Thứ Hai, 18/04/2016 22:58

Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển

Ở Việt Nam, từ rất lâu đã xuất hiện các quỹ tương thân, tương ái, gắn liền với cộng đồng làng xã, nhằm cưu mang, giúp đỡ những người gặp phải rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống.

Cán bộ BHXH Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm với Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam  

Hình thức hoạt động chủ yếu là lập các quỹ quản phụ điền, quỹ cô nhi điền… để giúp bà góa, con côi. Một số địa phương lập ra quỹ nghĩa điền, quỹ nghĩa thương… do những người hảo tâm đóng góp để dùng vào việc trợ giúp người khó khăn. Những loại quỹ này được người dân tự giác tham gia đóng góp và có sự giám sát của làng xã nên được sử dụng rất đúng mục đích.

Ngày 3/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 54-SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu trí. Căn cứ Sắc lệnh số 54-SL, Chủ tịch Chính phủ (khi đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi công tác tại Pháp) ký ban hành Sắc lệnh số 105-SL ngày 14/6/1946 quy định về việc cấp hưu bổng và đóng bảo hiểm đối với công chức.

Ngày 09/11/1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Chính quyền cách mạng non trẻ. Trong điều kiện chiến tranh, toàn dân, toàn quân dốc sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ, Đảng và Nhà nước ta vẫn hết sức quan tâm chăm lo đến đời sống của người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ngày 12/03/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 29-SL được xem là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân.

Năm 1950 có thể coi là mốc son ghi dấu trong sự phát triển của chính sách bảo hiểm xã hội khi có 2 sắc lệnh quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Đó là Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/05/1950 ban hành Quy chế Công chức Việt Nam, trong đó quy định các nghĩa vụ, quyền lợi của công chức Việt Nam, tổ chức quản trị sử dụng, quy định về tuyển dụng, khen thưởng, thăng thưởng cũng như việc kỷ luật đối với công chức vi phạm quy chế. Ngày 22/05/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký ban hành Sắc lệnh số 77-SL quy định các chế độ đối với công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến. Sắc lệnh số 77/SL một lần nữa khẳng định và làm rõ hơn những quyền lợi công nhân được hưởng đã quy định tại Sắc lệnh 188-SL ngày 18/10/1949. Có thể nói, chính sách BHXH ở Việt Nam trong giai đoạn đầu tuy còn hết sức sơ khai nhưng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người lao động, là cơ sở cho việc hình thành, phát triển chính sách BHXH ở Việt Nam trong các giai đoạn tới.

Để đảm bảo quyền lợi cho quân nhân phục viên chuyển công tác, ngày 12/06/1957, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 250 - TTg về chính sách đối với quân nhân phục viên. Ngày 06/12/1958, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 523 - TTg về chế độ trợ cấp dài hạn cho quân nhân tình nguyện đã phục viên từ ngày hòa bình lập lại bị bệnh kinh niên tái phát ốm, yếu không còn khả năng lao động.

Ngày 27/12/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước, thay thế tất cả những quy định trước đó về các chế độ có tính chất bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1962 và là Điều lệ đầu tiên về BHXH.

Tiếp theo Điều lệ BHXH tạm thời đối với công nhân, viên chức nhà nước, để cải tiến, thống nhất các chế độ có tính chất bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ, ngày 30/10/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 161- CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự. Điều lệ BHXH tạm thời đối với công nhân, viên chức nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161/CP ngày 30/10/1964 là 2 văn bản pháp luật đầu tiên quy định về chế độ bảo hiểm ở nước ta là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất.

