Đô thị Huế gắn chặt với yếu tố nước của dòng Hương - lâu nay được mệnh danh dòng sông di sản. Ảnh: LQ
Nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông, hồ hay vùng ven biển là điều kiện thuận lợi để quần cư, từ chỗ là nguồn nước để cung cấp cho chuỗi hoạt động, như: sinh hoạt, trồng trọt, giao thông, thương mại… và cả cảnh quan. Ở chiều ngược lại, một đô thị bên sông, hồ, hay ven biển sẽ tạo một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Nói cách khác là, cách con người ứng xử với sông, hồ... sẽ phản ánh bản sắc, văn hóa đô thị.
Các đô thị ở Việt Nam phần lớn cơ bản gắn với các sông, hồ, ven biển. Đô thị Huế cũng nằm trong số đông này và đã gắn chặt với yếu tố nước của dòng Hương - lâu nay được mệnh danh dòng sông di sản.
Chuyện sông, hồ, ven biển trong đô thị cũng có thể hiểu là sự tương tác giữa "âm" và "dương". Nếu "âm" và "dương" không hài hòa chắc chắn dẫn đến các hình thái thời tiết gây tổn thương cho đô thị.
Mấy năm nay thời tiết cực đoan, mưa lũ thường xuyên xảy ra, các vùng đô thị cũng vật lộn với tình trạng ngập lụt. Đáng mừng với đô thị Huế, nhờ có sông Hương trở thành nơi điều tiết cấp, thoát nước nên cuộc sống sinh hoạt cư dân đô thị trong những ngày mưa lũ không bị xáo trộn nhiều. Có chăng chỉ là cục bộ ảnh hưởng trong thời gian ngắn do các công trình xây dựng trong quá trình thi công trong, ngoài đô thị làm tắc nghẽn, chặn dòng chảy... Chính điều này cũng dễ hiểu, khi một thành phố đủ không gian cho nước thì nước sẽ tích trữ ở đó một thời gian rồi tuần hoàn và sẽ giảm thiểu tối đa được thiệt hại.
Bạn tôi - một kiến trúc sư hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh hơn 20 năm nay nhìn nhận, ở Việt Nam có khoảng 100 đô thị đậm đặc yếu tố sông nước. Trong số này, có khoảng 70 đô thị gắn được với chữ "sông" và "biển". Tuy nhiên, có nhiều đô thị dọc theo bờ sông nhưng ngoảnh lại với sông, không tương tác với nó vừa lãng phí tài nguyên, vừa có thể khiến đô thị chịu nhiều hiệu ứng tiêu cực.
Bởi vậy, trong quá trình hoạt động của mình khi bàn đến quy hoạch đô thị nơi này nơi kia, anh thích thú với những khu vực "đô thị nước" - nơi có sông hồ và biển. Theo anh khi đề cập câu chuyện quy hoạch cần hướng đến "3 đa", gồm đa ngành, đa chiều và đa giai đoạn. Với khung quy hoạch hợp nhất của "3 đa" trên thì chúng ta sẽ quản lý hài hòa "đô thị nước". Bên cạnh đó, cũng đề xuất 5 giải pháp khi quy hoạch loại đô thị này là: nước phải cân bằng được trong đô thị, không gian cho nước, tăng hệ số thấm đô thị, giải pháp đa chức năng và mềm, quản lý tích hợp.
Theo anh bạn diễn giải, hiện nay khi các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng tác động khốc liệt lên phố cả về tần suất lẫn mức độ thì "nương" vào nước càng là xu thế quan trọng để các đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.
Cũng như lời bạn nói tôi ngẫm thấy, thực tế lâu nay ở các khu đô thị mới hay khu nghỉ dưỡng đắt đỏ, những lô đất hay căn biệt thự sang trọng nhất đều đi kèm yếu tố nước - tức là hướng sông, hướng hồ, hướng biển… Những con mắt tinh đời của các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế đô thị hay du lịch trong, ngoài nước đều ngắm đến các khu vực ven sông, ven biển. Điều đó đã chứng minh thực tế với những khu resort ven biển, ven sông giá các phòng "view biển", "view sông" luôn mặc định cao hơn 15-25% so với phần còn lại.
MINH VĂN