Thứ Hai, 26/09/2016 08:17

Ấm áp

Ở quê nhà có việc nên tôi đột xuất quyết định mua vé tàu về Đồng Hới. Chuyến tàu SE2 sẽ khởi hành tại ga Huế lúc 16 giờ 20 phút, theo giờ ghi trên vé. Từ lúc mua vé đến giờ tàu chạy, thời gian khá sát, tôi phải vội vàng thu xếp công việc và đồ dùng mang theo. Nhà tôi sát phía sau Ga Huế, có thể đi ngay vào khu vực tàu đỗ rất nhanh mà không cần phải vòng ra cửa chính, cũng có thể nghe tiếng tàu đến, tàu đi. Liếc đồng hồ thấy 16 giờ 5 phút, tôi gấp rút xếp đồ dùng vào ba lô. Đột nhiên nghe tín hiệu tàu, tôi xách hành lý vội vã ra ga.

Thấy đoàn tàu đã “sừng sững”, đang hụ còi chuẩn rời ga, tôi ba chân bốn cẳng chạy, mà e vẫn cầm chắc lỡ chuyến, vì nhân viên đang đóng các cửa lên xuống. Thật may toa tàu gần nhất, cậu nhân viên vẫn cố ý mở cửa, rồi nhanh nhẹn xách hành lý giúp. Tôi vừa lên cũng là lúc tàu chuyển bánh. Chờ tôi hổn hển thở một lúc cho hoàn hồn, cậu nhân viên hỏi “ghế của chị ở toa nào”? Trong lúc lục tìm vé dưới đáy túi xách để xem số toa số ghế, tôi lôi luôn điện thoại ra, mới thấy 16 giờ 10 phút. Có điều gì đó “sai sai”, tôi ngơ ngác hỏi: “Ủa, chẳng lẽ tàu chạy sớm hơn giờ hả em? Vé ghi 16 giờ 20 phút mới chạy nè. Vừa giải thích hôm nay tàu đến Ga Huế muộn nên cũng chạy muộn giờ, đồng thời xem vé của tôi, cậu nhân viên bảo: “Chị nhầm chuyến rồi. Đây là tàu SE4, còn chị mua vé tàu SE2”.

Trời ạ, vừa mới hoàn hồn vì không bị muộn tàu trong tích tắc, giờ đây tôi lại ngao ngán, mặt dài thượt bởi “nguy cơ” phải xuống ga Đông Hà (đến ga Đông Hà tàu dừng để tiễn, đón khách) ngồi chờ chuyến tàu SE2 mà mình đã lấy vé, hoặc mất tiền "oan" để mua vé bổ sung cho chuyến đi này, vì theo nguyên tắc là phải vậy. Lỗi do tôi biết trách ai bây giờ!

Lúc đó, một nhân viên lớn tuổi cũng vừa đến. Nghe xong câu chuyện, hai nhân viên trao đổi với nhau. Anh nhân viên lớn tuổi bảo cậu nhân viên trẻ: “Thôi cậu xem có chỗ nào còn trống chỗ, đưa chị ấy vào ngồi. Chị cũng đã mua vé rồi, chỉ vì bất cẩn lên nhầm chuyến, nên linh động giải quyết, cứ coi như tạo điều kiện để chị khởi hành sớm hơn". Rồi anh ân cần, nhẹ nhàng nhắc: "Lần sau nhớ cẩn thận hơn chị nhé”.

Đã và có thể sẽ vẫn còn những chuyến tàu bị chậm trễ khiến hành khách phải chờ. Nhưng tôi chợt thấy những chuyến hành trình bằng tàu hỏa thú vị, nhẹ nhõm  hơn, bởi có những nhân viên thật đáng quý, đáng mến. Thay vì có thể giải quyết theo nguyên tắc, các anh đã có những suy nghĩ, lời nói, cách giải quyết rất linh động, có tình, mang đến cho người khác sự xúc động, cảm mến…

Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấm áp “blouse trắng”
Ấm áp “blouse trắng”

Chiếc áo blouse trắng đã gắn liền với hình ảnh giản dị, ân cần, ấm áp của các y, bác sĩ khi thăm khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Lấy người bệnh làm trung tâm, cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày luôn nỗ lực để điều trị tận tâm, chăm sóc tận tụy mà hạnh phúc đơn giản chỉ là sức khỏe, nụ cười và sự an tâm của người bệnh.

Sân ga ngày cuối năm
Sân ga ngày cuối năm

Hơn 1 giờ sáng 29 tết. Chuyến tàu SE18 từ phía nam trễ giờ. “Mua không được vé à em, răng lại đi chuyến tàu khuya như ri”. Giải thích với chị chủ quầy hàng tạp hóa tính tình xởi lởi, do tôi thu xếp công việc đến tận tối muộn mới xong. Muốn tranh thủ từng giờ, về quê ngay với ba mẹ già.

Mang Giáng sinh ấm đến với các bệnh nhi
Mang Giáng sinh ấm đến với các bệnh nhi

Ngày 25/12, Công ty CP Du lịch DMZ phối hợp với Công đoàn Bệnh viên Trung ương Huế tổ chức chương trình “Tinh thần Giáng sinh – Christmas Spirit” mang không khí Noel đến với bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện.

Miếng trầu của mẹ tôi…
Miếng trầu của mẹ tôi…

Mẹ tôi ăn trầu từ 14 tuổi, từ ngày còn tóc đuôi gà. Mới sáng tinh mơ, mẹ đã quang gánh theo bà tôi đi chợ huyện. Đường đất đá, lởm chởm sống trâu, hai mẹ con không có dép, nên đến chợ thì môi tím lại và đôi bàn chân cứng đơ, dẫm phải mảnh sành cũng chẳng biết đau. Đôi vai mẹ gầy nhô lên run bần bật vì đói, vì rét. Bà tôi giở trầu ra ăn, bảo: Con tập ăn trầu đi, sẽ thấy ấm người.