ASEAN cần áp dụng công nghệ thông minh để phát triển các thành phố thông minh. Ảnh: STRAITSTIMES
Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ở ASEAN, dự kiến khoảng 90 triệu dân sẽ chuyển đến các thành phố trên khắp khu vực vào năm 2030. Sự tăng trưởng nhanh nhất dự kiến sẽ xảy ra ở các thành phố cỡ trung với mức dân số từ 200 nghìn đến 2 triệu người. Một khi sự thay đổi diễn ra, các thành phố này có thể sẽ đóng góp 40% tăng trưởng của khu vực.
Để giải quyết những thách thức ngày càng tăng của phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, cơ sở hạ tầng bị lạm dụng quá mức, điều quan trọng và cần thiết lúc này là phải áp dụng các công nghệ “thông minh”. Trước sự ra đời của mạng lưới ASCN - sáng kiến của chủ tịch ASEAN 2018 Singapore, các quốc gia thành viên ASEAN có thể tự do áp dụng cơ chế riêng theo từng thành phố để tiến đến đạt được những mục tiêu tiếp theo trong tiến trình xây dựng thành phố đáng sống.
Trong đó, khung ASCN được xây dựng như một bản hướng dẫn không ràng buộc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự hình thành thuận lợi các thành phố thông minh tại các nước trong mạng lưới ASCN. Khung nội dung ASCN gồm 3 mục tiêu chiến lược: xây dựng các nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn. Thành phố thông minh sẽ giúp các nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn bằng việc tận dụng đòn bẩy của sự đổi mới và tinh thần kinh doanh, từ đó hỗ trợ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh mới. Ngoài ra, các thành phố thông minh cũng thúc đẩy môi trường bền vững bằng cách sử dụng công nghệ và năng lượng xanh, đồng thời nâng cao phúc lợi cho người dân nhờ áp dụng các giải pháp sáng tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục và y tế.
Với sự hỗ trợ của sáng kiến thành phố thông minh, nhiều quốc gia ASEAN đã và đang tận dụng, triển khai nhiều dự án tiến bộ. Đơn cử, Thái Lan đã xây dựng chương trình “Tầm nhìn thành phố thông minh Phuket” nhằm thúc đẩy du lịch thông qua dữ liệu lớn và các công cụ phân tích. Hay Makassar, thành phố lớn thứ năm của Indonesia vào năm 2014 đã khởi xướng kế hoạch thành phố thông minh để xây dựng một thành phố phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm với các dịch vụ y tế cộng đồng phục vụ 24/24, gọi là Dottoro’ta....
Bên cạnh cơ hội phát triển, các thành viên ASEAN cần tăng cường hợp tác để giải quyết thách thức, nhất là khi truy cập Internet là bắt buộc để thụ hưởng các lợi ích của công nghệ, song khoảng cách trong chỉ số áp dụng kỹ thuật số giữa các quốc gia vẫn còn chênh lệch và chi phí Internet tốc độ cao cũng đang là cản trở.
Một cách tổng quan, chính phủ không thể xây dựng thành phố thông minh đơn lẻ. Tiến trình này cần sự chung sức của khu vực tư nhân, giúp tạo ra giá trị tốt hơn về tài chính, kinh nghiệm lập kế hoạch và chuyên môn kỹ thuật.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ East Asia Forum)