Thứ Ba, 16/02/2016 08:47

Bằng giả và đạo đức công vụ

Tòa án Quân sự vừa xét xử Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) về tội tham nhũng và sử dụng bằng đại học giả để được đề bạt, lên lương. Đây có lẽ là lần đầu tiên đối tượng sử dụng bằng giả bị xử lý theo Bộ luật Hình sự trong khi đó việc sử dụng bằng giả đang tràn lan.

“Út trọc” Đinh Ngọc Hệ khai gì trước Tòa án quân sự?

Trong quy định hoặc thông báo tuyển công chức chúng ta thường thấy nêu một loạt bằng cấp cần phải có trong hồ sơ. Từ bằng liên quan đến chuyên môn, rồi chứng chỉ bổ trợ về tin học, ngoại ngữ... Bằng cấp đòi hỏi nhiều trong khi ở mỗi người không phải bao giờ cũng có đủ. Vậy là phát sinh bằng/chứng chỉ giả.

Gần đây, cơ quan điều tra phát hiện những ổ chuyên làm bằng giả với số lượng lớn, thậm chí bằng giả còn được quảng cáo chào bán công khai qua tin nhắn với giá rẻ như… bèo.

Nhưng cũng có loại bằng thật nhưng học giả, kiến thức giả và đương nhiên là giả mạo với cơ quan, tổ chức. Các khóa học từ xa, tại chức, đào tạo ngắn hạn… mở ra là điều kiện tốt nhất cho người không đủ tri thức nhưng lại muốn có bằng cấp cao hơn. (ngoại trừ những người không có điều kiện theo học chính quy phải học tại chức). Danh chính ngôn thuận là có học, có tên, có thi là đương nhiên sẽ có bằng tốt nghiệp, ít nhất cũng xếp vào loại trung bình. Kiến thức không quan trọng miễn là có bằng để hợp thức hóa theo chức danh đòi hỏi. Học và thi cũng ba bảy đường, từ nhờ học giúp, điểm danh, thi học phần đến thi tốt nghiệp và kể cả nhờ làm luận văn. Những lớp đào tạo từ xa, tại chức không chặt chẽ trong quản lý, thiếu nghiêm túc trong thi cử thì học đối phó là lẽ đương nhiên. Đó là chưa kể các bằng bổ trợ nhưng bắt buộc phải có như: chứng chỉ ANQP,  chuyên viên chính, lý luận chính trị… cũng có hiện tượng tương tự, tuy không phải là bằng giả, nhưng học không nghiêm túc thì kiến thức cũng không khả dĩ hơn.

Các trường đại học hiện nay quá nhiều, thi vào đại học không quá khó như vài chục năm về trước, trình độ cử nhân như một hình thức phổ cập. Vậy nên, bằng giả không phải là cứu cánh mà trở thành một loại tệ nạn,  biến con người trở thành kẻ giả dối, xảo trá, thiếu trung thực. Những con người như vậy dù bất cứ trong trường hợp nào cũng không thể chấp nhận cho phép “chui” vào cơ quan nhà nước. Họ sẵn sàng giả dối ban đầu thì họ cũng rất dễ dối trá trong quá trình làm việc, trở thành những con sâu trong cơ quan nội bộ. Tai hại không chỉ vì bằng giả mà trở thành nền tảng về đạo đức xấu trong mọi công việc. Nguy hiểm hơn với những tấm bằng giả hoặc không đúng thực chất khi họ làm ở những nghề tác động đến con người như bác sĩ, giáo viên, thẩm phán, công an… sẽ là mối tai họa khó lường. Vụ việc mới đây về vi phạm pháp luật trong chấm bài thi ở một số tỉnh miền núi phía bắc cũng có thể coi như một dạng bằng giả. Một số em điểm thực chưa đủ tốt nghiệp phổ thông nhưng lại được nâng lên ngang với những thủ khoa thực chất ở các nơi khác. Lỗi này trước hết là của phụ huynh, nhưng sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của các em khi bắt đầu bước vào trường đời.

 Sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Cán bộ, công chức. Khi phát hiện thì việc xử lý là đương nhiên, nhưng với những trường hợp không bị lộ hoặc phát hiện muộn thì nguy hại là rất khó lường. Bằng cấp không phải là các “chứng từ” cho đủ thủ tục hồ sơ mà gắn với trình độ, tri thức của mỗi người. Bằng cấp giả sẽ sinh ra giả dối, đánh mất phẩm chất cần có của đảng viên, công chức, nhất là với lãnh đạo quản lý.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rao bán bằng giả tràn lan trên Internet
Rao bán bằng giả tràn lan trên Internet

Pháp luật Việt Nam quy định rõ hành vi làm, tàng trữ và mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng một khi có “cầu” ắt sẽ có “cung” nên trên Internet tràn lan dịch vụ làm bằng giả.

Cái giá của hành vi làm giả tài liệu
Cái giá của hành vi làm giả tài liệu

Cả 9 người đều là hướng dẫn viên du lịch. Vì xâm phạm hoạt động đúng đắn, bình thường của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động học tập và cấp chứng chỉ tiếng Anh, nhằm mục đích lừa dối cơ quan cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, họ đã phạm vào tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “trả giá” đắt.

Từ vụ án làm giả các loại chứng chỉ, bằng cấp
Từ vụ án làm giả các loại chứng chỉ, bằng cấp

Việc các đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để móc nối với các cá nhân làm các loại văn bằng giả là không mới. Tuy nhiên, tính chất, mức độ hành vi của các đối tượng ở mỗi thời điểm có khác nhau, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ và đạo đức công vụ.

Cái giá được báo trước
Cái giá được báo trước

“Anh ơi, bên em nhận làm bằng tốt nghiệp cấp 3, trung cấp, cao đẳng, đại học, bằng lái xe máy, ô tô, sổ hồng, sổ đỏ và tất cả các loại giấy tờ khác. Giao hàng mới thu tiền. Liên hệ số điện thoại….”.