Thứ Tư, 09/09/2015 14:45

8/3 đâu chỉ có hoa và quà

Người ta cứ mặc định, niềm vui của chị em phụ nữ trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là được tặng hoa, quà, song không phải ai cũng có được may mắn đó. Những người phụ nữ mà tôi đã gặp, họ tất bật với công việc mưu sinh, song không vì thế mà họ không có niềm vui trong cuộc sống, bởi với họ niềm vui, hạnh phúc không chỉ trong ngày 8/3 mà cả 364 ngày còn lại trong năm là những chia sẻ, đỡ đần trong công việc, là thông cảm, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau của người chồng dành cho vợ.

Ngắm hoa anh đào nở ở Hàn Quốc: Khi nào và ở đâu?Hoa tháng baĐêm văn hóa "Tịnh yến: Quyền năng của phụ nữ và bản sắc văn hóa”Trăn trở với nghề trồng hoa

Chị Hương (phường An Cựu) tần tảo mưu sinh, mong được có ngày 8/3 như những người phụ nữ khác

Gánh nặng mưu sinh

Trước 8/3 vài ngày, những hàng hoa tươi trước cổng chợ Bến Ngự (TP. Huế) rực rỡ, bởi số lượng, chủng loại hoa phong phú gấp mấy ngày thường. Khách hàng nam giới bắt đầu nhộn nhịp “tăng tốc” ghé chọn, dành tặng cho người phụ nữ của mình những bó hoa, giỏ hoa đẹp đẽ, tinh tế... Thế nhưng ngay trong chợ, rất nhiều chị em cặm cụi sau mớ rau, rổ cá, hoàn toàn “xa lạ” với hoa, với quà, “xa lạ” với 8/3. Nhiều chị bùi ngùi “thú nhận”, ngày 8/3 chưa bao giờ được tặng hoa, quà nói chi đến được đi du lịch… “Nhà tui ở tận xã Phú Dương, huyện Phú Vang”. “Nhà tui ở thị trấn Thuận An”. “Nhà tui ở Hương Vinh, Hương Trà”…, là cách mở đầu của chị Thương (bán các loại hạt ngũ cốc), chị Huế (bán cá), chị Hồng (bán trái cây gánh)… khi tâm tình về sự bận bịu mưu sinh. Một ngày của các chị bắt đầu từ nhà đến chợ, rồi từ chợ về nhà, đường sá xa xôi, mua mua bán bán, dọn dọn dẹp dẹp, cứ quay vòng.

“Ngày 8/3? Làm chi có?”. Là câu trả lời của nhiều phụ nữ mưu sinh ở các chợ hay rong ruổi buôn thúng bán bưng. Tôi tìm đến nhà chị Loan, chị Huệ, chị Hương (phường An Cựu, TP. Huế) mấy lần vẫn...hụt, vì các chị thường ra khỏi nhà lúc trời còn tờ mờ và trở về khi phố đã lên đèn.

Chị Loan lập gia đình đã 17 năm, vợ chồng có với nhau 3 mặt con. Lúc về với nhau, vợ chồng chỉ có 4 bàn tay, phải làm lụng tối mắt, chắt chiu từng đồng. Ba đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo càng thêm nặng. Họa vô đơn chí, mười mấy năm qua, chồng chị Loan mắc bệnh về tụy, vào ra bệnh viện như cơm bữa. Con gái lớn cũng mắc bệnh thận ứ nước. “Kiếm được đồng mô thì nghĩ đến ưu tiên cho thuốc thang, cơm áo. 10- 15 nghìn đồng giá 1 bông hoa hồng ngày lễ thì để dành mua con cá, lạng tôm e thiết thực hơn…”. Chị Loan và chồng nhìn nhau cùng cười “xí xóa”.

Chị Huệ quê ở huyện Quảng Điền. Khi còn con gái, chị làm ruộng. Lấy chồng, theo chồng về ở phố, chị học nghề làm đậu hũ. Một ngày bắt đầu thức dậy với xay, lọc, nấu xong nồi đậu hũ lại đặt đôi quang gánh lên vai, chị Huệ ra khỏi nhà rong ruổi trên nhiều con đường, con hẻm, về được đến nhà thì đôi chân đã rã rời. Người phụ nữ lam lũ tâm sự, vì nghèo nên mới chọn bán đậu hũ, chỉ cần ít vốn, bù lại phải bỏ công nhiều. Chồng chị làm thuê, đầu tắt mặt tối nên cũng “quên” luôn việc dành cho vợ điều gì đó lãng mạn, kể cả trong ngày lễ của chị em.

