Chủ Nhật, 14/09/2014 13:31

"Giành" lại người đọc

Ở Thư viện Tổng hợp tỉnh, người đi xây dựng phong trào đọc tại cơ sở đa số là phụ nữ. Họ không quản ngại đường xa, thời tiết bất thường, chỉ cần thấy nhiều người mê sách thì mệt mỏi dường như tan biến.

Một hoạt động khơi dậy văn hóa đọc ở A Lưới

Xây dựng phong trào

Trở về sau chuyến đi A Lưới lúc chập choạng tối, chị Trương Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Xây dựng phong trào, Thư viện Tổng hợp tỉnh cùng đồng nghiệp vẫn rạng rỡ. Dù có ô tô đưa đón nhưng đường xa, phải thức dậy sớm, tự tay bốc vác hàng trăm quyển sách khiến thể lực họ giảm sút. Chị Nhàn phấn khởi: “Lần này học sinh ở A Lưới đến đọc sách đông lắm, nhiều em mê đến nỗi đến xin sách. Vui nên quên mệt”.

Từ khi Phòng Xây dựng phong trào đi vào hoạt động (đầu năm 2016), việc luân chuyển sách, báo về cơ sở trở nên sôi nổi. Năm 2016, Phòng Xây dựng phong trào luân chuyển sách, báo phục vụ tại hơn 30 điểm, như: các điểm bưu điện văn hóa xã, trại giam Bình Điền, đồn biên phòng, các vùng sâu, vùng xa,…

Nhận được sự giúp đỡ ở các địa phương, song đa phần cán bộ thư viện các huyện, thị đều kiêm nhiệm nên gặp khó khăn khi phối hợp luân chuyển sách phục vụ tại cơ sở. Chương trình thường khai mạc lúc 7h30 sáng. Ở những địa điểm xa, như A Lưới, Nam Đông, thủ thư phải dậy chuẩn bị từ sớm để 5h sáng khởi hành. Có lần đi A Lưới, thời tiết “trêu” người, hết chuyển nắng lại mưa khiến việc trưng bày, bảo quản sách vất vả.

Lượng sách ít cũng là một khó khăn trong việc thu hút người đọc, đòi hỏi các thủ thư phải nỗ lực nhiều hơn. Do kinh phí hạn hẹp, các thư viện tuyến huyện, thị ít được bổ sung sách mới. Kho sách lưu động tỉnh hiện tại cũng chỉ có gần 21.700 bản, trong khi việc luân chuyển rất nhiều địa điểm, mỗi điểm cần ít nhất đến 200 bản sách. Để thu hút người đọc, các cán bộ thư viên phải tăng cường về cơ sở. “Chúng tôi muốn gặp trực tiếp người đọc nhiều hơn để tổ chức các ngày hội, trò chuyện nắm tâm tư, từ đó biết được họ cần gì để phần nào đáp ứng. Ai cũng chấp nhận cực khổ, tìm tòi cái mới, hình thức sinh động để tác động đến bạn đọc thói quen đọc sách”, chị Nguyễn Thị Cúc Anh, cán bộ Phòng Xây dựng phong trào nói.

Trong ký ức của chị Nhàn cùng đồng nghiệp, niềm vui thấy người mê sách là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Chị Nhàn kể, đợt triển khai chương trình ở thị trấn A Lưới, người đọc đến rất đông. Các em học sinh chăm chú, hăng say đọc. Ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh chia sẻ: "Văn hóa đọc đi xuống khiến công việc của những người “giành” lại bạn đọc vất vả hơn nhưng ai cũng xung phong, nhiệt tình đi cơ sở. Nhiều lần, nét mặt của họ lúc đi và về rất khác nhau, khi đi thì hào hứng, nhưng khi về họ buồn vì tâm huyết, công sức họ bỏ ra nhiều nhưng kết quả chưa tương xứng. Từ nỗi buồn họ lại trăn trở làm sao để chương trình sau hiệu quả hơn".

Tín hiệu vui

Hiện nay, ngoại trừ thư viện Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền) có lượng bạn đọc tương đối ổn định, hầu hết thư viện còn lại đều chung tình trạng “chờ” người đọc, đây là thực trạng chung của cả nước do có quá nhiều loại hình giải trí, nghe nhìn nên lượng bạn đọc bị chia sẻ.

Một thực tế, các tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng tuy có quy mô nhỏ song lại thu hút được lượng bạn đọc tại địa phương, từ đó họ quan tâm hơn đến mô hình này. Hiện nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã luân chuyển sách, báo phục vụ ở 5 tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng tại hai huyện Quảng Điền và Phong Điền. Theo chị Nhàn, đây là một hướng đi tốt trong việc khơi dậy văn hóa đọc. “Một số tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng hoạt động rất tốt, như: tủ sách ông Văn Hào (thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), tủ sách ông Văn Đình Tiến (thôn Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền). Dù không có chế độ tiền lương và sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác, nhưng họ vẫn tâm huyết, bỏ công bỏ của, tình nguyện khơi dậy niềm đam mê đọc sách ở các vùng quê và được người đọc ủng hộ. Đây là niềm khích lệ với chúng tôi và cũng là một tín hiệu đáng mừng”, chị Nhàn nói.

Sau khi chương trình mục tiêu quốc gia cắt nguồn hỗ trợ sách cho các thư viện (năm 2014), cuối năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí nguồn vốn 45 triệu đồng cho mục tiêu cấp sách kho lưu động thư viện tỉnh, lượng sách này đưa vào phục vụ từ năm 2017. Tuy nguồn kinh phí không nhiều, song phần nào giải quyết vấn đề thiếu sách mới. Chia tay chúng tôi, chị Nhàn tin tưởng, bây giờ đường sá khang trang, sự vất vả của người đi xây dựng phong trào đọc cũng vơi bớt. Ai đã “bén duyên” với nghề thì đều đam mê, dấn thân vào hành trình giành lại độc giả.

Năm 2016, Phòng Xây dựng phong trào, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã luân chuyển 7.620 đầu/7.620 bản sách, báo, phục vụ ở các điểm trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút trên 10.000 lượt bạn đọc.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 10 300 bài dự cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc
Hơn 10.300 bài dự cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc

Thông tin trên được Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” và cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 “Sách Khát vọng và ước mơ”, vào sáng 9/12.

Làm bạn cùng sách
Làm bạn cùng sách

Nếu thiết bị điện tử ngày càng khiến nhiều em học sinh bị phân tán sự tập trung, thì những “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… lại thu hút các bạn nhỏ đến một thế giới tuổi hoa hấp dẫn khác, mà ở đó, sách là “cánh cửa” không gì thay thế được.

Sách thật, sách giả
Sách thật, sách giả

Tôi có thói quen đọc sách và luôn chọn những cuốn “best seller” (tạm dịch là bán chạy nhất) mọi thời đại.

Đọc  xem Thanh Tùng phỏng vấn
Đọc & xem Thanh Tùng phỏng vấn

Nhà báo Thanh Tùng vừa ra mắt cuốn PHỎNG VẤN, giấp phép của NXB Thuận Hóa. Sách gần 200 trang, tập hợp gần 30 bài phỏng vấn, hầu hết đã in trên báo Thừa Thiên Huế và báo Tiền Phong. Bài xưa nhất là bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải (1993); bài mới nhất phỏng vấn nữ doanh nhân Cecile Le Pham (tháng 10/2022), khi chị đang chuẩn bị khai trương Bảo tàng Mỹ thuật ngoài công lập.