Thứ Sáu, 29/09/2017 15:27

“An toàn là nhiệm vụ sống còn”

Đó là khẳng định của GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khi đề cập đến vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Thủ tướng gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tếTiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn trong phòng, chống COVID-19

Bệnh viện Trung ương Huế trao hồ sơ ra viện cho bệnh nhân đầu tiên được điều trị khỏi COVID-19

Kiểm soát chặt quy trình bảo hộ

Hiện nay, tại Cơ sở 2, Bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị cho 3 bệnh nhân nhiễm COVID-19 và cách ly, theo dõi y tế 5 trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao. Từ 7/3, thời điểm bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên được thu dung điều trị tại đây, lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế thuộc các đội phản ứng nhanh và đội điều trị của bệnh viện đã được kích hoạt. Các đội hoạt động theo các phương án đã được xây dựng kỹ lưỡng trước đó, đồng thời thường xuyên được Ban Giám đốc theo dõi, chỉ đạo và điều chỉnh phù hợp với diễn biễn của tình hình thực tế.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nằm độc lập với khác khu nhà khác, hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động khám và điều trị nội trú các bệnh khác. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng bệnh nhân đang điều trị, người nhà chăm sóc và nhân viên y tế, Bệnh viện Trung ương Huế siết chặt công tác bảo hộ, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và quy trình phân luồng ra – vào của nhân viên y tế trong mỗi lần thao tác. Tại khu cách ly, công tác bảo hộ và quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn được yêu cầu tuân thủ tuyệt đối. Nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn kiểm soát chặt chẽ từ thời điểm nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh, đi ra đến quy trình cởi bỏ đồ bảo hộ. Tiếp đó, các bác sĩ và nhân viên y tế phải tắm, súc họng và thay hoàn toàn áo quần sạch thì mới được đi ra khu vực bình thường.

GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nói thêm: “Chúng tôi xác định phải có đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp và hoàn toàn khỏe mạnh thì mới đảm bảo công cuộc chống dịch thành công. Ngay từ đầu, chúng tôi đã quán triệt vấn đề bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế. Đây là vấn đề sống còn. Điều đáng mừng là đến thời điểm này, sau hai lần làm xét nghiệm cho nhân viên y tế có tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân dương tính với COVID - 19 và rất mừng là cả hai lần đều có kết quả âm tính”.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân đang được điều trị trong thời điểm này, đồng thời tăng cường quản lý chặt người nhà đi kèm, Bệnh viện Trung ương Huế đã có những quy định và khuyến cáo cụ thể. Theo đó, người bệnh phải khai báo y tế trung thực; mỗi bệnh nhân chỉ có tối đa một người nhà đi kèm chăm sóc; người thân, bạn bè không nên đến thăm người bệnh tại bệnh viện; người nhà chăm sóc và bệnh nhân hạn chế đi lại trong bệnh viện; bệnh nhân không được ra khỏi bệnh viện nếu không có lý do; không được mang thức ăn, thức uống từ bên ngoài vào bệnh viện và tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

“Chống dịch như chống giặc”

Nhân viên y tế Thừa Thiên Huế lấy thông tin y tế của người được cách ly tập trung

Tính đến trưa 29/3, cả nước đã ghi nhận 179 trường hợp nhiễm COVID-19; trong đó, có nhiều ca được xác định có liên quan đến môi trường bệnh viện. Điều đó đặt ra yêu cầu siết chặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, nhất là đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 29/3, Bộ Y tế cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 6/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế. Theo đó, để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế ngành, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Không chủ quan, lơ là, phải chủ động trong mọi tình huống, quán triệt toàn bộ cán bộ nhân viên, người lao động với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

Chỉ thị nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người tới khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế số cổng ra, vào; hạn chế số lượng người bệnh vào điều trị nội trú; hạn chế tổ chức ăn tập trung; hạn chế tổ chức hội nghị tập trung; xây dựng phương án nhân sự dự phòng tình huống phải cách ly y tế đối với một nhóm cán bộ; chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn… Nếu có xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh trừ trường hợp cấp cứu và thực hiện cách ly toàn bệnh viện. Đồng thời, các đơn vị cũng cần tăng cường tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19; các kỹ thuật sử dụng máy thở; biện pháp dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế; sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ cho tuyến dưới. Tất cả các nhân viên y tế phải khai báo y tế.

Bài, ảnh: Đồng Văn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấm áp “blouse trắng”
Ấm áp “blouse trắng”

Chiếc áo blouse trắng đã gắn liền với hình ảnh giản dị, ân cần, ấm áp của các y, bác sĩ khi thăm khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Lấy người bệnh làm trung tâm, cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày luôn nỗ lực để điều trị tận tâm, chăm sóc tận tụy mà hạnh phúc đơn giản chỉ là sức khỏe, nụ cười và sự an tâm của người bệnh.

Luôn bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Luôn bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh luôn nỗ lực cố gắng để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.