Thứ Bảy, 28/12/2019 09:12

Trợ lực phát triển doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng góp nhiều hơn và khẳng định vị thế là động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi sự quan tâm, trợ giúp nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Có như vậy, lực lượng này mới phát triển mạnh mẽ, tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, tương xứng với vai trò, vị trí trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệpỨng phó thách thức đứt gãy chuỗi cung ứngThúc đẩy đầu tư công: Khó đến đâu gỡ đến đóTạo gắn kết trong công nhân lao động

Trợ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Trong ảnh: Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Những điểm yếu cần khắc phục

Hiện cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, đóng góp hơn 40% Tổng sản phẩm nội địa (GDP), 30% ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động. Doanh nghiệp tư nhân đã vươn tới nhiều lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn, như sản xuất ô tô, xi măng, thép, xây dựng đô thị thông minh, hàng không… Trong đó, có 29 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD và một số “cánh chim đầu đàn” với quy mô, tiềm lực tầm khu vực, khẳng định thương hiệu như Sun Group, Hòa Phát, Vingroup…

Song, đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp đang sử dụng dây chuyền sản xuất lạc hậu, công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều năng lượng, năng lực quản trị cũng hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn điều hành theo kinh nghiệm mà chưa cập nhật thông tin cũng như diễn biến thị trường, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý, thiếu kiến thức về pháp luật, tài chính… Đó là nguyên nhân gây lúng túng, dẫn đến thất bại trên thương trường.

Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, những năm gần đây, doanh nghiệp tư nhân có nhiều đóng góp đối với đất nước. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp tư nhân cũng bộc lộ những tồn tại chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Đó là tình trạng lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị, nhất là thiếu vốn (vốn trung bình dưới 20 tỷ đồng/ doanh nghiệp). Đáng lưu ý, sức lực của doanh nghiệp bị bào mòn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp suốt 2 năm qua.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, do gánh chịu khó khăn liên tục, “sức khỏe” nhiều doanh nghiệp dần suy kiệt và một bộ phận đã rút lui khỏi thị trường, rất cần sự hỗ trợ có hiệu quả trong thời gian tới.

Giải pháp đồng bộ, thiết thực

Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân tương xứng với vai trò, vị trí của mình trong thời hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh đã và đang cải thiện rõ nét, là điểm tựa cho doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2023. Trong đó, phần hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng. Đây là động thái giúp các doanh nghiệp tư nhân hồi sinh sau 2 năm vật lộn với đại dịch.

“Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là động thái kịp thời và thiết thực đối với doanh nghiệp tư nhân. Chính sách này có độ lan tỏa rất rộng, tác dụng rõ ràng. Việc sẵn sàng thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay 2% cũng là điều kiện tốt để nhân lên niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp”, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận.

Đáng mừng là, từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp tư nhân đang phục hồi rõ nét với 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, tổng cầu xã hội tăng lên, kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp. Nhằm gia tăng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, thông qua chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo.

Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vũ Quốc Huy cho biết, năm 2021 các công ty khởi nghiệp của Việt Nam thu hút được khoản đầu tư 1,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

“Con số này cùng với đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế cho thấy sự công nhận rõ ràng hơn về tiềm năng của Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn lên một tầm cao mới, chúng tôi kỳ vọng các khoản đầu tư này sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới”, ông Vũ Quốc Huy nhận định.

Tại Nghị quyết số 54/NQ-CP (ngày 12-4-2022) của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp. Định hướng này mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp tư nhân, đưa khu vực này đóng góp 55% GDP bên cạnh việc tạo nguồn thu, việc làm cho xã hội.

Về giải pháp, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các cấp, các ngành luôn nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn lực, tạo chính sách, thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu quan trọng là ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cấp dây chuyền sản xuất… Với nhiều sự trợ lực mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, tăng cả về lượng và chất.

Theo hanoimoi.com.vn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt
Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022 cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019, với 69 đường bay đã được tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vậy, nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.