Thứ Năm, 04/07/2019 13:30

Tập trung cho mục tiêu kép

Cùng với việc triển khai đồng loạt giải pháp phòng, chống và kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, huyện A Lưới tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.

Quan tâm các hộ dân khó khăn do dịch bệnhDỡ bỏ biện pháp phong tỏa, cách ly tạm thời một số khu vực ở A LướiQuân y giúp A Lưới tầm soát dịchA Lưới cho phép nhiều trường tổ chức dạy trực tiếp từ 27/12

 Lực lượng chức năng ở A Lưới xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người dân

“Hạ nhiệt” điểm nóng, thích ứng tình hình

Đến gần cuối tháng 12/2021, có 16/18 xã, thị trấn của huyện A Lưới ghi nhận ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. Hiện, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.

Ông Dương Minh Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới cho biết, tình hình dịch bệnh tại các “điểm nóng” trên địa bàn huyện đã “hạ nhiệt” sau khoảng 2 tuần nỗ lực truy vết, tầm soát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đến 18 giờ ngày 26/12, các khu vực tại thị trấn A Lưới và xã Quảng Nhâm được dỡ bỏ biện pháp phong tỏa, cách ly tạm thời và các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ 4.

“Tín hiệu từ gần cuối tháng 12/2021 đáng mừng, nhưng dịch bệnh vẫn rất khó lường. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các lực lượng hỗ trợ của tỉnh tiếp tục tầm soát liên tục 3 ngày/lần tại các vùng đỏ. Bên cạnh đó, cũng phát huy vai trò của y tế cơ sở tầm soát những đối tượng nguy cơ cao tại các khu vực vùng vàng, cam”, ông Trí khẳng định.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các ban, ngành của huyện A Lưới đã tìm giải pháp thích ứng. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ, để đảm bảo kế hoạch dạy - học, vừa qua nhiều trường học tại A Lưới chuyển sang giảng dạy trực tuyến, một số học sinh khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất được giáo viên về nhà hoặc có giải pháp kết nối, hỗ trợ. Phương án dạy - học và thi học kỳ cho các trường ở các khu vực có nguy cơ cấp độ dịch khác nhau cũng được xây dựng cụ thể, không để ảnh hưởng kế hoạch chung của học kỳ và năm học.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay, cuối tháng 12/2021, vụ đông xuân đã gieo sạ khoảng 60%. Nhờ linh hoạt các phương án nên chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp và người dân xuống đồng kịp thời. Dự kiến đến giữa tháng 1/2022, người dân các xã, thị trấn sẽ hoàn thành gieo sạ vụ đông xuân.

Theo đại diện UBND huyện A Lưới, dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn nỗ lực cho tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Ông Hồ Văn Miên, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực A Lưới cho biết, đến nay các công trình thuộc hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia, đã hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo theo kế hoạch. Hạ tầng khu tái định cư, di dân vùng sạt lở tại xã Quảng Nhâm đạt tiến độ khoảng 50%. Riêng dự án điểm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện A Lưới đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng. “Khó khăn nhất là nguồn nhân công và vật liệu nhưng chúng tôi đã họp bàn nhiều phương án đảm bảo được tiến độ các công trình, dự án”, ông Miên thông tin.

Kiên định mục tiêu kép

Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, huyện A Lưới xác định trong năm 2022 sẽ tập trung phòng, chống và kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 gắn với thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống Nhân dân, tranh thủ nắm bắt những thời cơ mới nhằm sớm vượt qua khó khăn.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, từ những đặc trưng, khác biệt của vùng cao, địa phương xác định hai chương trình trọng điểm sắp tới cần tập trung là chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Huyện A Lưới cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án như: Đề án kinh tế tập thể giai đoạn 2018 - 2025, đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 - 2025. Bên cạnh đó, sẽ nhân rộng các mô hình hoa thương phẩm, rau sạch; phát huy lợi thế các sản phẩm như: bò vàng A Lưới, vải dèng, gạo ra dư, nếp than; thực hiện tốt đề án tái đàn lợn; thu hút đầu tư, phát triển cây trồng tập trung như chuối, cây ăn quả ở quỹ đất của nông trường cà phê bàn giao lại. Ngoài ra, cũng sẽ phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch để du khách tham quan…

Để tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, các ban, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 theo quy định, đồng thời có các phương án chủ động ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch COVID-19. Trước mắt, các ban, ngành, đơn vị của huyện sẽ tiếp tục rà soát, chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với dịch trong mọi tình huống, gắn với hoạt động, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Hoa mận trên vùng cao A Lưới
Hoa mận trên vùng cao A Lưới

Mùa này lên A Lưới, bạn vẫn có thể ngắm hoa và hái quả từ những cây mận ở nhà người dân A Lưới. Bên cạnh hoa đào, hiện, địa phương đang khuyến khích, vận động người dân trồng thêm cây mận ở một số khu vực phục vụ du lịch.