Trụ chính cổng vào biệt thự Mai Trang được đắp nổi hình hoa mai và gắn chữ Mai Trang trên cánh cửa
Kiến trúc Pháp - hồn Việt
Ngôi biệt thự được xây dựng cách đây gần 1 thế kỷ vẫn còn được giữ nguyên trạng sau bao đổi thay của vùng đất Vỹ Dạ, vốn nổi tiếng với các nhà vườn, phủ đệ của các vương thân, quý tộc. Bên cạnh phủ đệ của các hoàng thân, quốc thích, những khu nhà vườn của dòng họ Nguyễn Khoa kéo dài từ chợ mới Vỹ Dạ về đến chùa Ba La Mật, cũng góp cho khung cảnh Vỹ Dạ thêm cổ kính, thâm nghiêm, quyến rũ, từng đi vào thơ Hàn Mặc Tử: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Biệt thự Mai Trang được xây dựng năm 1937, của cụ Nguyễn Khoa Toàn (1898 - 1965). Ngôi biệt thự mặc dù xây dựng theo kiến trúc nhà Pháp, nhưng được phối hòa trong khoảnh sân, bồn hoa, vườn tược lấy chủ đạo là hoa mai nên vừa mang phong cách nhà vườn quyền quý, nhưng lại gần gũi hồn Việt. Đây có lẽ là ngôi biệt thự hiếm hoi nhất ở Huế đã lấy hoa mai làm cốt cách, tinh thần cho kiến trúc xây dựng.
Ngay cánh cổng đi vào ngôi nhà, trên hai trụ chính đã có biểu tượng hoa mai đắp nổi và chữ Mai Trang bằng chữ Hán gắn lên cổng. Ở sảnh trước, ngôi biệt thự đã sử dụng những phù điêu đắp nổi hình hoa mai, chữ Mai bằng Hán tự cách điệu trên ô của trang trí. Cấu trúc toàn bộ ngôi nhà cũng được xây dựng theo hình hoa mai, với gian thờ nằm ở vị trí trung tâm, vây quanh là không gian sinh sống từ phòng khách, các phòng ngủ, bếp… như những cánh hoa mai.
Ngôi biệt thự được xây dựng theo cấu trúc hoa mai cổ kính, rêu phong giữa xứ vườn Vỹ Dạ
Cùng với ngôi nhà lấy hoa mai làm tinh thần chính cho kiến trúc xây dựng, xung quanh vườn cũng được chủ nhân trồng toàn mai. Ngôi biệt thự cũ giờ do cô Nguyễn Kh.D.H. (cháu nội gái của cụ Nguyễn Khoa Toàn) trông coi.
Mới đây, con cháu cụ Nguyễn Khoa Toàn đã trùng tu biệt thự Mai Trang. Ngôi biệt thự mới tuy có được chỉnh trang hiện đại hơn, song vẫn giữ nguyên kết cấu và đường nét cũng như tên gọi của ngôi biệt thự.
Chủ nhân là một nghệ sĩ
Tò mò về ngôi biệt thự cổ độc đáo có một không hai của xứ Huế này, chúng tôi đã cất công tìm hiểu và được biết chủ nhân của nó là một người vô cùng đặc biệt. Cụ Nguyễn Khoa Toàn từng giữ chức Đốc học Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi sau là Thượng thư Bộ Học, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan thời Bảo Đại của triều Nguyễn. Cụ cũng là một trong những họa sĩ tài danh vào những năm đầu của thế kỷ 20.
Bên trong biệt thự
PGS, Họa sĩ Vĩnh Phối, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, Phó hiệu Trường đại học Nghệ thuật Huế, khi còn sống đã từng có nghiên cứu về họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn. Trong một lần trò chuyện, ông cho biết: Cụ Nguyễn Khoa Toàn, mặc dù chỉ là họa sĩ nghiệp dư, nhưng tranh của ông vẽ khá nổi tiếng của những năm đầu thế kỷ 20, trong đó nhiều bức rất đẹp, ánh sáng rất tốt mang tâm hồn hồn hậu Việt Nam, từ tranh thiếu nữ đến vườn chuối… khung cảnh quen thuộc từ xứ vườn Vỹ Dạ. Năm 1939, ông đã có một cuộc triển lãm và hiện giờ con trai của ông là Nguyễn Khoa Phồn ở Hoa Kỳ vẫn còn lưu giữ khoảng hơn 40 bức tranh của ông. Cũng theo họa sĩ Vĩnh Phối, mới đây nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng vừa sưu tập được bức tranh “Đặng Dung mài kiếm dưới trăng” của tác giả Nguyễn Khoa Toàn, một bức tranh quý khá độc đáo. Nhưng do chưa có tư liệu kiểm chứng nên ông không biết chính xác có phải của Nguyễn Khoa Toàn hay không.
Khi chúng tôi về thăm Mai Trang đúng vào dịp mùa mưa xứ Huế, khoảng sân vườn ngập nước vì xung quanh người ta cắt đất xây nhà, nâng cao cốt nền khiến khu vườn cũ trở thành điểm thấp trũng. Nước không thoát được nên sân vườn người vào phải lội bì bõm. Chúng tôi thắc mắc vì sao không đào mương cho nước thoát ra vườn, cô Nguyễn Kh.D.H cho biết: “Nếu nâng sân lên thì nước sẽ tràn ra vườn làm chết vườn mai, bởi thế cô dự định khi trời hửng nắng sẽ thuê người về làm hệ thống thoát nước theo phương thức tự tiêu”.
Hoa mai ngập sân
Với cô H., vườn mai là kỷ niệm, là kỷ vật thiêng liêng mà tổ tiên để lại nên dù chẳng mang lại kinh tế, con cháu vẫn bảo tồn, gìn giữ. Không chỉ vậy, con cháu của cụ Nguyễn Khoa Toàn còn tiếp tục phục hồi, tôn tạo thêm cho vườn mai được ngày một sum suê, tươi tốt. Chính nhờ sự trân quý ấy mà khu vườn vẫn còn giữ được những cội mai già gần trăm tuổi cổ kính, rêu phong đầy thân gốc. Ngày tết, vườn mai rực rỡ, tỏa hương nồng ấm. Hoa mai rụng vàng trên liếp cỏ, lối đi khiến khung cảnh trở nên gần gũi thân quen nhưng vẫn mang chút gì đó xa xăm, hoài niệm.
Rời biệt thự Mai Trang trong chiều mưa dầm xứ Huế, giữa khung cảnh Vỹ Dạ đang thưa dần những ngôi nhà vườn quý giá để thay vào đó là phố thị ồn ào, chợt thấy luyến lưu nét Huế xưa tàn phai theo năm tháng. May thay, giữa xô bồ thế cuộc vẫn còn đó những ngôi nhà xưa cũ như biệt thự Mai Trang để Huế còn có những vườn mai vàng nồng đượm mỗi độ xuân về.
Bài: Bùi Ngọc Long
Ảnh: Khoa Huy - Ngọc Long