Chuẩn bị lên đường đi trao bánh bao
Để có những chiếc bánh bao yêu thương ấy, ngay từ sáng chủ nhật, các thành viên của CLB Kỹ năng sinh viên chia thành từng nhóm đi bán kẹo. Số tiền lời từ đây sẽ được dùng để đi đặt bánh bao, mua sữa và gói lại thật gọn gàng vào buổi trưa. “Những thành viên CLB không dùng đến tiền ba mẹ chu cấp ăn học mà muốn tự mình làm ra để thực hiện hành động ý nghĩa này, Phan Văn Đông, sinh viên năm thứ 3 lớp Kỹ thuật cơ điện tử 48, người trực tiếp phụ trách chương trình “Bánh bao yêu thương” cho biết.
Đồng cảm
Theo Phan Văn Đông, ý tưởng ban đầu của chương trình xuất phát từ nỗi đồng cảm với những vất vả, nhọc nhằn của các cô, chú lao công, các bác xe ôm, người bán vé số và cả những người vô gia cư phải ngủ ở nơi gầm cầu, hè phố trong những đêm hè nắng nóng hay ngày đông giá rét. “Chúng em muốn góp một phần nhỏ công sức của mình để giúp các cô, các chú vơi bớt cực nhọc, có thêm động lực để có thể tiếp tục công việc của mình. Chương trình này cũng mang lại cho chúng em những trải nghiệm đáng quý”. Đông nói.
Kinh phí cho chương trình được gây dựng từ sự đóng góp của các thành viên và đi bán kẹo gây quỹ. “Khó khăn gặp phải không ít bởi làm sao để vận động được các thành viên tham gia gây quỹ với tinh thần tự giác và vui vẻ. Việc đi bán kẹo cũng chiếm nhiều thời gian và một khó khăn nữa là thời tiết rất oi nóng, khó chịu. Tuy nhiên, tụi em luôn cố gắng vượt qua và sắp xếp hoạt động gây quỹ, phát bánh vào những ngày cuối tuần để không ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn”. Đông cho biết.
Những trải nghiệm thú vị
Dù vất vả nhưng các thành viên CLB đều hào hứng tham gia "Bánh bao yêu thương" bởi ý nghĩa mà chương trình mang lại. Nguyễn Phước Điểm, lớp Kỹ thuật cơ điện tử 49 tâm sự: “Qua hoạt động này, em có thêm những kỷ niệm đẹp, hiểu thêm về sự cực khổ của các cô chú lao công. Những cuộc trò chuyện với các cô chú giúp em hiểu hơn về giá trị của cuộc sống. Đây còn là cơ hội để chúng em thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tăng tình đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm, cũng như là môi trường để phát triển các kỹ năng mềm như: giao tiếp với người lạ, bán hàng, diễn thuyết trước đám đông, làm việc nhóm…”.
Với Phước Điểm, kỷ niệm khó quên nhất là lần đầu tiên đi bán kẹo. “Lúc đầu mở miệng mời người khác rất khó khăn, không biết cách mời thế nào nhưng dần dần em cũng vượt qua và làm được. Đây là lần đầu tiên em tự kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình, cảm nhận được việc làm ra đồng tiền khó như thế nào. Chợt nghĩ đến số tiền ba mẹ chu cấp để chi tiêu hàng tháng, em thấy thương ba mẹ hơn…”. Phước Điểm nói.
Nguyễn Thị Hiền, lớp Công nghệ thực phẩm 48A, nhớ lại: “Khi tự tay trao những phần quà đến các cô chú và được nhìn thấy nụ cười của họ, chúng em thấy lòng mình ấm hơn. Cho đến khi các bạn ai đã về nhà nấy thì tâm trạng hạnh phúc ấy vẫn còn. Chúng em sẽ cố gắng thực hiện thêm những đợt tình nguyện như vậy để mang lại cho các cô chú lao công niềm vui sau những giờ làm việc mệt mỏi”.
Bài, ảnh: THANH VÂN