Thứ Bảy, 28/01/2017 13:00

“Bỏ quên” thị trường nội địa

Hơn 20 doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may (DM) quy mô lớn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Song, sản phẩm DM do các DN trên địa bàn sản xuất lại chưa đứng chân trên thị trường nội địa, là câu hỏi đặt ra, đầy trăn trở.

Hướng đến trung tâm dệt may của Việt NamCông ty CP Dệt may Huế: Đầu tư 200 tỷ đồng nâng cấp máy móc thiết bị trong năm 2019

Chất lượng tốt, giá thành phù hợp, sản phẩm dệt may sẽ chinh phục được thị trường nội địa

Khó cạnh tranh

Những năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang lớn trong và ngoài nước xuất hiện trên thị trường và được khách hàng lựa chọn, như Pierre Cardin, An Phước, Việt Tiến, Zara, Triumph, Nem… Các thương hiệu này đều có các cửa hàng giới thiệu sản phẩm hay chiến lược maketting, chương trình khuyến mại giảm giá được tổ chức hằng năm. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có trên 20 DN sản xuất hàng DM, chủng loại hàng khá phong phú, song dường như số DN mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Là DN sản xuất hàng DM quy mô lớn với 5 nhà máy may, 1 nhà máy sợi và 1 nhà máy dệt nhuộm, giải quyết việc làm cho trên 5 ngàn lao động, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 100 triệu USD, song đến nay Công ty CP Dệt may Huế vẫn chưa khai thác thị trường nội địa. Hiện DN sản xuất nhiều nhóm sản phẩm như áo T- shirt, Polo- shirt, áo Jacket, quần short, quần áo trẻ em và các loại hàng may mặc khác làm từ vải dệt kim và dệt thoi, nhưng chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty CP Dệt may Huế tại phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy vắng khách

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DM Huế, ông Nguyễn Thanh Tý cho rằng, khai thác thị trường nội địa là mong muốn của nhiều DN, nhiều lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực DM. Đây là thị trường tiềm năng, là “kênh” xuất khẩu tại chỗ góp phần tăng giá trị gia tăng cho DN. Tuy nhiên, lộ trình xây dựng thương hiệu khá tốn kém, hiệu quả mang lại không cao nên DN chưa chú trọng thị trường này.

Theo ông Tý, sở dĩ DN không cung ứng hàng cho thị trường nội địa là do sản phẩm DM trôi nổi, kém chất lượng và có giá rẻ xuất hiện tràn lan trên thị trường, trong khi nguyên liệu sản xuất của DN đều nhập từ nước ngoài nên giá thành khá cao, rất khó cạnh tranh. Để phát triển thị trường nội địa, trước hết phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ DM trên địa bàn để hạ giá thành nguyên liệu đầu vào; mặt khác, Nhà nước cần có giải pháp ngăn chặn hàng tình trạng hàng kém chất lượng, giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam.

Là thương hiệu thời trang hàng đầu thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp), sản phẩm chủ lực của Công ty Scavi Huế là hàng nội y, đồ thể thao và áo quần trẻ em xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Song, công ty chỉ có cửa hàng giới thiệu sản phẩm duy nhất nằm trong khuôn viên nhà máy tại Khu công nghiệp Phong Điền, chủ yếu cung ứng cho CBCNV- LĐ trong công ty, chứ chưa tung ra thị trường phục vụ khách hàng.

Giám đốc Công ty Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ thông tin, Scavi có 30 năm kinh nghiệm trong ngành nội y nam nữ và chuyên hợp tác cung ứng sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới, song đối với thị trường nội địa thì DN chưa khai thác được nhiều, do giá thành sản phẩm khá cao vì 100% nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ các nước tiên tiến nên rất khó cạnh tranh khi cung ứng trên thị trường.

Cần chủ động nguyên liệu

Mặc dù là một trong những ngành hàng xuất khẩu mang lại giá trị kim ngạch cao và tiên phong trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, song lâu nay các DN DM trên địa bàn chủ yếu là sản xuất hàng gia công cho các DN nước ngoài hoặc sản xuất hàng FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm). Bởi, trên địa bàn hiện vẫn chưa có các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ DM, như vải, cúc, khuy, khóa kéo, băng chun... nên các DN chủ yếu nhập nguyên phụ liệu từ các nước Trung Quốc, Đài Loan hoặc các DN nước ngoài có nhà máy đóng tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, sau đó gia công và xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các đối tác. Đây chính là khó khăn dẫn đến các DN chưa mạnh dạn đầu tư cửa hàng, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường nội địa.

UBND tỉnh đã có chủ trương để Tập đoàn Scavi thí điểm nghiên cứu xây dựng nhà máy dệt nhuộm khép kín trong khuôn viên của DN với điều kiện phải nhập thiết bị công nghệ mới từ Ấn Độ. Nếu dự án được triển khai, nguyên liệu sản xuất không chỉ đáp ứng cho tập đoàn mà có thể cung ứng cho các DNDM trên địa bàn, giúp các DN hạ giá thành sản phẩm, khai thác thị trường nội địa.

Theo ông Nguyễn Thanh Tý, với hai cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại TP. Huế và TX. Hương Thủy, lâu nay DN chủ yếu tận dụng lượng vải may hàng xuất khẩu dôi dư để may các sản phẩm như áo pull, đồ ấm, áo quần trẻ em cung ứng ra thị trường với giá thành thấp, song đây chỉ là giải pháp để quảng bá thương hiệu, còn hiệu quả kinh tế không cao nên DN chưa tính đến chuyện xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường nội địa.

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho rằng, lâu nay các DN DM trên địa bàn chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác xuất khẩu nên gần như 100% nguyên liệu chủ yếu là nhập từ các nước trên thế giới, sau đó gia công và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Muốn tiêu thụ nội địa, trước hết phải xây dựng thương hiệu, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn mới đứng chân trên thị trường.

Ông Thanh cho biết, sở dĩ sản phẩm của các DNMD khó tiêu thụ được trên thị trường nội địa là do nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu cộng với chi phí đầu vào khá cao nên giá bán rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Đây chính là lý do khiến các DN không chú trọng đầu tư phát triển thị trường nội địa. Nếu trên địa bàn có nhà máy sản xuất vải, dệt nhuộm, DN chủ động được nguyên liệu đầu vào, giá thành giảm thì sản phẩm mới đứng chân được ở thị trường nội địa.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).