Thứ Sáu, 13/12/2013 14:32

Sớm đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai

Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư được xem là CSDL thống nhất, tích hợp, hoàn thiện, lưu trữ đầy đủ các nội dung, thông tin, dữ liệu phục vụ khai thác sử dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên đến nay, việc đồng bộ cơ sở dữ liệu này vẫn còn dang dở.

Theo ông Hồ Chí Quý, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Huế, việc xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn thành phố có nhiều lợi thế hơn các địa phương khác về cơ sở vật chất hạ tầng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tọa độ cập nhật khiến quá trình cập nhật gặp nhiều khó khăn. Tháng 5/2014, thành phố cập nhật các dữ liệu không gian, tuy nhiên do có những sai số so với bản đồ Gis nên không thể cập nhật...

Xây dựng CSDL đất đai được triển khai thí điểm tại TP. Huế từ năm 2005, trên cơ sở dữ liệu của GisHue. Tuy nhiên, do CSDL địa chính TP. Huế triển khai trước thời điểm Thông tư 04/2013/TT-BTNMT ngày 24/4/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên cấu trúc dữ liệu địa chính theo chuẩn GisHue so với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về xây dựng CSDL không còn phù hợp.

Hệ thống thông tin đất đai thành phố mới được triển khai tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP. Huế với các ứng dụng nặng về quy trình một cửa mà thiếu đi các yếu tố kỹ thuật về quản lý đất đai như: cập nhật biến động không gian thửa đất, các loại sổ sách phục vụ công tác quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa được chú trọng… Hệ thống này chưa kết nối được với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và các huyện, thị xã. Trong thời gian này, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và các huyện, thị xã phải sử dụng phần mềm VILIS để đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận theo hướng dẫn của bộ. Tiến độ này vẫn chậm so với kế hoạch, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản, cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai.

Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do chưa có điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin, cụ thể máy móc ở các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đều cũ kỹ, lạc hậu… việc cài đặt hệ thống kết nối mạng không thực hiện được. Kinh phí cho việc tổ chức kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng CSDL đất đai còn hạn chế; thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng hạ tầng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung chậm được duyệt. Đó là nguyên nhân khiến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện theo mô hình phân tán, CSDL chưa được quản lý thống nhất, các biến động giữa cấp tỉnh và cấp huyện chưa được cập nhật đồng bộ.

Việc xây dựng CSDL đất đai, tiến tới việc số hoá quản lý dữ liệu đất đai ngay trong bản đồ sẽ phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy được giá trị đất đai trong các giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nội dung tiến tới xây dựng CSDL toàn tỉnh còn có những khó khăn nhất định. Trước tiên, phải kể đến sự phức tạp trong việc đồng bộ dữ liệu từ đo đạc, thành lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ, kê khai đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận gắn với rà soát, cập nhật toàn bộ các biến động đất đai…

Tại cuộc họp bàn đánh giá tiến độ xây dựng CSDL đất đai mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ rõ, mặc dù tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án vẫn rất chậm. Nguyên nhân là do việc xây dựng CSDL quá dàn trải, địa phương nào cũng làm, nhưng làm không đến nơi đến chốn. Vì thế, muốn xây dựng thành công CSDL đất đai, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí vốn đầu tư tập trung cho các địa phương theo hình thức cuốn chiếu. Địa phương này làm xong, cập nhật đồng bộ CSDL với tỉnh mới đầu tư cho địa phương khác. Đồng thời, sở cũng cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai để đồng bộ CSDL quốc gia.

Hoàng Loan

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Các trụ cột đối ngoại vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả
Thủ tướng: Các trụ cột đối ngoại vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả

Sáng 10/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ Ngoại giao và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).