Thứ Hai, 10/06/2024 10:01

TỔ CHỨC KHÔNG GIAN TRONG QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc cụ thể hóa hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn Thủ đô về tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sử dụng đất, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc cụ thể hóa hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn Thủ đô về tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sử dụng đất, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chưa phát huy cấu trúc không gian đã xác định

Ngày 06/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1081/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với định hướng tổ chức không gian phát triển là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững; gắn quy hoạch xây dựng Thành phố với phát triển không gian của vùng Thủ đô Hà Nội, các vùng của Bắc Bộ và cả nước. Tiếp sau đó, ngày 27/7/2011, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, trong đó Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4, phía Bắc đến huyện Mê Linh, huyện Đông Anh; phía Đông đến huyện Gia Lâm, quận Long Biên và được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.

Đây là mô hình tổ chức không gian đã thành công ở nhiều nước phát triển, được đánh giá là phù hợp với đặc điểm của Hà Nội, phù hợp với thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tạo cơ hội đổi mới cấu trúc đô thị từ “đơn cực” sang “đa cực”. Sau hơn 10 năm thực hiện, không gian đô thị được mở rộng, hình thành nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại; đồng thời, quan tâm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp. Khu vực đô thị trung bình đóng góp khoảng 80% số doanh nghiệp và khoảng 90% vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hàng năm. Cơ sở hạ tầng đô thị được cải thiện theo hướng hiện đại, khang trang; giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện nghi. Nhiều khu đô thị mới hiện đại đã đẩy mạnh đầu tư trên cơ sở phát triển giao thông công cộng, hạ tầng tiện ích (thương mại, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí), cảnh quan, môi trường trong lành, tạo nhiều việc làm, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều di sản văn hóa, di tích văn hóa lịch sử, quy hoạch kiến trúc được bảo tồn, nâng cấp, nhiều không gian văn hóa đã được quan tâm đầu tư, giữ gìn bảo vệ. Đặc biệt, dự án phố đi bộ quanh Hồ Gươm được đưa vào hoạt động đã tạo điểm nhấn cho không gian văn hóa đô thị Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy chưa phát huy cấu trúc không gian đã xác định. Các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái chậm triển khai hạ tầng kết nối, chưa xác lập triển khai chính quyền đô thị thích hợp kịp thời. Tại khu vực xây dựng nông thôn mới (khu vực hành lang xanh) còn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, bảo tồn khu cảnh quan tự nhiên và đặc thù chưa kiểm soát chặt chẽ. Các vành đai xanh, nêm xanh chưa đúng chức năng. Một số khu đô thị mới còn phát triển riêng lẻ, thiếu liên kết. Các đô thị vệ tinh chưa phát triển do thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc tổ chức không gian từng khu vực thực hiện chưa quyết liệt do tăng dân số lớn trong khi việc di dời cơ sở công nghiệp bệnh viện, trường đại học… để chuyển mục đích chưa đạt kế hoạch. Khu vực Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4 chưa thu hút đầu tư, quỹ đất khai thác chưa hiệu quả.

Quy hoạch chung trước đây đã xác định các trục không gian với chức năng nổi trội như sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm Thành phố; trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa... Cùng với các trục không gian chức năng là các trục giao thông hướng tâm kết nối hệ thống giao thông và kết nối với vùng về đường bộ; như hệ thống đường cao tốc hướng tâm, các tuyến vành đai, các trục giao thông nội vùng: trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, Miếu Môn - Hương Sơn, Lê Văn Lương kéo dài, hệ thống cầu vượt sông, các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống cảng hàng không. Tuy nhiên, phần lớn các trục không gian phát triển đang triển khai đã bộc lộ một số tồn tại về quản lý và phân bố dân số. Phân bố không gian trong từng khu vực còn chậm, chưa hiệu quả để tạo lập không gian đồng bộ. Việc hình thành các trục không gian đặc thù còn chậm triển khai, chưa trở thành động lực để thu hút phát triển.

Để tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đặc thù của Thủ đô Hà Nội và chuyển hóa thách thức thành cơ hội phát triển, đòi hỏi phải có đột phá trong nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch. Cần rà soát, đánh giá được nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định đúng những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đồng thời tiếp cận đa ngành, huy động được thế mạnh, trí tuệ của Thủ đô. Phát triển không gian Thủ đô trong giai đoạn tới cần phải theo hướng đô thị xanh, bền vững, thông minh, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái và văn hóa truyền thống.

