Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy xi măng Đồng Lâm
Tự động hóa từ cấp liệu đến ra sản phẩm
Cách đây không lâu, khi tham quan nhà máy, ông Phạm Phước Hiền Hoà, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất Công ty CP Xi măng Đồng Lâm đưa chúng tôi đến khu vực lò quay. Đây được xem là trái tim nhà máy, chỉ cần nhìn lò quay chuyển động là biết được nhà máy đang hoạt động.
Nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ dựa trên công nghệ lò quay tiên tiến. Các thiết bị hiện đại với hệ thống tự động hóa cao, các thiết bị được điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, các khâu sản xuất đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo về chất lượng. Toàn bộ dây chuyền đều được trang bị thiết bị lọc nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và vệ sinh trong sản xuất công nghiệp.
Về quy trình sản xuất, từ khu vực mỏ đá, đá vôi được vận chuyển về nhà máy bằng ô tô qua đường nội bộ và đổ vào phễu chứa và được hệ thống băng tải cấp vận chuyển lên nhà đồng nhất đá vôi. Tại đây, đá được đồng nhất theo phương pháp rải luống, lớp. Sét sau khai thác, vận chuyển về được đổ vào phễu tiếp nhận đến máy cán sét cán mịn; sau đó vận chuyển lên nhà đồng nhất, đồng nhất theo phương pháp rải luống, lớp, bằng rô bốt rải liệu và theo băng tải vận chuyển đến silô chứa và định lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Nhật Hoàng, Quản đốc Phân xưởng điện, quá trình rải liệu được thực hiện bởi rô bốt nên đảm bảo được các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả làm việc cao. Các nguyên liệu tại các silô định lượng được cấp vào máy nghiền bằng hệ thống cân bằng định lượng điện tử theo đơn hàng.
Hệ thống máy giám sát sẽ điều chỉnh năng suất, các thành phần phối liệu và được băng tải chung vận chuyển lên máy nghiền. Các công đoạn tiếp theo cũng được tự động hoàn toàn. Con người chỉ điều khiển thông qua hệ thống máy điều khiển, giám sát, phần còn lại được hệ thống rô bốt và máy móc thực hiện.
Tiến đến tự động hóa hoàn toàn
Việc vận hành một dây chuyền đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các công đoạn và các bộ phận. Nguyên liệu đầu vào, nhiệt độ và độ ẩm môi trường… cũng có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của dây chuyền nên không thể đưa ra một nguyên tắc cứng nhắc và bất biến cho quy trình công nghệ. Người vận hành sẽ phải chủ động, linh hoạt trong việc vận hành dây chuyền.
Hiện quy trình công nghệ tại nhà máy đều đã tự động. Tuy nhiên, khâu đóng bao và vận chuyển vẫn chưa tự động hoàn toàn. Hệ thống sản xuất chỉ thực hiện đến khâu xuất bao. Nghĩa là, khi xi măng hoàn thành các công đoạn phối trộn… tới công đoạn đóng bao, người vận hành phải tiến hành đếm bao, cài đặt số lượng bao thông qua số lượng hàng cần xuất vào hệ thống. Máy sẽ tự động đóng bao trên cơ sở nguồn dữ liệu nhập và theo hệ thống băng tải đưa thành phẩm ra vị trí xuất. Tại đây công nhân sẽ bốc xi măng và đưa lên xe.
Theo ông Nguyễn Văn Nhật Hoàng, năm 2019, công đoạn này sẽ được tự động hoàn toàn. Khách hàng khi có nhu cầu mua xi măng sẽ được Xi măng Đồng Lâm cấp mã và thẻ mua hàng (thông tin người mua, số lượng, giờ xuất…). Khi vào nhập hàng, người mua chỉ cần quẹt thẻ và cho xe di chuyển vào khu vực nhận hàng. Quá trình đóng bao cũng được tự động thông qua dữ liệu khách hàng, máy sẽ tự động đếm bao và phân phối đúng số lượng, chủng loại. Qua hệ thống băng chuyền, xi măng sẽ được chuyển ra đủ số lượng cần xuất lên xe, không cần công nhân bốc xếp.
Công đoạn này khi được tự động sẽ giảm rất lớn chi phí nhân công, thời gian xuất hàng; ngoài ra còn đảm bảo được sức khỏe cho công nhân bởi những công đoạn này khá vất vả.
Nếu lò quay được ví là trái tim nhà máy thì trung tâm điều khiển lại được ví là não bộ điều khiển hoạt động nhà máy. Các kỹ sư liên lục theo dõi hoạt động của hệ thống vận hành.
Mọi thông số kỹ thuật được người vận hành nhập vào hệ thống và theo dõi quá trình máy móc thực hiện. Toàn bộ quá trình sản xuất của nhà máy được thực hiện tự động hoá ở mức độ cao và điều khiển tập trung, đồng thời cho phép điều chỉnh kịp thời các thông số khi chất lượng của sản phẩm thay đổi hoặc khi có sự cố bất thường xảy ra. Vì thế, ngoài công nghệ hiện đại thì năng lực và kinh nghiệm quản lý vận hành cũng là yếu tố quyết định thành công của toàn dây chuyền.
Công ty CP Xi măng Đồng Lâm đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 1 dây chuyền sản xuất clinker công suất 5.000 tấn/ngày đêm, tương ứng với sản lượng xi măng xấp xỉ 2 triệu tấn/năm ở giai đoạn một. Dự kiến năm 2019, công ty sẽ triển khai giai đoạn 2, công suất nhà máy sẽ tăng gấp đôi, đạt 10.000 tấn clinker/ngày, tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm. Với giai đoạn 2 này, hệ thống máy móc sẽ được đầu tư đồng bộ hiện đại và tự động hóa hoàn toàn.
Bài, ảnh: Hoàng Loan