Thứ Ba, 30/04/2019 07:17

Bảo tồn phố cổ Bao Vinh

Cùng với Đề án phố đêm khu vực Hoàng Thành Huế và khai thác các điểm đến về đêm để thu hút khách, TP. Huế đang tiến hành khảo sát, định hướng bảo tồn phố cổ Bao Vinh nhằm khai thác phát triển du lịch, tạo thêm nhiều điểm đến cho Huế.

Một sớm Bao VinhHỗ trợ 10 tỷ đồng bảo tồn phố cổ Bao Vinh

Phố cổ Bao Vinh đang xuống cấp và nhếch nhác

Cách trung tâm TP. Huế khoảng 3 km về phía đông, giống như Hội An, phố cổ Bao Vinh từng một thời sầm uất, là diện mạo phố thị của Kinh đô Huế trước khi có phố chợ Đông Ba. Được xem là di tích văn hóa có giá trị của Huế, phố cổ Bao Vinh hiện còn 13 ngôi nhà cổ và 6 nhà lục giác. Qua thời gian và không được trùng tu, nâng cấp, đa số các ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu tôn tạo. Ngoài ra, khu vực phía bờ sông Hương có 49 nhà.

Theo ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, các nhà ở phố cổ Bao Vinh dọc bờ bắc sông Hương xây dựng từ hàng chục năm nay; trong đó, có 6 nhà lục giác. Nhà dân nơi đây đều hướng mặt ra Tỉnh lộ 4, mặt tiền nhà mặc dù chưa được đầu tư nâng cấp, song được người dân chăm chút, chỉnh trang... Riêng mặt sau các nhà dọc theo bờ sông Hương trước đây khá nhếch nhác, lộn xộn. Để tạo điểm nhấn cho phố cổ, thời gian qua, nhóm Huế - Du lịch kết nối (Hue Tourism Connect - HTC) đã đưa ra ý tưởng phủ một màu sơn mới cho mặt sau các căn nhà để tạo nên các góc nhìn mới lạ khi đi thuyền trên sông Hương nhìn vào, gây ấn tượng đẹp về phố cổ Bao Vinh.

Giữa tháng 10/2021, lãnh đạo Thành ủy Huế có buổi làm việc với phường Hương Vinh về công tác bảo tồn phố cổ Bao Vinh nhằm khai thác phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, dịch vụ, tạo thêm nhiều điểm đến để hấp dẫn du khách.

Ông Trần Quốc Thắng cho rằng, để trùng tu bảo tồn phố cổ Bao Vinh, trước mắt cần di dời dãy nhà ở khu vực bờ sông với 48 hộ/49 nhà, sau đó lập quy chế quản lý khu vực bảo tồn trên diện tích 8ha để định hướng đầu tư, phát triển các dịch vụ du lịch, đồng thời lập đề án bảo tồn trùng tu phố cổ chi tiết để định hướng cho quá trình trùng tu lâu dài.

Về phía địa phương, Hương Vinh đang xây dựng phương án cải tạo môi trường khu vực phố cổ, xây dựng hệ thống thoát nước, cải tạo các đường xóm theo hướng cổ hài hòa với nhà cổ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng phù hợp. Mặt khác, sẽ nghiên cứu, lên phương án để di dời chợ Bao Vinh sang địa điểm mới phù hợp với nhu cầu mua bán của người dân địa phương, đồng thời quy hoạch lại vị trí chợ cũ để cải tạo thành chợ ẩm thực, bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, phường đang nghiên cứu trình UBND TP. Huế định hướng phát triển du lịch ở Vườn Bách Thảo trên sông Hương ở cồn lớn Hương Vinh hướng đến phát triển du lịch sinh thái ở khu vực này.

Sau khi tham quan, khảo sát phố cổ Bao Vinh, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định nhấn mạnh, phố cổ Bao Vinh có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển du lịch, đồng thời không đánh mất các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của phố cổ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và sự đồng thuận, đồng hành của người dân phố cổ.

Bí thư Thành ủy giao trách nhiệm cho lãnh đạo phường Hương Vinh vận động người dân chung tay cùng chính quyền phát huy giá trị phố cổ; giao UBND TP. Huế sớm xây dựng và ban hành quy chế quản lý cho phố cổ Bao Vinh, đồng thời rà soát các quy hoạch, mời các đơn vị tư vấn, các chuyên gia quy hoạch để thực hiện quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát triển phố cổ theo hướng giữ gìn giá trị lịch sử, hình ảnh phố cổ Bao Vinh, đồng thời hướng người dân trở thành chủ thể trong việc bảo tồn bền vững phố cổ để phát triển du lịch.

Bài, ảnh: MINH THƯ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng
Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng

Thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh nhân… thị xã Hương Trà còn quan tâm trùng tu, sửa chữa những di tích đình làng đã xuống cấp, cần cấp thiết bảo tồn.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn

Được xem là một trong những vùng đất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản, nhưng thực tế hiện nay Huế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều bất cập, khó khăn. Từ việc khoanh vùng, cho đến kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích cho đến việc huy động các nguồn lực “hồi hương” cổ vật…

Bảo tồn mèo quý
Bảo tồn mèo quý

Sự quý hiếm, nguy cấp của mèo rừng không chỉ ở số lượng cá thể ít mà còn có nhiều đặc tính đáng chú ý, tạo niềm cảm hứng đối với các chuyên gia trong nỗ lực tìm kiếm, bảo tồn loài động vật hoang dã (ĐVHD) này.