Quan điểm tổ chức không gian trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện nay đề xuất 05 quan điểm phát triển chung và 03 quan điểm về tổ chức không gian. Theo đó, tổ chức không gian Thủ đô Hà Nội tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 05 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 05 loại hình không gian: không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng, đặc biệt là không gian xanh.

Nhằm cụ thể hoá quan điểm, Quy hoạch Thủ đô nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 05 vùng phát triển kinh tế - xã hội, gồm (1) Vùng trung tâm; (2) Vùng Bắc sông Hồng; (3) Vùng Tây Nam Thủ đô; (4) Vùng phía Nam Thủ đô; (5) Vùng phía Bắc Thủ đô. Các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với 04 tuyến hành lang và 01 vành đai kinh tế, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị) để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.

Quy hoạch cần sắp xếp, phân bổ không gian phát triển hài hoà, hợp lý, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, phát triển hài hoà đô thị và nông thôn. Phát triển theo không gian chiều cao trên mặt đất tại các khu vực thích hợp, hạ thấp mật độ xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, tăng khả năng tự thẩm thấu nước bề mặt, bảo vệ không gian sông hồ và cảnh quan mặt nước, ưu tiên tập trung xử lý ô nhiễm tại các dòng sông, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khai thác không gian ngầm, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật tổng hợp, đồng bộ để phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn và là không gian phát triển các dịch vụ đô thị; phát triển hạ tầng số đi trước có độ phủ rộng toàn lãnh thổ, làm cơ sở nền tảng cho phát kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, hiện đại; mở rộng không gian các khu di tích văn hóa, lịch sử để có không gian triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa.

Mở rộng không gian phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn có lợi thế đặc thù về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử và tự nhiên để hình thành những vùng đô thị với thể chế vượt trội, có quy tắc quản lý đặc thù nghiêm ngặt, kiến tạo không gian sống và làm việc hấp dẫn, thu hút nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước xây dựng và phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, tập trung hình thành một số cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh; phát triển tập trung theo khu vực, hành lang, hạn chế phát triển lan tỏa, tự phát giữa đô thị và nông thôn; Phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình TOD xung quanh đô thị lịch sử đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Xây dựng mô hình “thành phố trực thuộc Thủ đô” xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía Tây và phía Bắc.

Đô thị trung tâm phải nhận diện đầy đủ các khu đặc thù (khu Phố Cổ, khu phố cũ, khu vực trung tâm Ba Đình, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Hồ Tây...) để quản lý không gian văn hóa truyền thống. Xác định rõ hệ thống giao thông công cộng trong tổ chức không gian Thủ đô, nhất là các tuyến đường sắt đô thị để có định hướng hợp lý phát triển không gian theo vùng, tuyến, điểm TOD thích hợp. Xây dựng trục không gian khoa học, công nghệ, giáo dục kết nối Hòa Lạc với đô thị trung tâm, khu vực phía Bắc, xây dựng trục không gian thành phố thông minh (Nhật Tân - Nội Bài). Nghiên cứu các trục giao thông xuyên tâm đã hình thành kết nối Hà Nội với vùng để tạo không gian hiện đại, đa năng. Xác định các dự án ưu tiên tại không gian hai bên Vành đai 4. Ưu tiên giai đoạn tới xây dựng trục sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm với phát triển cân đối hai bên sông, đồng thời nghiên cứu lộ trình phát triển trục cảnh quan các dòng sông khác như sông Đuống, sông Đà, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ... để đồng bộ hành lang xanh. Tổ chức không gian văn hóa truyền thống trục Ba Vì - Hồ Tây và Hồ Tây - Cổ Loa.

Trục sông Hồng và mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô là các động lực phát triển mới của Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô xác định 05 trục động lực phát triển (trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục liên kết phía Nam), trong đó điểm nhấn đặc biệt chính là trục sông Hồng - là trục không gian chủ đạo của đô thị trung tâm với đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử; các trục còn lại đều có tính chất, chức năng kết nối khu vực đô thị trung tâm với các thành phố trực thuộc Thủ đô, các khu vực đô thị vệ tinh và khu vực nông thôn, đảm nhiệm chức năng hội tụ, lan toả phát triển và kết nối, đặc biệt chú trọng kết nối các vùng văn hóa Thăng Long với văn hóa tứ trấn (xứ Đoài, Xứ Đông, Xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam), kết nối các tuyến di sản văn hóa Thăng Long với Cổ Loa, Hoa Lư, Bái Đính, Tràng An và các công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng của thời đại.

Những định hướng cụ thể ban đầu nhằm phát triển và khai thác trục không gian sông Hồng Thủ đô sẽ là xây dựng hệ thống giao thông mới dọc hai bên sông, kết hợp với việc hình thành tuyến waterbus dọc sông kết nối hai bên bờ sông Hồng một cách dễ dàng, đồng thời kết nối cảnh quan và các địa danh du lịch dọc sông. Hình thành con đường di sản và cảnh quan hai bên dòng chảy sông Hồng với định hướng là khu vực tái hiện lịch sử dân tộc, lịch sử thủ đô và quy tụ hình ảnh đất nước con người Việt Nam; nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa - nghệ thuật ngoài trời; hình thành không gian công cộng kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ và lưu trú cho khách du lịch. Điểm nhấn trên trục sông Hồng là cầu Long Biên sẽ được cải tạo nguyên trạng ban đầu, dừng khai thác cơ giới và chuyển thành không gian đi bộ, biểu diễn, triển lãm, tổ chức sự kiện văn hóa, festival du lịch, công trình kiến trúc điển hình thời kỳ mới của Hà Nội. Bên cạnh đó, khôi phục các công trình kiến trúc tâm linh có yếu tố lịch sử dọc sông Hồng như hệ thống các đền, chùa của nền văn minh sông Hồng, làm giàu hóa các sản phẩm du lịch có thể quảng bá trên toàn thế giới.

Cải tạo khu khu dân cư hiện hữu, bảo đảm chất lượng sống khu dân cư hai bên sông. Xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở Dự án quy hoạch hai bên sông Hồng. Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư. Nghiên cứu bổ sung xây dựng thêm cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối các tuyến đường khu vực Bắc - Nam sông Hồng. Sông Hồng sẽ là dòng chảy giữa lòng Thành phố, với sự hình thành đô thị hai bên bờ sông Hồng, “thành phố quay mặt ra sông”, tạo nên diện mạo mới của Thủ đô khang trang, hiện đại, hài hòa với không gian văn hóa và lịch sử.

Xây dựng mô hình 02 thành phố trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển mới của Thủ đô với 05 yếu tố cốt lõi: (i) Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; (ii) Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho phát triển; (iii) Nơi đáng sống, đáng cống hiến (người dân hạnh phúc, cộng đồng vững mạnh, môi trường sống an toàn, lành mạnh); (iv) Thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; (v) Kết nối toàn cầu.

- Thành phố phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn): dự kiến là khu vực đô thị dịch vụ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và logistic), công nghiệp công nghệ cao với các ngành điện tử, bán dẫn, có tính kết nối quốc tế cao, tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo. Khu vực được hỗ trợ bởi các cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù vượt trội để phát triển các mô hình đô thị xanh, thông minh, hiện đại nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của cả nước đến xây dựng trụ sở, phát triển sản xuất kinh doanh. Phát triển không gian đô thị theo mô hình TOD, đô thị 15 phút, khai thác trọng tâm sân bay quốc tế Nội Bài, trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài, gắn với bảo vệ và phát huy hệ thống mặt nước sông Hồng, sông Thiếp, sông Cà Lồ, các di sản khu di tích Cổ Loa, di tích hiện có trên địa bàn.

- Thành phố phía Tây (khu vực Hoà Lạc, Xuân Mai): dự kiến là khu vực đô thị KHCN - đại học, trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia với Khu công nghệ cao Hoà Lạc là hạt nhân. Xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, với các dịch vụ, tiện ích công cộng hiện đại, chất lượng cao, tạo môi trường hấp dẫn thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến sinh sống, cống hiến và làm việc.

Tổ chức không gian Thủ đô trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nhận diện rõ hơn các kết quả đã thực hiện trong thời gian qua, lựa chọn trọng điểm trong tổ chức không gian, diện mạo đô thị, các khu đặc thù, các trục không gian tiêu biểu. Trong tương lai, khi các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện, trục sông Hồng và 02 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội sẽ là khu vực có tiềm năng, động lực phát triển mới, nghiên cứu khai thác, tác động mạnh mẽ để tạo sự đột phá và lan toả, phát triển Thủ đô xứng tầm với khu vực và thế giới, có dấu ấn đặc thù về bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống./.

Dương Thu Phương (Tổng hợp)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng
Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng

Chiều ngày 07/12/2023, Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng.

Xây dựng Quy hoạch Thủ đô xứng tầm, bảo đảm tính khả thi
Xây dựng Quy hoạch Thủ đô xứng tầm, bảo đảm tính khả thi

Sáng ngày 21/11/2023, hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức diễn ra tại Hội trường Thành ủy với sự tham gia của hơn 250 đại biểu.

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Sáng 21/11/2023, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Hội trường Thành uỷ Hà Nội.