Thứ Năm, 26/04/2018 06:30

Ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau lũ

TX. Hương Trà đang dốc sức triển khai các biện pháp ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Quảng Điền khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũQuảng Điền: Cần gia cố đê bao xung yếu trước lũ tiểu mãnHương Trà: Chủ động khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Hà Văn Tuấn (đứng giữa) tặng quà cho bà con vùng lũ

Góp sức

Cơn bão số 5 trong tháng 9 và 2 trận lũ mới đây gây hậu quả nặng nề trên địa bàn thị xã Hương Trà. Gần 120 ha rau màu ngập chìm trong nước, 250 ha sắn bị ngập úng, hơn 20 tấn lúa bị ướt. Nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Bão làm trên 8.300 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm ha rừng kinh tế, cao su, cây ăn quả bị gãy đổ…

Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, ngay sau khi nước rút, UBND thị xã chỉ đạo các địa phương bắt tay khắc phục hậu quả, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Phường Hương An là một trong những địa phương chịu thiệt hại khá lớn với gần 75ha hành lá mất trắng, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND phường Hương An Phan Phước Thìn bày tỏ, nhiều diện tích trồng hành ở nơi cao nhưng lũ vẫn nhấn chìm. Điều đáng lo nhất, tới đây, Hương An không đủ giống để trồng lại.

Ngay sau khi nước rút, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể diện tích bị thiệt hại. “Trước mắt, chúng tôi đang xem xét những hộ ở nơi cao, có thể “bảo vệ” được 1- 2ha hành lá sẽ tiến hành giữ giống, sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau lũ”, ông Thìn bày tỏ.

Tại phường Hương Văn, người dân chưa khắc phục xong hậu quả bão số 5 (với gần 1.300 nhà dân bị tốc mái) thì 2 trận lũ liên tiếp làm hơn trăm ha sắn bị ngập úng, ảnh hưởng gần 1.500 nhà dân, trong đó, khoảng 300 hộ ảnh hưởng nặng.  Ngay sau lũ, phường triển khai hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm cho các hộ thiệt hại, bị cô lập từ các nguồn của tỉnh, thị xã, địa phương và các tổ chức cá nhân.

Hiện, dọc bờ sông Bồ thuộc khu vực xóm Cầu - Cửa Khâu ở TDP Giáp Tư, phường Hương Văn sạt lở nghiêm trọng (từ bờ vào 50m). Sau khi cho di dời khẩn cấp hộ ông Lê Đình Hà, 5/7 hộ còn lại cũng nằm trong diện cần di dời vì có nguy cơ cao.

Chủ tịch UBND phường Hương Văn Nguyễn Xuân Chinh thông tin, sẽ đưa các hộ này đến ở tạm tại Nhà văn hoá cộng đồng của phường khi cần di dời khẩn cấp. Trước đó, phường đã có quy hoạch đất tái định cư cho hộ nghèo nhưng ở khu vực cách xa các hộ dân xóm Cầu (đa số làm nghề sông nước) nên nếu đưa vào đây sẽ khó cho họ mưu sinh.

“Về lâu dài, UBND Hương Trà đã giao Hương Văn xây dựng quy hoạch đất tái định cư. Chúng tôi đang tìm phương án để đề xuất phù hợp”, ông Chinh nói.

Tại Hương Toàn, 100% hộ dân ở 11/11 thôn ngập từ 0,3 – hơn 2m. Cả xã bị chia cắt. Đến 20/10, nhiều thôn người dân vẫn đi lại bằng ghe, thuyền như Triều Sơn Trung, Cổ Lão, An Thuận, Giáp Kiền, Giáp Tây…

Trong những ngày mưa lũ, hàng ngày, đò của xã đều di chuyển qua 11 thôn để nắm tình hình. Rất may, Hương Toàn không có thiệt hại về người.

“Trước mắt, ưu tiên của chúng tôi là chăm lo đời sống của người dân, ổn định cuộc sống, đảm bảo vấn đề môi trường sau lũ, chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay khôi phục sản xuất”, Bí thư Đảng uỷ xã, ông Tống Hồ Thanh Xuân cho hay.

Hỗ trợ thực phẩm cho bà con bị lũ lụt

Đồng lòng

Khi bà con và chính quyền địa phương đang vật lộn trong gian khó, Chủ tịch UBND TX. Hà Văn Tuấn chèo ghe vào vùng rốn lũ để trao tận tay những thùng mì gói cứu đói khẩn cấp các hộ dân đã bị nước vây cô lập nhiều ngày. Đồng thời quyết định xuất dự trữ của địa phương hỗ trợ mì gói, nhu yếu phẩm khẩn cấp chuyển về cho dân; đưa hàng cứu trợ của tỉnh phân phối nhanh đến tận tay cho bà con, “không để xảy ra trường hợp đói, rét”. Với những hộ mất nhà ở, chính quyền các địa phương đã bố trí nơi ăn ở tạm thời, tính phương án về lâu dài cho bà con.

Hiện, việc khôi phục sản xuất ở những nơi cơn lũ đi qua được thị xã, các địa phương ưu tiên triển khai: Rà soát, kiểm tra những công trình hạ tầng giao thông, công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp hư hỏng, sạt lở, từ đó huy động nguồn lực tại chỗ và phối hợp với các ban ngành, đơn vị để sửa chữa, khắc phục. Với những công trình lớn, có tính chất phức tạp, UBND thị xã sẽ có văn bản gửi tỉnh hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp.

Ông Hà Văn Tuấn chia sẻ: “Sau khi lũ rút, sẽ lo trước những việc liên quan đến con người. Đầu tiên là việc ổn định đời sống người dân, dọn dẹp vệ sinh các trường để học sinh đi học trở lại, khôi phục lại các trạm y tế để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh, hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do bão, lũ. Giúp dân khôi phục sản xuất để đảm bảo sinh kế, rà soát để hỗ trợ giống, cây trồng cho bà con phục vụ sản xuất vụ đông xuân”.

Bí thư Thị uỷ Hương Trà Nguyễn Tài Tuệ cho biết: “Về lâu dài, thị xã sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương thống kê để hỗ trợ những hộ ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sạt lở như hộ ông Hà hay trường hợp sập nhà ở Hương Hồ. Chắc chắn những hộ này sẽ cho di dời vào một khu tái định cư nào đó phù hợp để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống”.

UBND, UBMTTQ, Hội Chữ thập đỏ, Liên đoàn Lao động thị xã, UBND các xã, phường đã tiếp nhận hỗ trợ gần 1 tỷ đồng tiền mặt, trên 44 ngàn thùng mỳ gói; gần 65 ngàn tấn gạo, 19 ngàn suất quà, gần 1 ngàn áo phao và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Bài, ảnh: Liên Minh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.