Chủ Nhật, 19/05/2019 06:06

Vụ cá Bắc trong trăm ngàn thứ khó

Xăng dầu tăng giá, trong khi giá cả các loại hải sản chưa có dấu hiệu cải thiện, cùng với đó là thời tiết bất lợi khiến ngư dân đứng trước nhiều khó khăn khi vụ cá Bắc bắt đầu.

Đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới“Ghim hàng” thủy sản nuôi: Tiềm ẩn nhiều rủi roHàng nông, lâm, thủy sản xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USD

Tàu cập bờ tại Cảng cá Thuận An

Vụ cá Bắc khởi điểm từ tháng 10, kết thúc vào tháng 3 âm lịch. Tiết trời Huế vào khoảng thời gian này mưa lạnh, chưa kể hàng năm, nhiều cơn bão nối đuôi nhau tiến vào bờ. Ấy vậy mà với ngư dân, lúc nước biển trở nên lạnh đồng nghĩa với việc có cơ hội đánh bắt được nhiều loại cá có giá trị cao.

Ngư dân Phạm Công Quang (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) nhớ lại mấy năm trước, trong vụ cá Bắc, con tàu hơn 800CV của ông thu được nhiều mẻ cá thu, cá ngừ giá trị cao. Ông Quang cho rằng, dù sản lượng không bằng vụ cá Nam nhưng xét về giá trị, các loại cá vụ Bắc cao hơn, thậm chí thuộc vào loại xuất khẩu.

Dòng nước mùa này lạnh hơn, nên để đánh bắt, ngư dân cũng phải dong buồm vượt sóng khơi hơn thường nhật. Nghề đánh bắt cũng thay đổi bằng lưới rê đáy hoặc rê bùng nhùng...

Mấy chục năm trước, vươn khơi vụ cá Bắc tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi những thiết bị, công nghệ đánh bắt chưa hoàn thiện như bây giờ. Mùa biển hay động, ngư dân muốn đi biển phải “nhìn trời đoán nước”.

Thời điểm này, khi vụ cá Bắc vào mùa, thời tiết cũng chuyển xấu. Ngư dân đi biển phải tận dụng những lúc trời yên, gió lặng. Trên bờ, dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, việc lưu thông hàng hóa, thủy sản còn nhiều khó khăn. “Vụ này chúng tôi chủ yếu đánh bắt các loại cá xuất khẩu, song dịch bệnh chưa biết hải sản có lưu thông thuận lợi hay không”, ông Quang lo lắng.

Với ngư dân hiện giờ, không chỉ đầu ra khiến họ vướng bận. Các chi phí đầu vào như nguyên, nhiên liệu cũng đang ở mức cao tạo ra trở lực không hề nhỏ. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu tăng đến hơn 50% đang khiến nhiều con tàu ngại ngần khi vươn khơi. Dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ xăng dầu hàng năm cho ngư dân nhưng việc xoay vòng nguồn vốn sau vụ cá Nam không mấy thành công khiến niềm tin như bị tổn thương.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi tại Cảng cá Thuận An

“Vụ cá Nam vào thời điểm trời thuận cũng khó tìm được bạn tàu huống chi là cá vụ Bắc. Thời tiết xấu, nhiều tàu cá khó tìm được lao động để đủ vươn khơi. Ngoài ra, sau vụ cá Nam, tàu cá cũng phải cải hoán, sửa chữa, nên phát sinh nhiều chi phí. Trong khi đó, giá dầu ở mức cao nên nhiều người lo lắng”, ông Nguyễn Thành (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) chia sẻ.

Theo tìm hiểu, hàng năm, số lượng tàu cá vươn khơi vụ Bắc thấp hơn hẳn so với vụ Nam. Bên cạnh những khó khăn nội tại, thói quen nghỉ đông của tàu cá tại các địa phương khi vào mùa mưa lạnh như đã thành thông lệ. Dù vậy, ở các bến cảng, lúc trời thuận, tàu cũng vươn khơi.

“Đối với đánh bắt cá vụ Bắc, chúng tôi phải theo dõi thường xuyên thời tiết. Thời điểm đánh bắt thuận lợi nhất là sau bão tan hay kết thúc các đợt gió mùa đông bắc. Dù khó khăn nhưng chúng tôi không thể bỏ vụ cá này bởi nếu may mắn thì thu nhập từ vụ này sẽ rất cao”, ông Thành nói.

Biết là khó nên thời gian qua, chính quyền các địa phương thường xuyên động viên ngư dân bám biển vươn khơi. Thông tin từ UBND xã Phú Thuận, những tháng gần đây, sản lượng đánh bắt của ngư dân đã cải thiện. Từ đầu năm đến nay, tàu cá tại địa phương đã đánh bắt đạt sản lượng khoảng 4.500 tấn.

“Lúc khó khăn, chúng tôi càng phải gần gũi, động viên ngư dân. Ngoài việc thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết đến ngư dân, chúng tôi còn khuyến cáo người dân phải đảm bảo an toàn về phòng dịch trên bờ lẫn trên biển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm phương án để kết nối sản phẩm ngư dân với các cá nhân, tổ chức thu mua”, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 450 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất từ 90CV đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Việc khai thác biển dù gặp nhiều khó khăn nhưng không đứt đoạn, dư địa đánh bắt cũng ngày càng mở rộng.

“Dù nghỉ đông nhưng cũng trong thời điểm cá vụ Bắc, nhiều tàu cá cũng mạnh dạn vươn khơi. Ngoài kịp thời thông tin những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến ngư dân, thời điểm COVID-19, chúng tôi thường xuyên khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường. Trước và trong quá trình đánh bắt, các chủ tàu cũng cần có phương án kết nối với đầu mối tiêu thụ để không rơi vào tình trạng bị động khi cập bờ”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: L.Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Sau hơn 5 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, 28 tỉnh ven biển trong cả nước vẫn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức trong khai thác hải sản tuân thủ quy định pháp luật. Bằng sự đồng lòng của các cơ quan, đơn vị, cùng với lực lượng biên phòng, nghề cá đã đồng loạt thực hiện chống khái thác bất hợp pháp, không theo quy định trong năm 2023.

Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật
Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

Không chỉ cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, các hoạt động của dự án CBM (Community – Based Rehabilitation) giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.

Thêm “cần câu” cho người lao động
Thêm “cần câu” cho người lao động

Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức, lao động nghèo (Quỹ Trợ vốn) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nhiều gia đình đoàn viên công đoàn đã có thêm cần câu, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.

Phú Hải phấn đấu năm 2023 khai thác đạt sản lượng trên 4 000 tấn
Phú Hải phấn đấu năm 2023 khai thác đạt sản lượng trên 4.000 tấn

Ngày 8/2, UBND xã Phú Hải (Phú Vang) tổ chức lễ xuất quân đánh bắt cá năm 2023, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển của ngư dân địa phương, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Sau lễ xuất quân, hàng chục tàu công suất ra khơi đánh bắt.