Ngay sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 18/06/1976, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10-NĐ/76 về việc thực hiện các chế độ mất sức lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân viên chức và quân nhân ở miền Nam. Có thể nói, đến năm 1976, chính sách BHXH đã được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, góp phần quan trọng giải quyết hậu quả của chiến tranh để lại trên lĩnh vực chính sách xã hội, ổn định cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới: đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân, viên chức Nhà nước và quân nhân có thời gian hoạt động cách mạng, ngày 8/8/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 198 - CP sửa đổi, bổ sung một số điểm về chế độ hưu trí và nghỉ việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức nhà nước và quân nhân. Ngày 20/11/1978, Hội đồng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 296 - CP bổ sung và sửa đổi một số điểm về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức. Ngày 18/09/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 235 - HĐBT về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, bãi bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá bù lỗ, chuyển sang chế độ trả lương bằng tiền do quỹ hàng hóa bảo đảm. Tiếp sau đó, ngày 18/9/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 236 - HĐBT bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh xã hội.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa V (tháng 06/1986) đã đánh giá tình hình sau cuộc điều chỉnh giá - lương - tiền (tháng 09/1985) và khẳng định chính thức đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra vấn đề xác lập một cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của nền kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Những tư duy mới về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và tự hạch toán đòi hỏi cần có những thay đổi trong nhận thức về hệ thống chính sách xã hội, đặc biệt là các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng cần được xem xét lại trên nguyên tắc đóng - hưởng, từng bước xóa bỏ bao cấp nhằm giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và đảm bảo sự công bằng xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bộ Chính trị đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng xem xét thí điểm tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động tại khu vực ngoài quốc doanh, làm cơ sở tiến tới xây dựng một Điều lệ BHXH thống nhất cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm từ 1991 - 1995. Văn kiện Đại hội xác định: “Đổi mới chính sách BHXH theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Từng bước tách quỹ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ bảo hiểm xã hội chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế”.

Ngày 15/04/1992, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Tại Điều 56 Hiến pháp quy định “Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động. Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động”. Cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp 1992, trên cơ sở kết quả thí điểm thực hiện BHXH cho người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Ban Chỉ đạo nghiên cứu đổi mới các chế độ BHXH. Ngày 22/06/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/CP quy định tạm thời chế độ BHXH.

Năm 1995 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách bảo hiểm xã hội với việc triển khai thống nhất BHXH bắt buộc cho người lao động trong mọi thành phần kinh tế và sự ra đời của tổ chức BHXH Việt Nam. Trên cơ sở Bộ luật Lao động được thông qua tại kỳ họp thứ 05, Quốc hội khóa IX, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và liên bộ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách chế độ BHXH. Trong đó, văn bản chủ đạo về chế độ, chính sách BHXH là Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với công chức, công nhân viên chức nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 thành lập BHXH Việt Nam.

Ngày 19/03/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001 - 2010. Việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong các giải pháp quan trọng được Quyết định nêu rõ: “Mở rộng BHYT tự nguyện, củng cố Quỹ BHXH bắt buộc tiến tới BHYT bắt buộc toàn dân”. Từ ngày 19 đến 22/04/2001, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Về chiến lược phát triển y tế và BHYT, Văn kiện Đại hội IX chỉ rõ: “Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, tiến tới BHYT toàn dân”.

Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển bảo hiểm y tế Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Ngày 06/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, bãi bỏ các quy định trước đây về tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam và bảo hiểm y tế Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ BHXH, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 03 cấp: ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

Ngày 29/06/2006 đánh dấu một mốc son trong chặng đường phát triển và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH khi tại kỳ họp thứ 09, Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 với loại hình BHXH tự nguyện và từ 01/01/2009 với loại hình bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp đó, ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 04, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009). Ngày 16/06/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam.

Triển khai Luật BHXH năm 2006, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện Luật BHXH, các văn bản chủ đạo gồm: Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/04/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân; Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP; Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm tự nguyện (BHTN); Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN; Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN.

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 21- NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Nghị quyết tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, đồng thời xác định những định hướng mới mang tầm chiến lược: “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. BHXH và BHYT phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH, BHYT. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.

Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 23/07/2013, xác định mục tiêu quan trọng: “Phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Bài, ảnh: Đan Duy - Hạnh Nhi

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.