Chủ Nhật, 03/06/2012 11:26

Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam lấy lại được động lực

Đây là nhận định của HSBC trong khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam tháng 11/2014.

Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam tháng 11, với nhận xét: Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã lấy lại được động lực trong tháng 11 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn và tồn kho hàng mua đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số.

Cụ thể, chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng từ 51 điểm trong tháng 10 lên 52,1 điểm trong tháng 11, báo hiệu có sự cải thiện đáng kể nhất về điều kiện kinh doanh trong thời gian năm tháng.


Sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam trong tháng 11 đã tăng tháng thứ 14 liên tiếp

Các điều kiện hoạt động tốt hơn đã được ghi nhận trong suốt thời kỳ tính từ tháng 9/2013. Sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam trong tháng 11 đã tăng tháng thứ 14 liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng nhanh dần thành mức nhanh nhất kể từ tháng 4.

Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng sản lượng cao hơn là do nhu cầu khách hàng được cải thiện, và điều này được thể hiện qua mức tăng mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới. Giá cả cạnh tranh và sản phẩm chất lượng tốt được cho là nhân tố chủ yếu để bảo đảm cho lượng đơn đặt hàng mới từ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4.

Số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn đã làm lượng công việc tồn đọng tăng trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ giảm lượng công việc tồn đọng kéo dài sáu tháng. Việc làm cũng tăng như đã được ghi nhận trong bảy trong số tám tháng qua. Mặc dù giảm nhẹ từ tháng 10, tốc độ tạo việc làm vẫn là nhanh khi các công ty cho biết đã tăng số lượng việc làm để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới và nhu cầu sản xuất tăng lên.

Giá cả đầu vào đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2012. Trước tháng 11, tốc độ lạm phát chi phí đã chậm lại trong ba tháng liên tiếp. Các thành viên nhóm khảo sát chủ yếu cho rằng chi phí đầu vào thấp hơn có được là do giá cả trên các thị trường hàng hóa thế giới đã giảm.

Chi phí đầu vào thấp hơn đã góp một phần vào việc giảm giá cả đầu ra tháng thứ hai liên tiếp khi các công ty chuyển phần chi phí tiết kiệm được sang cho khách hàng. Những nỗ lực thúc đẩy nhu cầu cũng được một số trong các công ty đó nhắc đến như là nhân tố làm giảm giá cả đầu ra. Tốc độ giảm đã nhanh hơn và trở thành mức nhanh nhất trong thời kỳ kéo dài gần một năm rưỡi.

Báo cáo từ các thành viên nhóm khảo sát cho biết kế hoạch tăng dự trữ hàng tồn kho đã làm tồn kho hàng mua tăng kỷ lục trong lịch sử chỉ số sau khi giảm trong tháng trước. Mức tăng này đã được củng cố bằng tháng tăng thứ mười lăm liên tiếp của hoạt động mua hàng tại các nhà sản xuất. Mặc dù nhu cầu hàng hóa đầu vào tăng lên, thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 11 tiếp tục được rút ngắn với các báo cáo ghi nhận về khả năng cung ứng tốt nguyên vật liệu và năng lực dự phòng của các nhà cung cấp.

Hàng tồn kho thành phẩm cũng đã tăng, mặc dù chỉ tăng nhẹ. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo rằng hàng hóa thành phẩm được lưu kho để đợi chuyển giao cho khách hàng. Tồn kho hàng hóa sau sản xuất đã tăng trong suốt năm tháng qua.

Về chỉ số PMI lần này, Trinh Nguyễn, Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC bình luận: “Chỉ số PMI tháng 11 tăng mạnh phản ánh tính cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Nhờ chi phí nhân công thấp hơn so với Trung Quốc, ngành sản xuất của Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới. Giá hàng hóa đầu vào giảm giúp chỉ số CPI toàn phần giảm xuống còn 2,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiếp tục tăng, trái ngược với các nơi còn lại trong khu vực”.

Xuân Thân (Theo VOV)
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng
Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng

Chiều ngày 07/12/2023, Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng.

Xây dựng Quy hoạch Thủ đô xứng tầm, bảo đảm tính khả thi
Xây dựng Quy hoạch Thủ đô xứng tầm, bảo đảm tính khả thi

Sáng ngày 21/11/2023, hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức diễn ra tại Hội trường Thành ủy với sự tham gia của hơn 250 đại biểu.

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Sáng 21/11/2023, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Hội trường Thành uỷ Hà Nội.