Thứ Hai, 02/03/2020 08:16

Bản Tuyên ngôn Độc lập, đỉnh cao của ý chí & khát vọng

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc: Thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự kiện mang tính bước ngoặt vĩ đại đó được đánh dấu bằng Bản Tuyên ngôn Độc lập “một áng hùng văn” ở thế kỷ XX do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra và trịnh trọng tuyên bố vào chiều 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trước hơn 50 vạn đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ - nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á cách đây tròn 77 năm.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) - Biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945

Với tinh thần vô cùng hân hoan và phấn khởi, tại căn buồng trên gác hai ở ngôi nhà 48, phố Hàng Ngang - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định khí phách, tư duy, tinh thần độc lập, tự chủ, mà còn thể hiện ý chí, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Nhân dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Thấm nhuần những giá trị độc lập, tự do từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai thác những yếu tố tư tưởng, văn hóa, giá trị vĩnh cửu mà nhân loại đã thừa nhận, cùng những lập luận lẽ phải - những điều hiển nhiên không ai chối cãi được, đó là “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc chính kẻ thù phải tôn trọng nền độc lập của dân tộc Việt Nam, cũng như các quốc gia khác một cách bình đẳng.

Để chứng minh nền độc lập mà Đảng, Mặt trận Việt Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam giành được là hợp pháp, chính đáng, bởi đó là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài và phải hy sinh nhiều xương máu, Người chỉ ra rằng: Từ mùa thu năm 1940, nước ta trở thành thuộc địa của phát xít Nhật. Khi Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị thì Nhân dân cả nước đã nổi dậy đánh đổ xiềng xích thực dân gần trăm năm và nền quân chủ chuyên chế nghìn năm để giành lấy chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rõ ràng chúng ta đã “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vì vậy, chúng ta có quyền tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký với triều đình Đại Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Từ đó, Người quả quyết tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng:“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là tư tưởng xuyên suốt về một nền độc lập dân tộc chân chính, một nền độc lập hướng tới những giá trị văn hóa mới “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Nhân dân Việt Nam nói riêng, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung luôn khát khao và hướng đến.

Với những lý lẽ và bằng chứng rõ ràng, thuyết phục, Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà còn thể hiện khí phách, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do, thể hiện sức sống mãnh liệt, trường tồn về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam ta.

Xét về lịch sử và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của ông cha, thì Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 là sự kế thừa, phát huy lên tầm cao mới của truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, cùng với giá trị nhân văn cao cả của con người Việt Nam; là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sự tiếp nối Tuyên ngôn “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ XIII, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV…

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy truyền thống yêu nước Việt Nam xuyên suốt trong nhiều thế kỷ, phản ánh một Việt Nam với lòng tự hào - tự tôn dân tộc chính đáng, luôn biết đứng dậy, không chịu cúi đầu khuất phục trước mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù hung bạo nhất. Đó chính là giá trị tinh thần làm nên sức mạnh có sức cổ vũ, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết của các thế hệ con người Việt Nam với quyết tâm: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi thử thách, gian nguy, nó nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước”...

Đúng như tác giả Trần Dân Tiên đã viết “Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, của bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh, của những người con anh dũng Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên hải đảo xa xôi, trên những máy chém. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu Nhân dân nước Việt”.

Bằng bút pháp ngắn gọn, súc tích chỉ trên 1.000 từ, nhưng vô cùng đanh thép, Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 thật sự kết tinh ở tầm cao thời đại về khát vọng “độc lập - tự do” của người dân Việt Nam; là tư tưởng và tinh hoa văn hóa của nhân loại được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết bằng tư duy sắc sảo, trí tuệ vượt thời đại của Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh của Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, vì mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ là “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Bài: Nguyễn Đình Dũng - Ảnh: TL

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Duy trì phong độ đỉnh cao của vận động viên
Duy trì phong độ đỉnh cao của vận động viên

Kỳ đại hội thể thao toàn quốc vừa qua, có nhiều vận động viên (VĐV) các bộ môn thể thao của tỉnh nhà đã bước qua tuổi 30 vẫn còn gặt hái huy chương và câu chuyện duy trì phong độ đỉnh cao của VĐV một lần nữa cần phải nhắc tới.

Khát vọng trẻ
Khát vọng trẻ

Họ là những người trẻ, kịp trang bị cho mình một nền tảng học vấn trước khi bước vào thương trường. Nhưng một thứ hành trang không thể thiếu với những doanh nhân trẻ này là ai cũng đau đáu một khát vọng làm giàu cho bản thân, cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Khát vọng xây dựng quê hương
Khát vọng xây dựng quê hương

Củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh và tập trung bồi đắp lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên nhằm chung tay xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là mục tiêu cao nhất Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 hướng đến.

Sống lại khát vọng Thường Châu
Sống lại khát vọng Thường Châu

Xem như không có phút nghỉ ngơi, chỉ 2 ngày sau khi vô địch SEA Games 31, đội bóng U23 Việt Nam lại lên đường đi Dubai (UAE) tập huấn để chuẩn bị dự Vòng chung kết U23 châu Á 2022 ở Uzbekistan. Không còn thầy Park Hang - seo, thay thế cho ông trên chiếc ghế nóng huấn luyện cũng là một ông thầy đến từ xứ sở Kim Chi - Gong Oh Kyun.