Thứ Ba, 02/12/2014 08:34

Bắt đầu từ gia đình

Năm 2017 là năm thứ hai Tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (từ 1-30/6) được tổ chức ở quy mô quốc gia, theo Quyết định 363 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/3/2016.

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, không chỉ làm tổn hại tinh thần, danh dự, sức khỏe, tính mạng  của các nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, tác động xấu tới sự phát triển của từng gia đình và mỗi quốc gia. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, để lại hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là phụ nữ và trẻ em, người già. Tại lễ phát động Tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình tổ chức ngày 30/5 tại Vĩnh Phúc, theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ năm 2012 đến năm 2016 cả nước xảy ra trên 127 nghìn vụ bạo lực gia đình; trong đó đối tượng gây bạo lực là nam giới chiếm 83,69% và gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Tại Thừa Thiên Huế, theo thống kể của ngành chức năng, giai đoạn 2012-2015 số vụ bạo lực gia đình dưới 400 vụ/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ghi nhận được, có sự vào cuộc của cơ quan, đoàn thể còn thực tế lớn hơn nhiều, bởi tâm lý “tốt khoe xấu che”, “xấu chàng hổ ai”. Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ bạo lực gia đình dai dẳng, nạn nhân cố chịu đựng, chỉ khi để lại hậu quả nghiêm trọng vụ việc mới được phanh phui. Điển hình như các vụ chồng đánh gãy tứ chi vợ ở Phong Điền; vợ đánh chết chồng ở Quảng Điền hay vụ anh rể dã man đánh chết em vợ ở Huế… xảy ra năm 2014.

Gia đình là tế bào của xã hội. Muốn xã hội phát triển lành mạnh trước hết phải xây dựng gia đình bình đẳng, không  có bạo lực. Để phòng chống bạo lực gia đình, trong những năm qua tỉnh và các ngành, các tổ chức đoàn thể  đã triển khai nhiều phương án, kế hoạch, hoạt động nhằn tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong các gia đình, cộng đồng dân cư. Một số địa phương, đoàn thể tổ chức có các mô hình hay, hiệu quả như thành lập câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực gia đình, gia đình 5 không 3 sạch…

Với chủ đề “Gia đình- nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”, Tháng Hành động   quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm nay lấy gia đình làm nền tảng để xây dựng  gia đình hạnh phúc hướng đến một xã hội hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tháo gỡ vướng mắc, cần có sự hợp tác của  gia đình và cơ sở. Bởi bạo lực gia đình hiện diễn biến phức tạp, đa dạng, không chỉ là hành hung, đánh đập mà còn ở nhiều góc độ khác như nhục mạ, kiểm soát thời gian, theo dõi điện thoại, tin nhắn… Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ và  mạnh dạn hợp tác thì các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể mới có thể giúp đỡ hỗ trợ, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Tránh để đến khi mâu thuẫn không còn kiểm soát được mới vào việc xử lý thì hậu quả đau lòng, nặng nề hơn rất nhiều.

Hoàng Giang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.