Chủ Nhật, 05/02/2017 20:19

ASEAN: Tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 chậm hơn dự báo

Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng thấp hơn dự đoán, dẫn đến dự báo tăng trưởng có sự điều chỉnh giảm nhẹ, hiện ở mức 4,8% cho năm 2019 và 4,9% vào năm 2020, giảm từ mức tương ứng 4,9% (2019) và 5,0% (2020). Trong khi đó, lạm phát khu vực trong năm nay được dự đoán sẽ giảm xuống còn 2,4% so với dự báo trước đó là 2,6%.

ASEAN cần dùng AEC làm nền tảng cho sự phát triển

Hà Nội nhìn từ trên cao, ngày 19/6/2019. Ảnh: AFP

Trong phiên bản cập nhật “Triển vọng phát triển châu Á” được công bố tháng trước của ADB, Singapore, Thái Lan và Philippines nằm trong số các nền kinh tế khu vực chứng kiến sự cắt giảm trong dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019. Trong khi đó, triển vọng của 3 nước ASEAN khác là Indonesia (5,2%), Malaysia (4,5%) và Việt Nam (6,8%), vẫn không thay đổi so với dự báo hồi tháng tư.

Theo nhận định của nhà kinh tế trưởng ADB, ngay cả khi xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn, khu vực ASEAN vẫn có thể duy trì sự tăng trưởng ổn định ở mức vừa phải. Tuy nhiên, cho đến khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận, sự bất ổn chắc chắn sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng khu vực.

Sự suy yếu trong sản xuất và thương mại ở Singapore đã khiến ​​dự báo GDP của nước này trong năm 2019 giảm từ 2,6% xuống còn 2,4%. Tuy nhiên, nền kinh tế Singapore vẫn có điểm sáng trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là trong thông tin - truyền thông, với mức tăng 6,6% trong quý I/2019. Tại Thái Lan, ADB dự báo nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,5%, giảm so với dự báo ban đầu là 3,9%. Thương mại toàn cầu yếu hơn khiến xuất khẩu của Thái Lan giảm 4,5% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, đè nặng sự tăng trưởng của quốc gia. Trong khi đó ở Philippines, ADB đã cắt giảm dự báo GDP của nước này từ 6,4% xuống còn 6,2% do ngân sách quốc gia bị kìm hãm bởi chi tiêu của chính phủ. Giống như ở các nước ASEAN khác, tăng trưởng xuất khẩu của Philippines cũng tăng chậm do hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu suy yếu.

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy việc chuyển hướng trong thương mại và sản xuất đã mang lại lợi ích cho ASEAN. Việt Nam có thể được xem là một ví dụ điển hình khi xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 28%.

ADB cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm nay, mặc dù nền nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch tả lợn châu Phi và hạn hán kéo dài. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp, nhất là sản xuất, vẫn mạnh mẽ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với một năm trước đó.

Mặc dù vậy, với tình hình hiện tại, các nhà phân tích cảnh báo rằng xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm suy yếu nghiêm trọng đầu tư và làm mất ổn định tăng trưởng trong khu vực. Các yếu tố khác như giá dầu tăng, sự mất giá tiền tệ, những bất ổn từ Brexit cũng là những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở ASEAN. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai cũng là các mối đe dọa đối với sự tiến bộ và thịnh vượng của ASEAN.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The ASEAN Post)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.