Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines
Theo ông Vũ Đức Biên, Cố đô Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, điểm đến có tính khác biệt và đó là lý do mà Vietravel mong muốn đầu tư thêm nhiều dịch vụ để tạo sức hút cho Huế. Ngược lại, khi Huế hấp dẫn, thu hút được khách, Vietravel cũng tăng cơ hội phát triển.
Được biết, chuyến bay thương mại đầu tiên của Vietravel Airlines sẽ được thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như thế nào thưa ông?
Máy bay thứ nhất của chúng tôi đã về Việt Nam để chuẩn bị hoàn tất các thủ tục cấp phép của Cục Hàng không. Sau khi chúng tôi nhận giấy phép nhà vận hành tàu bay AOC và nhận các slot bay (quãng thời gian cơ quan quản lý hàng không cấp để thực hiện việc cất cánh và hạ cánh các chuyến bay), máy bay thứ 2 sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 12 và máy bay thứ 3 trong tháng 1/2021.
Sau khi đưa máy bay về nước, phải triển khai các bước xin chứng chỉ khai thác tàu bay, để nhà chức trách hàng không kiểm tra, kiểm định trước khi đưa vào khai thác thương mại chính thức. Trong 2 ngày, 21 và 22/12, Vietravel Airlines đã thực hiện các chuyến bay theo yêu cầu. Sau khi cấp phép và ra mắt thương hiệu, hãng sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2021.
Kế hoạch của Vietravel Airlines là sẽ bay trung bình 80 chuyến bay mỗi tuần, tăng chuyến trong tháng cao điểm 1/2021 và trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu du lịch và di chuyển rất lớn của người dân. Vietravel Airlines đặt mục tiêu năm thứ nhất sẽ phục vụ 1 triệu lượt khách.
Ông có thể nói về lý do Vietravel Airlines lại chọn đặt trụ sở chính ở Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài?
Huế là Cố đô và là điểm đến du lịch đang phát triển, đặc biệt hạ tầng ở sân bay đang tiếp tục đầu tư phát triển. Vietravel Airlines chủ yếu phục vụ khách du lịch, nên chúng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển trong tương lai.
Việc chọn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài làm “căn cứ” giúp đón luồng khách du lịch khu vực Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng - Hội An qua Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, giúp giảm tải cho Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng hiện nay. Ngoài ra, với việc chọn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài làm sân bay “căn cứ” sẽ không tạo áp lực lên các Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, được xem là khá chật chội trong thời điểm hiện nay.
Hiện có nhiều hãng hàng không đang khai thác hiệu quả ở Việt Nam nên cạnh tranh là khó tránh khỏi, nhất với hãng hàng không mới như Vietravel Airlines.Theo ông, liệu thị phần của Vietravel Airlines có thể sánh bằng các hãng hàng không lớn?
Thật ra, mở hãng hàng không trong giai đoạn COVID-19 này rất là khó khăn. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao Vietravel cho ra đời hãng hàng không trong giai đoạn rất nhiều hãng hàng không trong nước và quốc tế gặp khó khăn. Song COVID-19 rồi cũng qua đi, chúng tôi hy vọng vào khoảng quý III, năm 2021 sẽ có vaccine và cả thế giới sẽ kiểm soát được dịch bệnh này.
Cũng phải khẳng định thêm, đề án của chúng tôi không phải trong 6 tháng hay 1 năm, mà là 50 năm. Điều rất thuận tiện cho một công ty hàng không mở ra là khai thác được thị trường. Hiện nay, Vietravel đã có hàng triệu du khách mỗi năm, đó là nền tảng và tiền đề để Vietravel Airlines phát triển.
Về cạnh tranh, tôi nghĩ rằng tất cả mọi ngành dịch vụ đều có sự cạnh tranh. Việt Nam có 4 hãng hàng không và giờ thêm Vietravel Airlines là 5. Nhìn sang các ngành khác, như du lịch có hàng chục ngàn công ty, doanh nghiệp vẫn duy trì tốt. Việt Nam có đến 100 triệu dân mà có 5 hãng hàng không nên sự cạnh tranh là không lớn và Vietravel Airlines rất tự tin về khả năng phát triển khi có thương hiệu và dòng khách chuyên biệt.
Vietravel Airlines ra đời cùng tham gia vào các hãng hàng không của Việt Nam, tạo thành hiệp hội các hãng hàng không lớn mạnh, đủ sức để cạnh tranh với các hãng hàng không khác trên thế giới; liên kết cùng phát triển ngành hàng không để lấy thị phần khách về cho đất nước chúng ta. Đây mới là điều quan trọng chứ không chỉ nghĩ đến cạnh tranh.
Hãng hàng không đến sau luôn phải cố gắng nhiều hơn những hãng đang hoạt động, bằng cách mang đến đội máy bay mới và hiện đại hơn, cung cấp dịch vụ khách hàng tại mặt đất và trên máy bay chuẩn mực hơn. Và người được hưởng lợi sẽ là khách hàng. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để tạo dựng sự tin tưởng, thoải mái và hài lòng cho hành khách của Vietravel Airlines.
Chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế rất kỳ vọng Vietravel Airlines sẽ hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng thời gian đến. Ông có thấy áp lực về điều đó?
Vietravel Airlines ra đời giúp Vietravel hoàn thành hệ sinh thái dịch vụ du lịch của mình tại Thừa Thiên Huế: Có nhà hàng, khách sạn, điểm nghỉ dưỡng và hàng không. Điều này giúp Vietravel tạo ra sự thuận tiện, chủ động để tạo ra các gói sản phẩm cạnh tranh và có chất lượng tốt nhất cho khách hàng.
Vietravel khẳng định, mục tiêu của hãng là phát triển điểm đến cho Huế. Công ty sẽ chủ động tăng cường quảng bá, tìm kiếm nguồn khách, giúp Huế xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao hơn của du khách.
Cùng với sự chủ động từ phía doanh nghiệp, khi Huế xây dựng thêm nhiều sản phẩm phù hợp, tạo điểm đến năng động, đa dạng các dịch vụ, đặc biệt là những sản phẩm hướng đến phục vụ những dòng khách mà Hãng hàng không Vietravel Airlines muốn hướng đến, khi đó, cơ hội phát triển của hãng nhiều hơn. Chỉ khi hai yếu tố trên cùng được thực hiện song song, du lịch Huế phát triển.
Việc hợp tác giữa Vietravel với tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu từ rất lâu. Đặc biệt khi Vietravel triển khai dự án hãng hàng không, từ những ngày đầu tiên, hai bên đã phối hợp để triển khai cho đến ngày hôm nay, khi chuyến bay thương mại đầu tiên sắp cất cánh... Chúng tôi vô cùng xúc động khi tỉnh đã cử một nhóm chuyên trách để giúp Vietravel Airlines trong quá trình thực hiện. Trong quá trình đó có sự bàn bạc, chia sẻ, góp ý rất nhiều trong định hướng phát triển của hãng.
Xin cảm ơn ông!
ĐỨC QUANG (Thực hiện)