Thứ Tư, 12/02/2014 14:07

“Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, 25 năm một hành trình” – một công trình quý giá

Đây là công trình thiết thực kỷ niệm 25 năm thành lập của Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế (1991 – 2016). Sách dày 693 trang, tập trung vào những vấn đề chung về văn hóa dân gian, văn hóa vật chất, văn hóa phi vật thể, âm nhạc và diễn xướng dân gian, tín ngưỡng dân gian và văn hóa làng xã trên mảnh đất Cố đô.

Trong suốt 25 năm hoạt động, Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế đã ấn hành 22 tập “Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế”, tập trung vào các vấn đề: văn học dân gian, văn hóa ẩm thực, nghề và làng nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, sân khấu dân gian, mỹ thuật - kiến trúc dân gian, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ dân gian, văn hóa truyền thống làng xã, văn hóa cung đình, trang phục – trang sức cổ truyền, âm nhạc dân gian… Điều đáng nói, tuy các tập nghiên cứu này chỉ lưu hành nội bộ, nhưng đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu học thuật cả nước, bởi những nội dung chuyển tải đều mang dấu ấn sâu đậm của vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử truyền thống. Công trình này chọn lọc những bài viết tiêu biểu từ trong các tập nghiên cứu đó làm nên tập sách, dĩ nhiên đã mang nội hàm chất lượng cao.

Sách chia làm bốn phần. Phần một, về những vấn đề chung, đáng chú ý có các nghiên cứu “Dấu ấn của di sản văn hóa truyền thống ở Huế” (Nguyễn Xuân Hoa), “Không gian văn hóa Huế” (Lê Hồng Lý), “Huế trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa” (Tô Ngọc Thanh), “Về di sản văn hóa dân gian xứ Huế” (Trần Quốc Vượng), “Folklore trong văn hóa xứ Huế” (Ngô Đức Thịnh)… Phần hai, tập trung các nghiên cứu về văn hóa vật chất Huế, đề cập đến sự biến đổi của kiến trúc nhà vườn Huế, các kiến trúc nổi tiếng như vườn An Hiên, di tích Thành Lồi…; chuyện ăn chuyện uống ở Huế… Phần ba tập trung các nghiên cứu về văn hóa phi vật thể Huế; đáng chú ý là các nghiên cứu về văn hóa dân gian (Nguyễn Chí Bền, Phan Thị Đào…); “vè” (Tôn Thất Bình); các so sánh ca dao giữa Huế và các vùng khác (Nguyễn Xuân Kính, Triều Nguyên, Lê Thị Bích Lộc…); văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Ka Tu, Tà Ôi (Trần Nguyễn Khánh Phong, Kê Sửu, Lê Anh Tuấn…). Phần bốn, âm nhạc và diễn xướng dân gian, nghiên cứu về ca Huế (Vĩnh Phúc, Võ Quê), các làn điệu hò Huế (Thái Hùng, Huỳnh Đình Kết), trò chơi dân gian (Trần Tuấn Anh, Nguyễn Thị Tâm Hạnh…); múa dân gian (Nguyễn Thế)… Phần năm, chủ đề tín ngưỡng dân gian và văn hóa làng xã tập trung nhiều nghiên cứu về lễ tế các làng xã (Nguyễn Phước Bảo Đàn, Trần Đình Hằng, Lê Thọ Quốc, Dương Phước Thu, Trần Văn Tuấn, Trần Đại Vinh…); Thờ Mẫu (Ngô Thời Đôn, Trần Thu Hà); lễ tế Âm hồn Thất Thủ Kinh Đô (Tôn Thất Bình)…

Trên bình diện chung về văn hóa dân gian truyền thống xứ Huế, các tác giả đã nhấn mạnh đến vai trò hội tụ của văn hóa Huế: từ những chuyến di dân từ phía Bắc, đặc biệt là vùng Thanh Nghệ vào Nam, người xưa mang theo tên xã tên làng, mang theo các phường nghề, nghệ thuật ẩm thực, tín ngưỡng… Đến Thuận Hóa, nơi còn lưu dấu các di tích, đời sống dân cư Chăm Pa, họ đã qua một lần tiếp nhận và phái sinh, rõ nhất là tín ngưỡng và ẩm thực. Sau này khi văn hóa cung đình và bác học hình thành (vốn có gốc rễ dân gian nhưng được tinh lọc và nâng cấp chất lượng cao hơn) đã tác động mạnh mẽ trở lại vào đời sống văn hóa dân gian. Kết quả là văn hóa dân gian vùng Huế phát triển nhanh hơn, mang bản sắc vùng Huế rõ nét hơn so với nhiều nơi khác. Sau đó nữa, văn hóa dân gian Huế đã tỏa sáng xa hơn, lan ra Bắc và vào Nam. Như GS Tô Ngọc Thanh cho biết, Lý Giao duyên Bắc và Nam đều lấy Lý Hành Vân của Huế làm cơ sở…

Trong công trình này, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đánh giá rất cao giá trị văn hóa dân gian Huế trong văn hóa Huế và có những kiến nghị trong vấn đề lưu giữ và phát huy, như GSTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Lê Hồng Lý đã phát biểu trong nghiên cứu “Không gian văn hóa Huế”: “Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến phải tập hợp được tất cả những gì có liên quan về Huế tại Huế, dù đó là những mảnh vụn hay những chế bản. Huế phải là trung tâm tàng trữ tất cả những thứ đó. Như vậy để bất cứ ai, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài đến đây đều có thể sử dụng được. Bởi vì nghiên cứu Huế ngoài những tài liệu vô cùng cần thiết ấy, người ta phải được chứng kiến tận mắt, được đặt chân lên chính mảnh đất này, có như vậy mới thâu hết được tất cả và công trình nghiên cứu ấy mới có giá trị thực của nó”.

Văn hóa truyền thống dân gian Huế là cội rễ của nền văn hóa Thừa Thiên Huế đương đại, việc nghiên cứu, tìm hiểu, lưu giữ và phát huy là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế ấn hành được tập sách này là một việc làm hết sức đáng trân trọng…

Hồ Đăng Thanh Ngọc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM