Thứ Tư, 07/09/2016 12:39

Bài học về vụ việc con trộm tiền và tài sản của cha mẹ

“Không thể ngờ con là kẻ trộm” là câu nói cứ lặp đi lặp lại trong nước mắt của người mẹ. Đến bây giờ, bà vẫn không muốn chấp nhận sự thật quá đau khổ, phũ phàng. Người cha thì ngồi lặng im. Có lẽ, ông đang nuốt nước mắt ngược vào trong, bởi tình cảnh trớ trêu. Cả con trai và con dâu là thủ phạm trộm cắp tài sản của mình.

Đòi hỏi quá mứcThấu hiểu mẹ cha

Vợ chồng D. cùng 2 con nhỏ, đứa 4 tuổi, đứa 1 tuổi sống chung với cha mẹ chồng. Bà T. có quầy hàng tạp hóa nhỏ. Vợ chồng D. cũng kinh doanh quán nhậu nhỏ. Bao năm nay không giàu có gì, nhưng cuộc sống gia đình ấy vốn dĩ đầm ấm, hạnh phúc. Gần đây, do cần tiền để làm ăn nên vợ chồng D. đứng tên hợp đồng vay ngân hàng số tiền 150 triệu đồng. Việc vay tiền được đảm bảo bằng hợp đồng thế chấp tài sản của bà T.

Tiền vay được, vợ chồng D. thống nhất lấy 30 triệu đồng để sửa chữa quán nhậu, giao 120 triệu đồng còn lại cho mẹ cất giữ, quản lý. Đây là số tài sản lớn nên người mẹ cất trong chiếc thùng nhôm, để trong tủ quần áo phòng ngủ, khóa cẩn thận.

Sau khi giao tiền cho mẹ cất giữ, nhiều lần vợ chồng D. hỏi tiền để kinh doanh, nhưng cha mẹ không đồng ý. D. nảy sinh ý định trộm tiền, nên lén lấy chìa khóa tủ quần áo và chìa khoá tủ hàng tạp hoá của mẹ, đưa đi làm thêm mỗi loại một chìa. Hôm ấy, biết cha mẹ chở nhau lên TP. Huế mua sắm, D. rủ vợ lên phòng mẹ lấy trộm tiền. Người vợ can nhưng D. vẫn thực hiện ý định, dùng chìa khóa đã đánh sẵn trước đó, mở tủ quần áo, bưng trộm cả chiếc thùng nhôm bên trong có số tiền 120 triệu đồng và một số nhẫn vàng, dây chuyền, lắc vàng…

D. bảo vợ mang thùng nhôm đến cầu Thuận An đứng đợi. Sau khi vợ đi, D. tiếp tục lấy chìa khóa đã lén làm sẵn mở hộc tủ bán hàng tạp hóa của mẹ lấy 7 triệu đồng; mang theo dao, kìm, chạy xe máy ra cầu Thuận An. Sau khi bảo vợ về trước, D. dùng dao, kìm cắt thùng nhôm, lấy tiền, vàng; vứt chiếc thùng nhôm và các dụng cụ gây án xuống phá Tam Giang. Tổng trị giá tài sản trộm cắp gần 200 triệu đồng.

Phát hiện bị mất tài sản, bà T. khóc lóc hoảng loạn. Cha mẹ của bà trình báo công an. Lúc này D. mới sợ hãi nên tự thú hết mọi chuyện với cha mẹ, sau đó đến cơ quan công an tự thú. “Con trai tui rất ngoan hiền. Tui không thể ngờ con là kẻ trộm…”, bà T. nhiều lần thảng thốt.

Con trai và con dâu của vợ chồng bà T. lại “không ngờ” hành vi của họ lại “đẩy” sự việc nghiêm trọng đến mức này. Cả vợ lẫn chồng đều phải ra tòa, bị pháp luật hình sự xử lý, phải “đối mặt” với tù tội, trong lúc 2 đứa con còn nhỏ. Chính những điều đó lại khiến cha mẹ họ đau khổ bội phần. Hối hận họ phân bua, do “cạn nghĩ”, cứ cho rằng trộm của cha mẹ, “chẳng may” bại lộ thì cũng là chuyện trong nhà, lần đầu phạm tội cùng lắm là bị cha mẹ la mắng, dạy dỗ. Có đâu ngờ…

Sau khi xem xét cân nhắc mọi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định đối với 2 bị cáo, tòa tuyên phạt D. 15 tháng tù. Vợ D. đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên phạt 12 tháng tù, cho hưởng án treo. Trước đó, Hội đồng xét xử phân tích: Các bị cáo trong vụ án này nói riêng và bất cứ ai đều buộc phải nhận thức được rằng, không phải trộm của gia đình thì không có tội, hoặc tội nhẹ hơn, mà đều bị xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Trong vụ án này, D. sai. Vợ D. ban đầu có ý thức can ngăn chồng, giá như can ngăn quyết liệt đến cùng, thì có thể sự việc đau lòng không xảy ra. Đằng này, vợ D. lại bị D. lôi kéo thành đồng phạm giúp sức. Số tiền 120 triệu đồng, tuy là của vợ chồng D., nhưng đã giao cho cha mẹ quản lý, là thuộc sở hữu của cha mẹ. Những “bài học” đó, tất cả mọi người phải biết, phải nhớ, để tránh gây ra hành vi sai lầm, hậu quả nghiêm trọng.

Quỳnh Anh 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Điện thoại thông minh và những đứa trẻ tuổi teen
Điện thoại thông minh và những đứa trẻ tuổi teen

“Em ơi, hôm nay bệnh nhi ra viện. Thật may là bệnh nhi đã được cứu kịp thời và đã có thể ra viện”, giọng nói của nữ bác sĩ lặng xuống. Có lẽ, trong khoảnh khắc ấy cả tôi và chị đều đang nghĩ về một điều: Với những trường hợp tương tự, sự may mắn hoàn toàn vuột khỏi tầm tay.

Cho con
Cho con

Xem chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 vừa qua, hình ảnh các cháu nhỏ vùng cao ngày đầu vào lớp 1 trường nội trú, bịn rịn rồi òa khóc nức nở khi mẹ ra về, tôi không cầm được nước mắt. Mới 6 tuổi, các cháu phải rời xa tổ ấm, không có cha mẹ bên mình hàng ngày với bao lạ lẫm của cuộc sống tự lập, thật thương cảm. Bước đường đến với con chữ của các cháu quá đỗi gian nan!