Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: TL
Trong hoàn cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu vừa thoát khỏi xiềng nô lệ của thực dân đế quốc, với 95% dân số mù chữ, hàng triệu người chết đói (trước Cách mạng Tháng Tám - 1945), việc chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa lên hàng đầu trong số những “nhiệm vụ cấp bách” thời bấy giờ.
Dẫu trong thời điểm thế nước như “ngàn cân treo sợi tóc” (năm 1946), Bác Hồ vẫn dành thời gian quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước với những lời dạy bảo ân cần, gần gũi như “Phải siêng học”, “Phải theo đời sống mới”, “Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em”.
Điều này, một lần nữa giúp chúng ta hiểu thêm tình cảm, tư tưởng Hồ Chí Minh về truyền dạy đạo đức, hiếu nghĩa truyền thống dân tộc cho con trẻ và công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng, cho đất nước, từ những ngày đầu lập nước. Hiếu với cha mẹ, thuở thiếu thời; “hiếu với dân, trung với nước”, khi trưởng thành. Qua đây cũng hiểu thêm về mối liên hệ ứng xử rường cột từ trong ra ngoài, từ gia đình đến xã hội mà Người muốn khuyên các cháu thiếu niên, nhi đồng.
“Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em”, Bác Hồ khuyên các cháu nhi đồng và thiếu niên ngay từ đầu đời, ấu thơ phải biết gắn kết với gia đình, nơi có cha mẹ, anh chị em, có thể có cả ông bà… Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng đầu tiên để hình thành và dưỡng dục nhân cách con người. Gia đình gắn kết, yêu thương, tiến bộ, phát triển bền vững thì các cá nhân trong đó có điều kiện, nhiều cơ hội được yêu thương, tiến bộ, phát triển; từ đó sẽ góp ích nhiều hơn cho đất nước, xã hội yêu thương, tiến bộ, phát triển bền vững. Điều này đã góp phần xua tan ý kiến lâu nay của một số người còn băn khoăn, thậm chí còn hoài nghi, rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sinh trưởng trong gia đình Nho giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà không thấy “bóng dáng” hiếu nghĩa, gia phong, gia đình khi đề cập đến thiếu niên nhi đồng, lớp người trẻ của đất nước...?
Một lần trao đổi với Giáo sư, Nhà văn hoá Phan Ngọc, nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tác giả nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân của đất nước, trong đó tiêu biểu là “Búp sen xanh” viết về Hồ Chí Minh (thời niên thiếu) đã nhấn mạnh: “Năm 1946, Cụ Hồ đã có “5 điều” khuyên các cháu thiếu nhi. Cụ Hồ “khuyên” chứ không “dạy”. Người khuyên các cháu “Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em”, đó là tinh cốt của hiếu - nghĩa theo tinh thần “hiếu vi tiên” - hiếu trên hết. Đó là lời của một người ông khuyên các cháu việc “tu thân”, nhưng “tu thân” theo “đời sống mới”. Lời khuyên của Người đơn giản, mộc mạc, ân cần, trìu mến, thiết thực mà sâu sắc biết chừng nào” (Sơn Định, Về 5 điều Bác Hồ dạy).
Về xuất xứ của “THƯ GỬI CÁC CHÁU THIẾU NHI”, tháng 10 năm 1946, nhà văn Sơn Tùng cho biết thêm: “Sau khi dự Hội nghị Fontainebleau, trên tư cách là thượng khách của chính phủ Pháp, ngày 20/10/1946, Bác Hồ về Hải Phòng kết thúc chuyến công tác. Ngày 22/10, Bác họp Trung ương Đảng… Ngày 23/10, Bác viết thư cảm ơn các cháu thiếu nhi đã đi đón Bác. Ngày 24/10/1946, báo Cứu Quốc, số 385, đăng Thư của Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi (như đã nói).
Nhắc lại điều khuyên mộc mạc quý giá và sâu sắc của Bác Hồ kính yêu từ những ngày đầu nước nhà giành được độc lập nhằm góp phần hiểu thêm tình cảm, tư tưởng, đạo đức của Người, để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng của chúng ta hiện nay theo tinh thần “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra; đồng thời góp phần thực hiện thấu đáo, toàn diện hơn Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong tình hình, nhiệm vụ mới hiện nay.
Bùi Ngọc Quỳnh