Thứ Ba, 20/03/2018 14:00

Tăng hiệu quả kinh tế & môi trường

Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ các dự án (DA) trọng điểm đang và sẽ triển khai trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS) đối với 37 khu vực mỏ các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền theo quy hoạch.

Đảm bảo nguồn cung đất san lấp cho các công trình trọng điểmChấn chỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép ở Nam Đông

Nhiều công trình, dự án lớn sẽ đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng sau khi các mỏ khoáng sản đấu giá thành sớm đưa vào khai thác

Giải quyết nhu cầu bức bách

Hiện nay, nhiều DA lớn về xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, tuyến giao thông liên vùng, công trình công cộng... trên địa bàn đang triển khai thi công. Chỉ riêng nhu cầu về đất san lấp, theo dự kiến cần khoảng 10 triệu m3. Trong đó, DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 4 triệu m3 giai đoạn 2020 - 2021; DA mở rộng nhà ga T2 sân bay Phú Bài khoảng 1 triệu m3 năm 2020 và các DA trọng điểm khác như xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư phục vụ di dân vùng Thượng Thành, dự án Green City... cũng cần một lượng lớn đất san lấp.

Trước tình hình nhu cầu tăng và nguy cơ khan thiếu nguồn cung về đất san lấp, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng... phục vụ cho các DA trọng điểm đang thi công trên địa bàn tỉnh, qua rà soát quy hoạch, Sở TN&MT khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan triển khai tổ chức đấu giá QKTKS đợt 1 năm 2020.

Theo kế hoạch đấu giá QKTKS năm 2020 thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, có 37 khu vực mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá. Trong đó, 10 khu vực mỏ đất sét làm gạch ngói, 13 khu vực đất làm vật liệu san lấp, 7 khu vực cát sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD), 1 khu vực cát nội đồng, 5 khu vực đá làm VLXD thông thường và 1 khu vực than bùn.

Trên cơ sở 37 điểm mỏ kể trên, trước mắt, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá QKTKS trên địa bàn 23 khu vực mỏ khoáng sản. Trong đó, đất sét làm gạch, ngói có 7 khu vực; đất làm vật liệu san lấp 9 khu vực; cát, sỏi làm VLXD thông thường 2 khu vực; cát nội đồng làm VLXD thông thường 1 khu vực; đá làm VLXD thông thường 3 khu vực và than bùn 1 khu vực.

Để triển khai đấu giá theo đúng quy định, Sở TN&MT tiến hành thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để tiếp nhận hồ sơ, lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp cũng như kêu gọi, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của các đơn vị doanh nghiệp có đủ năng lực.

Minh bạch, công khai

Theo ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên - Sở TN&MT, quy trình để thực hiện tổ chức các bước đấu giá QKTKS đều được tiến hành công khai, theo đúng quy định của pháp luật. Trước nhu cầu bức bách, việc đưa ra đấu giá các khu vực mỏ không chỉ nhanh chóng đảm bảo nguồn cung cho các công trình thi công mà còn là cơ sở quan trọng tạo ra sân chơi minh bạch cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tại phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản 23 khu mỏ và có 18 khu mỏ đấu thành 

Vừa qua, sau khi phối hợp xây dựng và ban hành quy chế phiên đấu giá giữa Sở TN&MT với đơn vị được chọn tổ chức đấu giá là Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh, có 55 đơn vị doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia đấu giá QKTKS tại 23 khu vực mỏ đưa ra đấu giá đợt 1 năm 2020.

Qua rà soát, đánh giá các hồ sơ tham gia đấu giá, có 3 điểm mỏ không có tổ chức đăng ký, gồm: khu mỏ sét ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc), mỏ đá làm VLXD thông thường ở núi Bá Tàng xã Hương Hữu (Nam Đông), mỏ đất sét xã Phong An (Phong Điền) và có 2 vị trí mỏ chỉ có 1 tổ chức đăng ký tham gia đấu giá nên không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá. Vì thế, kết quả đợt 1 có 53 hồ sơ tham gia đấu giá QKTKS cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Sau các phiên đấu, có 18 khu vực mỏ đấu giá thành với tổng giá trị 18 mỏ này được đấu từ tổng giá khởi điểm hơn 51,07 tỷ đồng lên hơn 99,646 tỷ đồng.

Thông qua hình thức đấu giá và đấu thành cấp QKTKS tại các điểm mỏ, ngoài tạo thuận lợi trong công tác quản lý tài nguyên của cơ quan chức năng và sự giám sát của chính quyền địa phương, qua đây sẽ hình thành cơ chế hoạt động công khai, minh bạch, đúng quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, góp phần tăng giá trị tiền cấp quyền khai thác, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Trong 18 khu vực mỏ trúng đấu giá QKTKS, tổng diện tích các mỏ đất làm vật liệu san lấp là 98,68 ha phân bố tại 6 huyện, thị xã; diện tích mỏ cát nội đồng làm VLXD (xã Phong Hiền, Phong Điền) là 20,4 ha; mỏ cát, sỏi làm VLXD thông thường ở Phong Mỹ (Phong Điền) là 13,2 ha; mỏ đất sét làm gạch ngói ở Phong Thu, Phong An (Phong Điền), Lộc Bổn, Lộc Hòa (Phú Lộc) là 49,6 ha; mỏ đá làm VLXD thông thường là 14 ha ở Hương Bình, Hương Vân (TX. Hương Trà) và 3,3 ha mỏ than bùn ở Phong Chương (Phong Điền) và Quảng Thái (Quảng Điền).

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt
Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022 cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019, với 69 đường bay đã được tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vậy, nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa
Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa

Sáng 23/2, Dự án (DA) Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (được tài trợ bởi Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thông qua WWF-Nauy) và Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh chính thức phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa- Huế 2023” (Cuộc thi) với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) tại TP. Huế.