 

Yêu thương được bồi đắp

Chị Phương, chị Chót và nhiều chị em thôn La Khe Trẹm (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) trải lòng một cách rất mộc mạc “cũng có ngày 8/3”, đó là những lúc các chị tham gia buổi liên hoan do Hội phụ nữ thôn tổ chức. Nhưng có tham dự thì cũng mau mau chóng chóng về còn nấu bữa cơm cho các ông chồng không chịu “quen” với 8/3, ngày dành cho một nửa thế giới, chẳng bao giờ tặng hoa, tặng quà, càng không có chuyện nói mấy lời “sến súa” với người đầu gối tay ấp, cùng mình sinh con đẻ cái. 

Thế nhưng, những chị em “không 8/3” mà tôi gặp, trả lời không chút đắn đo, rằng người chồng vẫn yêu thương, quan tâm vợ bằng việc cần cù, miệt mài lao động cùng vợ nuôi con, cùng vợ chia sẻ việc nhà. Sau những cơn đau bởi căn bệnh hiểm nghèo, chồng chị Loan lại cố gắng giúp vợ nhen lò hầm nước xương để chị nấu nồi bánh canh bán buổi sáng. Buổi chiều, lúc chị Loan đi bán bánh lọc, nậm thuê, chồng chị giúp chăm chút đàn gà, nấu bữa cơm đạm bạc. Chồng chị Hương (phường An Cựu, TP. Huế, làm các loại bánh Huế, gánh đi bán rong) ngày nào cũng “đều rí” thức dậy từ 5 giờ sáng để giúp vợ gỡ bánh bèo khi chị vừa hấp xong mẻ bánh. Xong “phần” giúp vợ, anh mới bắt đầu công việc thợ mộc của mình. “Đôi khi cũng ước có được ngày 8/3 như người ta, được nhận hoa, nhận quà, được nghỉ ngơi đi đây đi đó, được quan tâm. Nhưng...”. Câu nói bỏ nửa chừng của chị Thương (chợ Bến Ngự), như mong ước chưa bao giờ thực hiện của nhiều chị em “không 8/3”.

Chị Lê Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Ngự chia sẻ, trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tổ chức, vận động chị em để xây dựng tổ chức chi hội phụ nữ, để những ngày lễ như thế này, chị em có cơ hội tham gia các hoạt động. Được biết, tại các chợ Đông Ba, An Cựu... hay nhiều xã, phường, vào các dịp 8/3, 20/10, chi hội phụ nữ tổ chức, vận động chị em tham gia các hoạt động vui chơi, đi dã ngoại, du lịch. Nhưng vẫn còn nhiều chị em chưa bao giờ có mặt, vì “đắn đo” về món tiền đóng góp (dù không nhiều) hoặc không nỡ “chi phí” thời gian.

Phụ nữ là thế, lúc nào cũng nghĩ cho chồng con trước bản thân mình. Tấm lòng đó cần được đáp lại bằng sự quan tâm tinh tế, để họ luôn cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng chứ không chỉ là những lời chúc tụng được soạn sẵn hay chỉ là những bó hoa được tặng theo phong trào ...

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà mình có hoa
Nhà mình có hoa

Ba tôi chưa hề có cơ hội để đặt vào đất một gốc hoàng mai của chính mình.

Trong thành công chung của tỉnh, có sự đóng góp của phụ nữ
Trong thành công chung của tỉnh, có sự đóng góp của phụ nữ

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Phan Ngọc Thọ khẳng định như vậy tại buổi gặp mặt 50 hội viên, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Cùng dự có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBNND tỉnh.

Gom hoa lên núi
Gom hoa lên núi

Đầu năm lên mạng “nhặt” được mẩu tin lạ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, huyện này đang kêu gọi người dân tại Huế sau khi chơi cây đào cảnh trong dịp tết xong thay vì bỏ đi thì (xin) tặng lại cho huyện. Cùng ngày, trên trang cá nhân của mình, ông Phan Thiên Định (Bí thư Thành ủy Huế) cũng đăng tải nội dung kêu gọi người dân tặng cây đào tết không dùng nữa cho huyện A Lưới.