Thứ Hai, 17/02/2020 06:23

Tầm nhìn để doanh nghiệp chuyển đổi số

Xu thế hiện nay doanh nghiệp (DN) muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả cần phải chuyển đổi số (CĐS). Đây là quá trình lâu dài, phức tạp đòi hỏi các DN phải nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu, lợi ích mà nó mang lại.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệpChuyển đổi số: Không thể không làm, ngoài cuộcĐăng kiểm chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp

Nhân viên vận hành thao tác trên nền tảng công nghệ số cung cấp dịch vụ điện tiện ích đến người dân

Phải nhận thức đúng

Trong thời đại phát triển bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) và trình độ quản lý hiện đại của thế giới, hiện nay, các DN đang đứng trước "bài toán" CĐS để phát triển hiệu quả hơn. Tuy vậy, nhiều DN địa phương đang hiểu về CĐS một cách mơ hồ, phiến diện. Không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn còn thờ ơ, chưa mấy quan tâm về cơ sở dữ liệu, số hóa các thủ tục, thao tác, công cụ quản lý trong hoạt động SXKD.

Theo TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tỉnh, ở mô hình DN, muốn CĐS thành công, hiệu quả, bộ máy điều hành trong DN, nhất là vai trò của người đứng đầu DN, hay nói cách khác là chủ DN thật sự quan tâm, xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của đơn vị mình. CĐS phải được dẫn dắt từ trên xuống và được “thông suốt” đến từng bộ phận, ban, phòng và mỗi người trong DN.

Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) nêu quan điểm, thông thường một DN muốn CĐS phải tiệm cận được 6 nhóm giải pháp, như trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược CĐS, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, CĐS văn hóa DN, dữ liệu và tài sản thông tin. Để tiệm cận được các giải pháp trên, trước hết DN phải xác định chiến lược, mục đích hướng tới của DN là gì? Tiếp đến là DN phải có nguồn lực sẵn có để làm. Nguồn lực đó là tài sản, công cụ, công nghệ, dây chuyền sản xuất… Nguồn lực gì là cần thiết để ưu tiên trước. Thứ nữa khi có nguồn lực rồi thì cần có người để làm, đội ngũ nhân sự phù hợp để hướng tới mục tiêu mà DN đề ra. "Cần lưu ý vấn đề CĐS không phải chuyện cần hay không mà bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. CĐS thành công hay không quan trọng nhất là ở tư duy, tư duy đầu tiên phải đến từ người lãnh đạo" - ông Nguyễn Kim Tùng nói.

Nhận thức rõ lợi ích của CĐS trong hoạt động SXKD, nhiều DN đã tiên phong bước đầu thành công, như các công ty: Xăng dầu, Cấp thoát nước, Điện lực Thừa Thiên Huế... mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm nhiều chi phí cho người dân, khách hàng. Đơn cử như Điện lực Thừa Thiên Huế dẫu mới đi chưa hết nửa chặng đường trong chương trình CĐS nhưng hiện nay đã triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng CNTT hỗ trợ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, người dân mọi lúc, mọi nơi. Đơn vị này đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua đề xuất ý tưởng CĐS và ứng dụng KHCN, tiếp tục nghiên cứu khoa học về ứng dụng khoa học trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo phụ tải, trung tâm truyền tải điện năng, quản lý tài sản trên nền tảng GIS...

Mô hình kết nối công nghệ số trong đào tạo lái xe ô tô hiện nay

Chủ động “số hóa” dữ liệu

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ, gần đây hoạt động CĐS đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều DN biết nắm bắt cơ hội, dần ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý SXKD, phân phối, tiếp thị sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như nhu cầu quản trị kinh doanh.

CĐS là xu thế tất yếu, các DN không thể nằm ngoài dòng chảy “số” trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19 nên cần chủ động chuẩn bị các thành phần giúp thúc đẩy CĐS, như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật...

Việc số hóa số liệu, đánh giá quy trình xử lý thông tin trong nội bộ, hệ thống quản lý theo một trình tự phù hợp… là việc cần làm đầu tiên để CĐS trong DN. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN và các bộ phận chuyên môn phải thực sự quyết tâm, chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức để từ đó hiểu đúng và thực hiện CĐS có hiệu quả.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh lưu ý, khai thác tốt dữ liệu là cơ hội cạnh tranh của DN, nhất là dữ liệu của người tiêu dùng. Hiện nay phần lớn các DN ở địa phương đều ở quy mô nhỏ và vừa nhưng cũng nên cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho CĐS; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với DN để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu…

Mới đây, tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động quản lý năng suất gắn với phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn" tại Thừa Thiên Huế do Sở KHCN chủ trì thực hiện, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 tại TP. Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, CĐS được xem như một cách thức tái định hình mô hình SXKD truyền thống nhằm tăng trưởng của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, đổi mới sáng tạo, CĐS sẽ tạo cơ hội cho các DN; trong đó có DN nhỏ và vừa có được tính linh hoạt, sở hữu bộ công cụ và dữ liệu có cơ hội cạnh tranh, tạo bứt phá tăng năng suất, chất lượng trong SXKD theo phương thức khác với truyền thống trước đây...

Bài, ảnh: Song Minh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.