAP nhập nông sản cho các siêu thị trên địa bàn

Có thể nói, đây là các biện pháp giúp đảm bảo sản phẩm cung ứng từ vùng trồng, cơ sở kinh doanh vào các siêu thị, cửa hàng được giám sát từ khâu sản xuất đến tiêu dùng và đảm bảo chuỗi cung ứng được giám sát, kiểm tra thường xuyên.

Ở Huế có tình trạng “trà trộn” nông sản ở chợ về đóng gói, dán nhãn VietGAP để cung cấp cho các siêu thị hay không, thưa ông?

Đến hiện tại, cơ quan chức năng chưa phát hiện hành vi tương tự như ở TP. Hồ Chí Minh. Vì nhiều lý do, các công ty/cơ sở cung cấp nông sản khó có thể thực hiện hành vi nói trên để đưa vào siêu thị tại Huế.

Thứ nhất, chỉ có 3 kênh phân phối siêu thị hoạt động trên địa bàn tỉnh, gồm: GO! Huế, Vinmart và Co.opMart, chủ yếu hoạt động trong phạm vi TP. Huế. Ngoài quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ của các siêu thị, các đoàn liên ngành và ngành Công thương cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát trong các dịp lễ, tết, tháng hành động về ATTP…

Thứ hai, diện tích đất trồng rau màu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh khá ổn định với khoảng 6.000ha/2 vụ, cơ bản đáp ứng được nguồn cung nông sản cho các siêu thị, cửa hàng và các chợ dân sinh.

Thứ ba, đa số các công ty tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động dưới hình thức thu mua, đóng gói và phân phối lại (không trực tiếp trồng trọt) nên việc lựa chọn các nguồn cung cấp nông sản để trà trộn rất dễ xảy ra nhằm mục đích “hô biến” giá trị của sản phẩm, gian lận thương mại.

Trong khi đó ở Thừa Thiên Huế, hình thức kinh doanh trên không phổ biến. Đa số các cơ sở, vùng trồng trọt trên địa bàn tỉnh trực tiếp cung cấp nông sản cho các hệ thống siêu thị (không qua trung gian) qua liên kết kinh doanh và đã có sự cân đối giữa cung - cầu hàng tuần, mùa vụ, sản lượng sản xuất, năng lực cung ứng nông sản…, nên không có tình trạng tăng/giảm đột biến các đơn hàng để thúc đẩy phát sinh gian lận.

Quan điểm của ông về việc “trà trộn” nông sản ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua?

Theo tôi, chúng ta nên xét câu chuyện này ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, các công ty cố tình thực hiện hành vi nhằm mục đích gian dối về kinh tế (mua giá thấp, dán nhãn rau an toàn và bán giá cao). Đây là hành vi gian lận thương mại nhằm đánh lừa, trục lợi bất chính với người tiêu dùng cần được các cơ quan quản lý xử lý triệt để, tạo lòng tin cho người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam.

Thứ hai, không thể đánh đồng hành vi gian lận trên đồng nghĩa với rau “không sạch” bị trà trộn vào siêu thị. Bởi, “sạch” hay “không sạch” phải cần phân tích, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm mới có thể khẳng định được chất lượng đạt hay không đạt chuẩn ATTP.

Tuy nhiên, từ bài học trên, ngành NN&PTNT sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát để có đánh giá chất lượng sản phẩm nông sản của các cơ sở hay vùng trồng trọt bày bán trên các kênh phân phối, từ đó đưa ra cảnh báo nguy cơ về ATTP và xử lý vi phạm (nếu có).

Ngoài tem, nhãn, liệu có cách nào để giúp người tiêu dùng xác định bằng mắt thường đó là nông sản VietGap, ATTP… hay nông sản ở chợ “trà trộn” hay không, thưa ông?

Thực tế là không thể đánh giá sản phẩm nông sản “sạch”, ATTP bằng mắt thường. Hiện nay, tuy có một số cách kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm nông sản bằng các test kit hóa học, hoặc thiết bị cầm tay khá tiện lợi nhưng giá thành cao và đòi hỏi tập huấn về nghiệp vụ.

Theo tôi, để mua được các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, người tiêu dùng nên tìm mua tại các kênh phân phối uy tín, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, nhất là công khai và cập nhật đầy đủ thông tin chuỗi cung ứng hình thành từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Qua trao đổi, đại diện GO!, Big C, Tops Market khẳng định, chất lượng rau ở hệ thống siêu thị của mình (trong đó có GO! Huế) luôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm sạch và an toàn của người tiêu dùng thông qua việc kiểm soát chặt chẽ từ quy trình vào hàng cho đến khi nhà cung cấp giao hàng.

Tuy nhiên, liên quan đến các câu hỏi về việc Go! Huế liên kết với bao nhiêu nhà cung cấp nông sản; trên kệ của Go! Huế bày bán bao nhiêu loại nông sản an toàn, có nguồn gốc, tem, nhãn theo quy định; mỗi ngày, sản lượng nông sản nhập cho GO! Huế là bao nhiêu, trong đó, bao nhiêu kg nông sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, Oganic…; có sự khác biệt nào trong quy trình kiểm tra, giám sát nông sản của GO! Huế với các đơn vị cung cấp… thì đại diện GO! Huế từ chối trả lời với lý do: “… Không có phận sự trả lời phỏng vấn vì vấn đề này thuộc tính chất của tập đoàn”.

VÕ NHÂN (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Ngày 4/1, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) tỉnh tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối thực phẩm, dịch vụ ăn uống phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh.

Khai mạc phiên chợ quảng bá nông sản cho nông dân
Khai mạc phiên chợ quảng bá nông sản cho nông dân

Sáng 28/12, tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh (phường Hương Sơ, TP. Huế), Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức Phiên chợ nông sản trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp lần thứ I năm 2022.